Một cựu binh trở thành tu sĩ Phật giáo

21/02/2017 12:17
“Lực lượng gìn giữ hòa bình” là không cần thiết. Quân sự không thể đem lại hòa bình, hòa bình chỉ đến từ lòng yêu thương vô điều kiện, từ bi và kham nhẫn.

Tỳ-kheo Sanghasena, một người có nhiều ảnh hưởng với cộng đồng quốc tế chia sẻ với tờ “The Hitavada” tại văn phòng Awaz TV ở Bajaj Nagar vào Chủ nhật, 12-2.

vinhhung.jpg
Thầy Sanghasena

Thầy Sanghasena, người sáng lập Trung tâm Thiền định Quốc tế Mahabodhi (MIMC), cho biết trong thời đại cạnh tranh, nhiều quốc gia phát triển chạy đua sản xuất nhiều loại vũ khí để phô trương sức mạnh. Tuy nhiên, theo thầy, để duy trì hòa bình ổn định, phát tâm đại bi là điều cần thiết.

“Cả thế giới đang trên bờ vực diệt vong. Những vấn đề thời sự hiện nay có thể chia thành 2 khuynh hướng. Thế giới đang chứng kiến nhiều vụ việc nghiêm trọng như khủng bố, xung đột, chiến tranh, chia rẽ đẳng cấp xã hội, sắc tộc, tín ngưỡng và tôn giáo. Những người được coi là thông minh khiến thế giới điên đảo. Họ phá hủy môi sinh, chặt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí, biển và cả vũ trụ. Những hành động này bắt nguồn từ lòng tham và vô minh. Vô minh là nguyên nhân của tham lam, ngã mạn, hận thù và xung đột”.

Tỳ-kheo Sanghasena được miêu tả là một vị thầy khác biệt. Thầy có công lớn trong việc biến đổi một khu đất rộng hơn 1kmcằn cỗi và bị bỏ hoang thành một ốc đảo có trường học với nhiều hoạt động khác nhau và nơi này cũng là niềm hy vọng của rất nhiều gia đình xấu số.

Thầy không muốn việc tu hành chỉ bó buộc trong phạm vi tu viện mà qua vai trò tu sĩ có thể góp phần giúp đỡ một trẻ em gái đến trường, thay đổi cuộc sống và giúp cải thiện đời sống của hàng trăm người. Một bài báo miêu tả, thầy trở thành một ngọn đèn sáng soi đường cho những nơi cần đến.

“Nếu mọi người tuân theo lời Phật dạy, vận mệnh nhân loại sẽ thay đổi. Đức Phật đã giải thích bản chất của mọi vấn đề phát sinh trong đời sống chỉ trong hai từ: tham lam và vô minh. Những lời Phật dạy là gốc rễ sanh ra tâm đại bi”.

Trung tâm Thiền định Quốc tế Mahabodhi (MIMC) quyết tâm thực hiện sứ mệnh đem việc thực hành đại bi tâm đến toàn thế giới. MIMC triển khai chương trình về Ngày Đại bi. Các chương trình đầu tiên diễn ra ở Ahmedabad, Delhi và Mumbai và chương trình thứ tư được tổ chức ở thành phố Nakpur, Deekshabhoomi. Chương trình tiếp theo được dự kiến tổ chức ở Amravati, Andhra Pradesh và thành phố này sẽ được vinh danh là thủ đô của những người từ tâm.

Cuộc đời của Tỳ-kheo Sanghasena là một câu chuyện thú vị và đầy cảm hứng, trước đây thầy từng là một binh sĩ, nhưng mong muốn chuyển hóa bạo lực thành hòa bình. Tên khai sinh của thầy là Tsering Wangchuk, sinh năm 1958 trong một gia đình Phật tử ở Timisgang, Ladakh. Cha thầy là một y sĩ; từ nhỏ thầy Sanghasena đã rất hiếu kỳ về cuộc sống. Đến năm 1975, khi được 17 tuổi, Sanghasena tham gia thiếu sinh quân Ladakh thuộc quân đội Ấn Độ - là người trẻ tuổi nhất trong quân ngũ và nổi tiếng có kỷ luật và trách nhiệm - những tính cách hình thành đức hạnh của thầy sau này.

Thầy Sanghasena trả lời câu hỏi nếu Phật giáo là hy vọng duy nhất của nhân loại: “Ý tôi là những lời dạy của Đức Phật chứ không phải Phật giáo như một tôn giáo. Mọi người nhầm lẫn giữa những lời dạy của Đức Phật với đạo Phật như một tôn giáo. Đối với tôi, Đức Phật, Chúa Jesus, Mohammad Paigambar, thần Ram và thần Krishna là những bậc giác ngộ. Các vị ấy như mặt trời và mặt trăng cùng nuôi dưỡng vạn vật. Con người vì vô minh tự đặt ra những rào cản tôn giáo, tín ngưỡng, tông phái, phong tục, truyền thống. Họ theo đuổi chúng một cách mù quáng mà không biết các bậc giác ngộ dạy chúng ta hướng đến toàn bộ pháp giới chúng sanh. Chúng ta dù thực hành các nghi thức cầu nguyện hay thiền định Phật giáo đều nên biết điều này”.

Thầy Sanghasena cho biết thêm: “Vạn pháp bên ngoài do tâm biến hiện. Tâm tưởng con người tạo ra tất cả mâu thuẫn và khủng hoảng trên thế giới. Thay vì thực hành lễ nghi mù quáng, mọi người hãy chân chánh học tập, tu dưỡng đạo đức và thực hành thiền định để thanh tịnh thân tâm, phát triển tuệ giác, vận mệnh thế giới sẽ thay đổi”.

Thầy Sanghasena tiếp nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật với tâm thái tích cực. Theo đó, thầy hay chia sẻ: “Đức Phật nói đến Niết-bàn là sự an lạc vĩnh viễn, vô điều kiện, không có hạn lượng và không có mất mát. Thời xưa, nhiều người phải lặn lội xa xôi để tìm kiếm một vị thầy giác ngộ. Nhưng trong thời hiện đại với sự phát triển vật chất, một người có nhiều cơ hội tiếp xúc với một vị thầy của mình qua những thiết bị điện tử. Họ tiếp thu đạo lý và phát triển nhân cách. Tuy nhiên, công nghệ cũng truyền bá những tư tưởng không tốt cho xã hội”.

Đức Phật là Bậc Giác ngộ tiêu biểu cho người dân Ấn Độ và những vị thầy đương đại áp dụng lời dạy của Ngài vào những bài giảng của họ. Họ có thể không mang tên Đức Phật nhưng họ đang bước trên con đường Niết-bàn, thầy Sanghasena bày tỏ.

Đỗ Chu Vĩnh Hưng
(theo Buddhist Channel)

Các tin tức khác

Back to top