TS Nguyễn Mạnh Hùng: Để có một tương lai tốt đẹp hơn, thay đổi từng ngày là quá muộn, bạn phải thay đổi từng giây

12/04/2020 7:56
Một đất nước muốn phát triển mạnh mẽ thì cần có ngành công nghiệp xuất bản phát triển, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải thay đổi cơ chế, thay đổi cách làm liên tục.

Ngày 10/1, trong khuôn khổ chương trình "Để có một tương lai", Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần sách Thái Hà - đã có bài phát biểu về văn hóa đọc và tương lai của ngành xuất bản Việt Nam.

Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ những điều ấp ủ để phát triển ngành xuất bản Việt Nam và xây dựng văn hóa đọc. Trước đây, ông Hùng từng chia sẻ rằng Việt Nam chưa có văn hóa đọc. Ở nhiều nước khác, đi đâu người ta cũng mang sách theo. Đi du lịch, đi chơi, họ tranh thủ đọc bất cứ lúc nào. Uống cà phê, chờ xe bus, đến trước giờ hẹn, họ đều tranh thủ đọc sách... Còn người Việt Nam thì hầu như ít ai tận dụng thời gian đọc sách như vậy.

Theo ông, một đất nước muốn phát triển mạnh mẽ, có tương lai thì cần có ngành công nghiệp xuất bản phát triển và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

TS Hùng đau đáu: "Liệu xuất bản Việt Nam có là ngành công nghiệp hay không. Nếu Việt Nam có một nền công nghiệp xuất bản thì có một tương lai. Chừng nào ngành xuất bản, thư viện chưa phát triển thì đất nước vẫn ở trong "bùn đen". Để có một thành phố hiện đại, tuyệt vời chúng ta có thể mất 1 năm, 10 năm. Nhưng để có một đất nước văn minh, con người trí tuệ thì không phải 1 năm, 10 năm mà cần tới 100 năm".

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra, những năm vừa qua, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng nhìn trên mặt bằng chung của thế giới xuất bản ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. 

Ông đã đưa ra một số kiến nghị để kiến tạo Hệ sinh thái cho xuất bản Việt Nam: Thứ nhất, thành lập ủy ban quốc gia về văn hóa đọc. Thứ 2, phải luật hóa các hoạt động khuyến đọc tại trường học và các địa phương. Thứ 3 là phải có quỹ khuyến đọc, kêu gọi tài trợ cho các giải thưởng sách để khuyến khích. Thứ 4 là phải có luật dịch thuật, quỹ dịch thuật. Thứ 5 là cổ phần phần hóa một số nhà xuất bản...

Ông Hùng nhấn mạnh: ''Để có một tương lai, chúng ta phải thay đổi cơ chế. Để có một tương lai, phải thay đổi cách làm. Mỗi người chúng ta phải luôn tự làm mới mình. Nhiều người nói rằng họ đổi mới hàng năm, thế là vứt đi. Đổi mới hàng tháng, cũng đổ xuống biển. Đổi mới hàng ngày cũng không thành công đâu. Phải đổi mới từng giây một.

Giây này, giây sau đã phải trở thành một con người khác, như vậy chúng ta mới thay đổi được. Chứ chần chừ, đợi sau một đêm thì vĩnh viễn không thay đổi được, vẫn là con người cũ. Tôi thay đổi bản thân từng giây. Như vậy nếu lỡ giây này, thì còn giây sau. Nếu cứ chần chừ theo từng ngày, thì một năm sau mọi thứ đã muộn mất rồi".


Theo Trí Thức Trẻ

Các tin tức khác

Back to top