Bài học vô giá từ người Nhật vô gia cư

25/08/2014 6:00
Từ khi tôi sang Nhật đến nay, bài học lớn nhất mà tôi học được không phải từ ông giáo sư dạy văn cũng chẳng phải từ ông kiếm sư dạy võ, mà là từ một người ăn xin.

Người đàn ông ấy tuổi chắc quá năm mươi, nước da đen nhẻm, mái tóc điểm bạc bẩn thỉu xù lên chắc cả năm trời không cắt. Ông ấy quỳ ngay ở cửa ga trên một tấm bìa, hai khuỷu tay chống đất, đầu gục giữa hai tay trong một tư thế hạ mình nhất mà con người có thể tưởng tượng ra. Trước mặt ông ấy là một cái mũ cũ, bên trong chỉ có một lon cafe không biết ai đặt vào. Đoàn người cứ hối hả đi. Tôi ngập ngừng dừng lại trước người đàn ông ấy chỉ một thoáng, rồi cũng chân trước giục chân sau bước đi. Người ăn xin đó đã dạy cho tôi bài học quý giá ấy như thế đấy.

Những người vô gia cư có mặt ở khắp Tokyo, đặc biệt tập trung ở mấy quận trung tâm. Họ dựng lều bạt trong công viên, họ ngủ la liệt trên những tấm bìa ở gần ga, họ lang thang trong thành phố với những của nả của mình chất trên xe kéo tay. Họ ăn trưa, ngủ, nghỉ trên ghế đá ven đường, cảnh sát dẹp thì họ chạy. Ngày nắng nằm ngủ dưới gầm cầu, ngày mưa họ chăng vải bạt. Phần lớn họ là đàn ông tuổi trên ngũ tuần, bị đẩy ra đường giữa khủng hoảng kinh tế, không tìm đâu nổi một chỗ làm. Đó là những người ở đáy cùng của xã hội, không tiền bạc, không gia đình, không công việc, không nhà cửa. Nhiều người trong số họ đã từng là những người làm công ăn lương, khi bị đẩy ra ngoài đường có người đã chọn cái chết. Bản năng sống giữ những người vô gia cư này tránh khỏi đội quân 33.000 người tự tử mỗi năm ở Nhật nhưng chút danh dự còn lại không cho phép họ quỳ gối để ăn xin.

Với những người mà đã phải vứt hết danh dự để quỳ xuống xin tiền, họ vẫn giữ những nguyên tắc. Đầu tiên là họ xin trong im lặng, không kèo nhèo, không bám theo khách bộ hành, họ tôn trọng người khác. Miếng bìa họ dựng để quỳ cũng tránh con đường đi lại, chọn chỗ không cản trở ai, họ tôn trọng trật tự công cộng. Quần áo họ chọn bộ khả dĩ nhất có thể, dù sờn rách, bẩn thỉu nhưng vẫn cố giữ cho phẳng phiu gọn gàng, họ có là quỳ, là cúi rạp người xuống nhưng họ vẫn giữ cho tư thế của mình thẳng thắn nhất, chỉnh tề nhất. Quỳ để ăn xin nhưng tôi cảm giác họ như quỳ chào trong võ đường. Họ vẫn giữ được tôn trọng với chính bản thân mình. Họ hạ mình vì họ hiểu rằng họ đang xin lòngthương của người khác và họ hiểu là xã hội không có trách nhiệm phải nuôi mình. Với họ, ăn xin là cứu cánh cuối cùng chứ không phải là một nghề.

Với họ, ăn xin là cứu cánh cuối cùng chứ không phải là một nghề

Hai người ăn xin mà tôi gặp đối với tôi lại là đại diện lớn nhất cho “con người Nhật Bản”. Một người đàn ông khi thành công thì rất dễ dàng để có thể cư xử thượng võ, cư xử hào hiệp nhưng khi bị đẩy đến tận đáy xã hội, khi không còn gì để mất mới là lúc người bộc lộ con người thực của mình. Liệu tôi nếu rơi xuống tầng đáy của xã hội có còn giữ được kỷ luật, giữ được sự tôn trong với người khác và với bản thân mình hay không? Tôi không biết nhưng đó là một việc rất khó.

Nói chuyện với một người bạn về chủ đề này, tôi có nói “Ở Việt Nam ăn xin nhiều hơn người vô gia cư, còn ở Nhật, người vô gia cư thì nhiều nhưng ăn xin hầu như không có". Cậu ấy hỏi tại sao lại thế, tôi trả lời đơn giản: “Vì quan niệm về danh dự và công việc của “chúng tôi” và “các anh” khác nhau”.

Nguồn: ngoisao.net

Các tin tức khác

Back to top