Ngựa theo lối cũ, trâu quen đường về

9/02/2014 2:59
Có những nguyên nhân nội tại ở bên trong mình, hoặc trong thân thể hoặc trong tâm thức, và có những nguyên nhân ngoại tại ở hoàn cảnh bên ngoài.

Khi đối diện với những sự kiện xảy ra thì cách ta hành xử, cách ta phản ứng trong lần sau cũng giống hệt như cách ta phản ứng trong lần trước. Tiếng Việt ta có câu: ngựa theo lối cũ. Nếu ngày xưa ai có giữ trâu hay giữ bò thì biết: ta không cần phải chỉ đường đi cho những con trâu, con bò. Chúng quen đường về, ta chỉ cần ngồi chơi trên lưng trâu và trâu đưa ta về nhà. Chúng ta cũng vậy, cách hành xử của ta, cách phản ứng của ta đã trở thành thói quen. Nhiều khi ta có cảm tưởng là ta quyết định, nhưng thật ra không phải là ta quyết định mà chính là thói quen, cách hành xử lâu đời của ta quyết định.

Khi bước vào một cửa tiệm để mua áo, đứng trước một dãy áo dài năm sáu chục cái. Ta chọn xem áo nào, màu sắc nào, kiểu nào ta thích. Ta có cảm tưởng là ta có tự do chọn lựa, nhưng nhìn kỹ thì tự do đó rất ít, hoặc có thể nói là không có, vì những cái ta thích đã được quyết định trước rồi. Ta đã có sẵn sở thích về màu sắc, hình dáng, kiểu may và khi đi ngang qua thì ta bị nó bắt. Ta bị chọn chứ không phải ta chọn. Ta bị cái đó chọn, đi ngang qua nó là ta phải mua, mà thật ra ta mua nó hay nó mua ta thì chưa biết được. Sở thích của ta đã có sẵn, ta đã quen với màu đó, với hình thái đó rồi.

Cách đây chừng 30 năm, tôi đi vào một cửa tiệm ở Tokyo để mua một vuông khăn về cột mấy cuốn kinh. Tôi đứng trước những vuông khăn (bên Nhật Bản người ta bán rất nhiều vuông khăn bằng lụa để cột hành lý), cô bán hàng hỏi:

- Thầy chọn cái nào?

Tôi mỉm cười nói:

- Tôi đâu có chọn. Tôi để cho nó chọn tôi.

Cô bán hàng rất ngạc nhiên, nhưng sự thật là như vậy. Ta bị chọn tại vì những sở thích của ta đã được viết sẵn trong tâm của ta do cách ta được huấn luyện, cách ta tiếp nhận kinh nghiệm của cuộc đời. Vì vậy ý chí tự do của ta hầu như là không có.

Thói quen của một con người cũng như vậy. Mỗi khi có sự việc gì xảy ra thì người đó có khuynh hướng nhìn nhận và phản ứng giống như nhau. Lần thứ nhất, người đó phản ứng như vậy; lần thứ hai, nếu sự tình xảy ra như vậy thì người đó cũng phản ứng giống y như lần trước và lần thứ ba cũng thế. Khi nào có sự việc xảy ra tương tợ thì người đó lại phản ứng theo thói quen mà người đó đã được huân tập.

 

Sư ông Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top