Tại sao mình lại không thương được mình?

3/11/2013 3:48
Melvin McLeod: Tại sao mình lại không thương được mình?

Thích Nhất Hạnh: Chúng ta có thể có thói quen đi tìm hạnh phúc ở một nơi nào khác với cái bây giờ và ở đây. Chúng ta có thể thiếu khả năng để nhận ra rằng hạnh phúc là điều có thể có được ngay bây giờ và ở đây, rằng chúng ta đã có đủ các điều kiện để hạnh phúc ngay trong giờ phút này. Tin tưởng rằng hạnh phúc không thể có được ngay trong giờ phút này, rằng mình phải đi về tương lai để có thêm những điều kiện hạnh phúc là một tập khí. Tập khí này ngăn không cho chúng ta an trú được trong giờ phút hiện tại, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt bây giờ và ở đây. Đó là lý do tại sao mình không hạnh phúc được.

Trở về với giây phút hiện tại, chăm sóc lấy tự thân, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống đang thật sự có mặt – đó đã là thương rồi. Thương là tử tế với chính mình, có lòng xót thương với chính mình, làm phát khởi những hình ảnh của niềm vui, và nhìn mọi người bằng đôi mắt bình đẳng, không kỳ thị. Đó là điều mình phải trau dồi. Vô-ngã có thể đạt được. Thực tại này có thể được tiếp xúc từ từ. Chân lý có thể được trau dồi. Khi khám phá một điều gì, ban đầu ta có thể khám phá được một phần thôi. Nếu tiếp tục, ta có thể có cơ hội khám phá nhiều hơn. Và cuối cùng ta khám phá ra toàn bộ sự vật. Khi thương, nếu đó là tình thương chân thực, ta bắt đầu thấy người kia là một phần của mình và mình là một phần của người kia. Đạt tới nhận thức đó là đã bắt đầu có tuệ giác vô-ngã đã đạt tới vô ngã. Nếu mình nghĩ rằng hạnh phúc của mình là khác, hạnh phúc của người kia là khác, thì mình chưa thực chứng được chút gì về vô-ngã, và hạnh phúc không thể nào đạt tới được.

Khi mình đi trên con đường của tuệ giác tiến tới vô-ngã, hạnh phúc mang lại từ tâm thương yêu sẽ tăng trưởng. Khi hai người thương nhau, những ngăn cách, phân chia, giới hạn giữa họ bắt đầu tan biến, mình trở thành một với người mình thương. Không còn ganh tị, giận hờn nữa, tại vì giận người kia tức là mình tự giận mình rồi . Vì vậy vô-ngã không phải là một học thuyết, giáo điều, hay một hệ tư tưởng mà là một chứng đắc có thể mang lại rất nhiều hạnh phúc.

Theo Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top