Bước chân con hãy về thanh thản

16/06/2017 2:07
“Bước chân con hãy về thanh thản” – đây là sự thực tập của con, của các con.

“Ta vẫn còn đến đi thong dong

Có không còn mất chẳng chẳng băn khoăn

Bước chân con hãy về thanh thản

Không tròn không khuyết một vầng trăng”

“Bước chân con hãy về thanh thản” – đây là sự thực tập của con, của các con. Nguyên tắc chỉ đạo cho sự thực tập này nằm gọn trong chữ Về. Về ở đây là không còn đi lang thang tìm kiếm. Về ở đây nghĩa là đã thấy được con đường của mình. Về đây là về nhà (back at your true home), về với hải đảo tự thân, về với bản tính chân thật của mình. Về đây là về với Tổ tiên, về với đất nước, về với cha mẹ, về với Thầy, về với chánh pháp, về với Tăng thân. Nơi chốn quê hương có tình nghĩa, có sự ấm áp và an lạc. Về đây cũng có nghĩa là về với con cháu của chính con. Nếu mình không về với con cháu thì con cháu sẽ bơ vơ biết bao, và chính mình cũng còn bơ vơ. Con hãy đọc chương nói về vua Trần Thái Tông trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập 1. Vua cũng đã từng diễn tả sự thực tập của vua là sự thực tập về nhà.

“Về thanh thản” có nghĩa là con không phải hấp tấp vội vã, bởi vì theo pháp môn tu tập của chúng ta, mỗi bước chân đều có thể đưa ta trở về. Chỉ cần một bước là ta đã về, đã tới. Vì vậy hai chữ “thanh thản” ở đây cũng rất là quan trọng.

“Ngược dòng chân tính từ lâu, chúng con trôi nổi biển sầu mê..” Hai câu này trong bài Quy Mạng cũng kêu gọi một sự trở về, trở về với chân tính. Với từng bước chân thanh thản, con trở về trong từng giây từng phút. Sự thực tập này đem lại hạnh phúc, an lạc và thảnh thơi. Những chất liệu này nuôi dưỡng được con, nuôi dưỡng được chúng, nuôi dưỡng được Thầy, nuôi dưỡng được cha mẹ, Tổ tiên và con cháu.

Sự thực tập của Thầy cũng không khác. “Ta vẫn còn đến đi thong dong”. Chừng nào Thầy còn đến đi thong dong (coming, going, moving around with freedom) thì Thầy vẫn còn là nơi nương tựa cho con, cho các con. Và chừng nào các con vẫn còn trở về với những bước chân thanh thản thì các con vẫn còn là chỗ nương tựa và tiếp nối của Thầy. Và tuy nhìn bề ngoài ta có thể thấy tướng đầy tướng vơi xuất hiện nhưng trong bản chất nội dung thì vầng trăng vẫn là vầng trăng, không bị ý niệm khuyết tròn che lấp. “Không tròn không khuyết một vầng trăng”.

 

Thích Nhất Hạnh - Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top