Không nên kết luận thiền sinh đắc tam thiền, tứ thiền, hay đắc quả này quả kia

6/10/2016 12:40
Hỏi: Các thiền sinh khi trình thiền, căn cứ trên lời trình thiền rồi thiền sư kết luận đã đắc tam thiền, tứ thiền, đắc quả này quả kia. Lúc nảy, Thầy có nói đôi khi trạng thái tâm đó mình vô thiền rồi mà mình không biết là thiền gì, nhưng Phật nói ai chứng thì người đó biết ngay làm con bối rối. Vì đôi lúc mình cho rằng mình thấy như vậy nhưng sợ rằng đó là ảo tưởng thì sao. Làm sao mình biết tâm mình khi đó ở trạng thái nào?

Trả lời: Người thường chánh niệm tỉnh giác, trọn vẹn tỉnh thức, thận trọng chú tâm quan sát thực tại thì đương nhiên biết rõ tâm mình đang ở trạng thái nào - biết rất rõ thân thọ tâm pháp ra sao - nên nếu tâm vào định cũng biết trạng thái tâm định như thế nào. Nhưng có hai loại “biết rõ”: Một là biết rõ trạng thái thực chứng nhưng không biết gọi tên nó là gì. Còn một loại biết rõ tên từng chi pháp các tầng thiền theo pháp học nhưng không thực chứng. Như trong thời đức Phật có 2 vị tỳ kheo, một vị giỏi pháp học Phật hỏi chi Pháp nào cũng nói được hết, còn vị kia tuy thực chứng nhưng không biết gì cả. Đến khi đức Phật hỏi vào các trạng thái thực của tâm thì vị thực chứng diễn tả được hết còn vị thứ nhất lại không biết gì cả. Vị thực chứng biết rõ tâm mình nhưng không biết gọi nó là gì nên không cho mình là đắc thiền thứ mấy, hoặc đạo quả nào. Ngược lại vị giỏi pháp học có khi tưởng mình đã đắc tam thiền tứ thiền theo khái niệm học được nhưng trên thực tế đó chỉ là ảo tưởng. Có nhiều thiền sư cũng ưa tuyên bố vị này đắc thiền này vị kia đắc quả nọ theo kiến thức pháp học chứ không phải đúng với tri kiến chân thực. Cho dù có đắc tam thiền tứ thiền mà thấy có “cái tôi đắc” là đã tà thiền rồi. Còn vị thực chứng chỉ thấy trạng thái tâm như vậy, như vậy… chứ không cần nói cũng không cần biết đó là tam thiền hay tứ thiền gì cả. Đặt thêm khái niệm tam tứ gì vào đó chỉ giống như chụp mũ mà thôi.

Khi mình cảm nhận trạng thái thực, hoàn toàn thực mới không có chụp mũ. Nếu mình nói đó là tứ thiền thì đã chụp mũ khái niệm vào cái thực rồi. Nhân duyên tâm thế nào thì thấy ra như thế, người giác ngộ có thể thấy rõ từ địa ngục cho tới Niết bàn, nhưng không cần nói đắc tầng này tầng kia cao thấp làm cho hành giả phát lòng tham sở đắc. Nên đức Phật dạy Pháp là trở về mà thấy, ngay nơi thực tại, có thể thấy ngay, không qua thời gian và mỗi người tự chứng tự biết là vậy.

 

 

HT. Viên Minh

 

Các tin tức khác

Back to top