Sức mạnh của niềm tin

18/04/2019 8:59
Lúc chào đời, cô bé chỉ cân nặng 2kg, vì sinh thiếu tháng. Em bé gầy đến mức lọt thỏm trong lòng bàn tay mẹ. Lên 4 tuổi, căn bệnh viêm phổi và ban đỏ quái ác đã để lại di chứng trên cơ thể em: đôi chân gần như bị liệt. Suốt cả quãng đời thơ ấu, cô bé phải gắn với việc tập luyện vật lý trị liệu để chữa trị cho đôi chân yếu ớt. Sau 2 năm trị liệu kiên nhẫn, em có thể đi loạng choạng được một quãng ngắn giữa hai thanh vịn. Năm lên 10, em có thể tự mình đến trường, nhưng với đôi nạng gỗ trong tay.

Nhìn các bạn chạy nhảy, chơi đùa, cô bé ước ao mình cũng được như vậy. Thế là em bắt đầu lên kế hoạch tập luyện vô cùng sít sao. Tất nhiên, đó không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt là với trường hợp của em – các bác sĩ đã kết luận rằng sẽ không thể bình phục hoàn toàn được.


Bao lần ngã quỵ làm chân tay rướm máu, cô bé vẫn không nản lòng. Khao khát được chạy nhảy, được trở thành một người bình thường lớn đến mức bao khó khăn cũng trở nên nhẹ nhàng đối với em. Kiên nhẫn và tràn đầy quyết tâm, cô bé chưa hề cho phép mình được ngưng luyện tập ngày nào, dù đau ốm hay đã vô cùng mệt mỏi bởi các bài học ở trường.


Mỗi bước chân tiến lên phía trước mà không cần đến đôi nạng đã động viên em rất nhiều. Ngày qua ngày, những cố gắng em đã thực hiện, những giọt mồ hôi rơi xuống sàn tập, cuối cùng cũng mang lại thành công. Em từ bỏ được đôi nạng gỗ.


Nhưng không dừng lại ở đó, cô bé nuôi dưỡng ước mơ trở thành một vận động viên chạy bộ trong đội điền kinh của trường. Đôi chân còn yếu ớt của em giờ phải chịu thêm một thử thách nữa do chính em đặt ra cho mình. “Chặng đường gian khó nhất mình đã trải qua, mình đã có thể làm được điều tưởng như không thể, vậy thì bây giờ, không lý do gì mình được phép đầu hàng”. Ý nghĩ đó đã giúp cô bé vượt qua cơn đau, cố hết sức để đứng lên mỗi khi bị ngã.


Những khi cơ thể em tưởng chừng không thể chịu đựng nổi thử thách thì ý chí của em làm thay. Cứ như thế, 5 năm sau, cô bé yếu ớt ngày xưa đã trở thành ngôi sao trong đội điền kinh và bóng rổ của trường, cùng lúc giành được học bổng tuyển thẳng vào trường đại học bang Tennessee.


Năm 1960, cô vinh dư được chọn vào đoàn vân động viên Mỹ tham dự Thế vận hội Olympic ở Rome. Trong lần đó, cô đã làm nên kỳ tích: lập kỷ lục thế giới, đoạt 3 huy chương vàng ở các nội dung chạy 100 m, 200 m và 400 m tiếp sức nữ. Tất cả mọi người đều không thể tin được rằng kỳ tích ấy là của một cô gái mà ngày trước, các bác sĩ đều kết luận là không bao giờ có thể chạy nhảy bình thường được.


Wilma Rudolph được tôn vinh là Nữ vận động viên xuất sắc nhất năm. Nhưng ý nghĩa câu chuyện này không phải chỉ ở sự vươn lên của một cá nhân. Bạn hãy nhớ, ta bắt đầu từ đâu không quan trọng, mà điều đáng nói chính là ta kết thúc như thế nào.


St


Các tin tức khác

Back to top