Hiếu là sự sòng phẳng

3/09/2019 8:01
Có câu chuyện kể về một đứa con lúc nào cũng mặc cả tiền bạc với mẹ của mình cho những công việc thường ngày: cắt cỏ: 5 đô-la; dọn dẹp: 1 đô-la; đổ rác: 1 đô-la; học tập tốt: 5 đô-la; trông em: 25 xu...

Và cậu nhận được câu trả lời nhẹ nhàng của mẹ cũng trên tờ phiếu tính tiền ấy: chín tháng mười ngày trong bụng mẹ: miễn phí; chăm sóc cầu nguyện khi con đau ốm, nhiều đêm thức trắng không ngủ, đồ chơi, thức ăn, quần áo, và cả nước mắt của mẹ do con gây ra: tất cả đều miễn phí; và trên tất cả là tình yêu của mẹ dành cho con: cũng hoàn toàn miễn phí. Khi đọc những dòng chữ này, cậu bé đã xúc động và ghi: Mẹ sẽ được nhận lại đầy đủ (paid in full) và không dám đòi tiền mẹ nữa.

Chúng ta có bao giờ cảm thấy mình đã “sòng phẳng” với cha mẹ mình chưa? Tôi e rằng chúng ta không bao giờ trả hết ơn cha mẹ. Vì sao ư? Có người bạn tôi giải thích:

- Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô hạn, còn tình yêu của con cái dành cho cha mẹ chỉ là cái gì đó hữu hạn mà thôi.

- Con cái bị bệnh thì cha mẹ hết mình chăm sóc, cha mẹ bị bệnh thì con cái hỏi thăm qua loa và coi thế là đã đủ.

- Con cái tiêu tiền của cha mẹ thì xem đó là lẽ đương nhiên, còn cha mẹ tiêu tiền của con cái không dễ dàng như vậy.

- Nhà của cha mẹ là nhà của con cái, còn nhà của con cái thì không còn là nhà của cha mẹ nữa.

Và anh ta khuyên rằng “Vì tình yêu cha mẹ và con cái không giống nhau như vậy, nên hiểu rằng cha mẹ  làm tất cả mọi việc cho con cái đó không chỉ là nghĩa vụ mà họ còn cảm thấy vui, không cần báo đáp”. 

Thế nên bao nhiêu ca dao, bao nhiêu bài hát ca tụng người cha người mẹ vì sự hy sinh ấy:

Thương con khuya sớm bao tháng ngày.

Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.

Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền.

Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền

Lòng mẹ - Y Vân) 

Hay bài thơ:

Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ

Giọt nước mắt già nua không ứa nổi

Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi

Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng.

 (Nhớ mẹ - Đỗ Trung Quân) 

Chúng ta nhận quá nhiều và cho đi rất ít. Hãy thành thực với nhau mà nói rằng khó có đứa con nào đền ơn đầy đủ những gì cha mẹ đã cho đi. 

Tôi mới nhận một tập sách phê bình văn học của một người bạn, Tiểu Nguyệt. Trong đó có một bài viết về nhà thơ Phan Triều Hạnh với những câu như:

Khi con đau bệnh ba thang thuốc

Ngày Tết tay ba chọn áo quần

Trăm nghìn năm nữa… ba là đuốc

Soi sáng tâm con mọi bước đường

Ba đi con tuổi còn ăn học

Chưa đáp đền ba được tấc công

Bây giờ con đã hai màu tóc

Biết trả sao cho nhẹ cõi lòng?!(3)

(Thương ba)

Vào thời Đức Phật có Tôn giả Tất-lăng-già-bà-ta. Ngài xuất gia hành đạo nhưng còn cha mẹ già yếu, nghèo khổ không ai nuôi dưỡng. Ngài muốn đem y phục và thực phẩm phụng dưỡng cha mẹ, nhưng lại sợ phạm giới luật. Ngài bèn trình bày nỗi băn khoăn của mình lên Thế Tôn. Nhân đó Đức Đạo Sư họp các Tỳ-kheo và truyền dạy: “Nếu có người nào suốt cả trăm năm, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, và dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên vai mình, cũng chưa thể gọi là làm tròn hiếu đạo. Hoặc đem những thứ y phục và ẩm thực quý nhất trên đời cung phụng cha mẹ cũng chưa đủ báo đền công ơn cha mẹ trong muôn một. Từ nay Ta cho phép các Tỳ-kheo suốt đời hết lòng cúng dường cha mẹ. Nếu ai không cúng dường thì phạm tội nặng”(4).

Hãy trả ơn khi còn có thể, thật nhiều và đừng tính toán vì không bao giờ chúng ta có thể trả đủ (paid in full), kể cả cậu bé trong câu truyện trên. Tôi tin như vậy.


Trích "Tản mạn về chữ hiếu hôm nay" - TG: Nguyên Cẩn


Các tin tức khác

Back to top