Mục đích sống ảnh hưởng thế nào đến tuổi thọ?

27/06/2019 8:16
Người có mục đích sống rõ ràng không những có được nhiều lợi ích về mặt tinh thần mà còn có sức khỏe tốt, tuổi thọ cao hơn.

Nghiên cứu mới đây cho thấy sống có mục đích sẽ giảm được nguy cơ tử vong sớm ở người từ 50 tuổi trở lên. Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí JAMA Network Open cuối tháng 5 qua.


Mục đích sống của mỗi người ảnh hưởng đến tuổi thọ - Ảnh minh họa

Nhóm chuyên gia Đại học Michigan phân tích dữ liệu từ 7.000 người trên 50 tuổi trong một nghiên cứu quốc gia vào năm 1992. Năm 2006, người tham gia nghiên cứu được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi về tâm lý.

Các câu hỏi tìm hiểu mức độ cảm giác về các câu nói như: “Tôi thích lập kế hoạch cho tương lai và làm việc để biến nó thành sự thật” và “Hoạt động mỗi ngày của tôi thường mờ nhạt và không quan trọng với tôi”… Sau đó, các câu trả lời được “chấm điểm mục đích sống”.

Các nhà nghiên cứu so sánh điểm số với tỉ lệ tử vong của người tham gia nghiên cứu trong 5 năm sau đó. Trong thời gian này, có 776 người qua đời.

Người tham gia có “điểm số mục đích sống” thấp nhất có khả năng tử vong gấp đôi trong thời gian nghiên cứu so với người có điểm số cao hơn. Đặc biệt, người có điểm số mục đích sống thấp có khả năng chết vì bệnh tim hoặc các bất ổn về máu.

Kết quả vẫn đúng sau khi các chuyên gia xem xét các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến ý thức về mục đích sống, nguy cơ tử vong khác, suy nhược tinh thần.

Theo các chuyên gia, lý do người có mục đích sống rõ ràng và mạnh mẽ có thể sống lâu hơn là sự hạ giảm kích hoạt các gene gây viêm nhiễm trong cơ thể. Viêm nhiễm được xem là yếu tố nguy cơ gây tử vong sớm - điều này được khẳng định qua nhiều nghiên cứu trước đây. 

Và nghiên cứu cũng cho thấy mục đích sống mạnh mẽ và rõ ràng có liên quan đến mức hormone stress thấp hơn, số lượng các phân tử viêm nhiễm trong cơ thể thấp hơn. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đo mức phân tử hay các đánh dấu sinh học và mối liên hệ của chúng với tình trạng sức khỏe hay nguy cơ tử vong.

Huệ Trần 
(theo Live Science)

Các tin tức khác

Back to top