Suy nghĩ và làm việc lành

21/06/2022 1:00
Chúng ta thường nghe nói “Cây ngay thì bóng thẳng”, “Sống thẳng thì không sợ ai”. Quý vị sống trong sạch, ngay thẳng, thiện tâm, đúng tư cách, đàng hoàng, thì trong đời mình sẽ tự tin, không có gì phải sợ. Sống cả đời như vậy cho đến khi gần mất sẽ nhớ lại việc lành mình đã làm, trong lòng thấy vui, phấn khởi, hoan hỷ. Khi đó người mình sẽ mạnh mẽ, không sợ và chắc chắn sẽ đi đường lành.

Vua A Dục ở Ấn Độ là vị vua có công rất lớn với Phật Pháp. Các trụ đá trên thế giới là do vua cử người dựng lên để đánh dấu nơi Phật pháp được truyền đến. Phật pháp được truyền bá đến đâu thì cho dựng trụ đá ở đó, xây rất nhiều ngôi chùa; giúp đỡ, tạo điều kiện cho chư tăng ra nước ngoài để giáo hóa… Khi bệnh nặng gần băng hà, vị cận thần hầu dâng bát cháo không hợp ý khiến vua nổi giận. Vì làm vua nhiều năm cho nên vốn quen tật nhất hô vạn ứng, muốn gì được nấy, mọi thứ phải đúng theo lệnh của tôi, sai là chém… cho nên sự sân giận của vua mạnh hơn người thường rất nhiều. Trong lúc quá sân giận không làm chủ được, liền đó băng hà. Khi mất trong trạng thái nổi sân như vậy cho nên thần thức vua đã nhập vào một con rắn độc nằm trong khe cửa chờ cắn vị cận thần này. 

Khi đó có thái tử con vua là một vị tăng xuất gia làm tỳ kheo đã chứng quả A-La-Hán. Ngài dùng thần thông biết thần thức vua cha đang ở trong con rắn độc, liền đến bên kể lại những công đức lành cả đời của vua đã làm khi còn sống. Thần thức vua nghe được vui quá, quên giận. Con rắn độc nhịn ăn rồi chết và sinh về cõi trời.

Làm thiện cả đời, nhưng khi gần chết nhất thời nổi sân thì không sanh được cõi lành mà bị lòng sân hận đưa đẩy vào trong một con rắn độc hôi thối. May phước có thầy Tỳ kheo nói cho biết mà thoát. Nếu không thì con rắn nó cắn được ông cận thần kia thì ông kia cũng giận mà chết. Ôm lòng căm hận để tái sinh thì sẽ tìm ông vua này để cắn giết trả thù lại. Cắn qua cắn lại, hai người ôm hận và cứ thế mà cắn nhau. Mỗi đời sẽ tăng lòng sân hận lên càng nhiều. Khi sự hận thù quá lớn thì sinh ra đời chém giết lẫn nhau mà không biết sợ là vậy. Ngày xưa giết gà còn run tay, còn bây giờ có những người giết nhau còn dễ hơn cả giết kiến bởi nỗi sân hận nhiều đời; cứ thù nhau, giết nhau nhiều đời làm cho lòng sân hận vượt quá ngưỡng bình thường cho nên bị bất bình thường như vậy.

Mới thấy, cái khởi trong tâm mình, cái bóng dáng của tâm mình, cái vọng tưởng đó thật đáng sợ! Khi gần chết, tất cả mọi việc xấu ác hay hiền thiện mình làm cả đời sẽ ào ạt hiện về cùng một lúc quá lớn cho nên làm cho chúng ta rối loạn và sợ hãi. Nếu việc lành cả đời ùa về thì lòng cảm thấy hoan hỷ và sẽ đẩy đưa chúng ta đi đường lành. Nhưng nếu ngay đó không làm chủ được, chỉ cần khởi ác thì nó đẩy mình vào chỗ xấu. 

Không phải đợi đến lúc gần chết mới nhận ra các việc làm cả đời đồng loạt hiện về; mà ngay từ bây giờ, khi còn trẻ chúng ta cũng có thể kiểm nghiệm được. Hôm nào đó tìm một nơi không có tiếng người, không điện thoại, không ti-vi, đài báo, không đọc kinh sách, không ca hát, không gì hết, im lặng một mình, nhốt trong phòng kín; đến bữa ăn có người để thức ăn ngoài cửa, không được gặp ai. Sống như vậy khoảng ba ngày đến một tuần, quý vị sẽ thấy có những điều từ tấm bé, từ khi mới biết đi cho đến lớn, mình không thèm nhớ nhưng nó cũng đồng loạt hiện về. Ngày đầu nó hiện về từng sự việc một thấy như xem phim. Ngày thứ hai thì hiện về nhiều hơn. Ngày thứ ba trở lên cùng lúc nó ào ạt ùa về rất khủng khiếp khiến cho chúng ta bất lực trước nó, làm cho mình tự dưng cảm thấy sợ hãi, kinh hoàng. Có khi như bị run lên không biết làm sao. Mới thấy, khi đóng hết các cửa tiếp xúc của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; trút bỏ mọi thứ của cuộc đời lại thì những thứ trong tâm tưởng sẽ hiện về rõ ràng. Cả đời làm gì bây giờ nhớ hết. Mình đang thấy nó nên không thể lừa dối được với chính mình. Điều này nếu ai đã từng nhập thất như quý thầy thì đã có trải qua và có kinh nghiệm điều phục những tâm tưởng cuồng điên này. Nếu biết cách tu, có công phu tu tập thì sẽ biết cách điều phục và tiêu dung nó thành công, đó là tiến đạo.

Trong đời có nhiều sự thật mà phải đợi cho đến khi gần vào quan tài thì con người ta mới có cơ hội nhận ra. Nhưng quá muộn rồi. Khi đối diện trước cái chết, chúng ta thường thấy ra nhiều điều mà thường ngày không thể biết được. Để không quá muộn, có nhiều nơi đã phát minh làm ra quan tài rồi cho mọi người vào nằm trong đó tẩn liệm để trải nghiệm cảm giác ngày cuối cùng mình vẫy tay chào vĩnh biệt mọi người. Trong khoảnh khắc thử chết ấy, con người ta sẽ nhận ra nhiều điều để kịp sửa đổi quan niệm sống và hành động, việc làm của mình. Nhưng thử chết chỉ là khoảnh khắc ngắn cho nên người nào gan dạ sẽ gồng mình dễ dàng vượt qua một cách bình thường. Còn tập sống một mình thì sự việc sẽ diễn ra dai dẳng cho nên anh hùng cái thế cũng phải hoảng sợ nếu không có sự kiên nhẫn để dụng công tu tập.

Bây giờ ở một mình, cắt hết các duyên, mọi hiện tượng xảy ra như thế nào thì khi gần chết cũng bị tương tự, nhưng kinh hoàng hơn. Bởi lúc ấy khí lực suy yếu, tâm thần rối loạn, vĩnh viễn rời khỏi mọi thứ thực sự. Lúc đó không nói được với ai, tất cả đều trở nên vô nghĩa, bất lực; thì bắt đầu những suy nghĩ, hành động chúng ta làm cả đời sẽ ùa về, tất cả đồng thời chiếu lại quá nhiều cảnh tượng khiến cho chúng ta rối loạn, hoảng hốt, run sợ, mất tự chủ. Nếu người làm ác quá nhiều thì một thoáng như thế là gió nghiệp đã đến, chỉ có cửa địa ngục mở ra đón mình xuống đó chứ không còn lựa chọn nào khác. 

Nếu người sống hiền thiện, biết làm lành lánh dữ, khi những việc lành ùa về trong tâm thức, chúng ta sẽ cảm thấy hoan hỷ. Nhớ lại bao nhiêu việc làm lương thiện, những hành xử cao thượng ngày xưa, chúng ta cảm thấy một đời sống qua thật xứng đáng; lòng mình hân hoan, vui vẻ thì cõi trời sẽ đón mình chứ không cho xuống địa ngục đâu mà sợ.

Còn những người nào khoảng 60-70% tốt, còn 30-40% không tốt. Xấu tốt lẫn lộn nhưng cái tốt nhiều hơn nên vẫn còn bình tĩnh được, sẽ đi vào loài người. Những người nào tốt quá nhiều nhưng hay dễ nổi sân, giống như những anh chàng hiệp sĩ, sống rất tốt, ngay thẳng, hay giúp người nhưng hễ gặp việc là nổi sân và ra tay liền. Lòng tốt thì phước nhiều, nhưng do sân quá nên không được làm người mà trở thành những vị thần, như thần A-Tu-La. Trong kinh kể lại, những vị Thần A-Tu-La này thường xuyên đánh nhau.

Còn những người ở đời do không bình tâm, thiếu trí tuệ, nhận định cuộc đời qua bản ngã và sở thích cá nhân, hợp với những cố tật hư tệ chính họ không vượt qua được. Từ đó đưa đến những quan niệm thiếu tính khách quan, không đúng lẽ thật, dẫn đến quan điểm sống bị sai lầm, không biết đạo đức. Càng sống, càng làm theo bản năng, thiếu trí tuệ thì đồng nghĩa là càng tạo ác nghiệp. Suy nghĩ sai lầm, hành động sai lầm, càng khiến cho sự sai lầm ngày càng nghiêm trọng hơn, trong nhà Phật gọi là vô minh, si mê. Vì tạo nghiệp nhân không sáng suốt cho nên khi chết sẽ tái sanh làm những loài động vật si mê như trâu, bò, heo, chó… Quanh năm chỉ một lớp áo và không biết gì ngoài bản năng.

Đó là xét về cấp độ một, về bước căn bản ban đầu để giải quyết nỗi vô cùng đáng sợ của bóng dáng tâm mình. Nếu chưa dừng được sự nghĩ suy lăng xăng lộn xộn trong đầu thì trước tiên chúng ta nên nghĩ tốt, làm việc tốt, tức là tu thiện, tu phước, chắc chắn khi gần nhắm mắt lìa đời, chúng ta không còn sợ hãi. Trắc nghiệm để nhận rõ, thấy được, biết được, quả quyết tin được và biết sửa đổi tâm mình cho hiền lành, cao thượng thì sẽ không còn gì để sợ nữa.

Nếu cứ để lập lờ, không xác quyết rõ ràng thì sẽ bị trạng thái nghi ngờ, lờ mờ, không biết mình như thế nào, ra sao. Chính điều này làm cho mình phân vân, rồi bị hoang mang, dẫn đến yếu đuối. Chính sự yếu đuối, mất hết khí lực này làm cho chúng ta hoảng sợ. Ngược lại, nếu quý vị nào đã trải nghiệm qua thì sẽ có kinh nghiệm, sẽ có cho mình một hướng đi rõ ràng trong cuộc sống để không bị nhầm lẫn. Chính như vậy sẽ cho chúng ta tự tin, rất khí khái và không còn lan man, bàng hoàng lo sợ ngay trong chính bản thân mình nữa. Giải quyết xong nỗi lo sợ nơi chính mình là thành công. Chính mình đã rõ ràng, không còn lo sợ thì không có điều gì bên ngoài làm cho mình phải lo sợ cả. Cho nên quý vị xưa khuyên con người sống và làm việc: “Quang minh chính đại” là vậy. Chúng ta muốn có một cuộc sống có đầy đủ bản lĩnh và nghị lực thì phải cương nghị, tự tin và sống bằng những điều vừa nêu trên. Nếu không thấy rõ để biết cách hóa giải thì sẽ sống trong yếu đuối và sợ sệt suốt đời. Khi mình tự sợ mình thì chúng ta sẽ sợ tất cả mọi thứ. Đó chính là mình đang tự đánh bại mình.

Tóm lại, cả đời sống ác độc quá, khi gần qua đời, những điều ác ùn ùn kéo về trong đầu khiến chúng ta hoảng hốt, kinh hoàng, mất tự chủ cho nên đi theo đường dữ, khổ đau. Nếu suốt đời sống hiền thiện thì khi gần mất, những việc làm tốt hiện về khiến cho tâm mình cảm thấy hoan hỷ, sanh lên cõi lành… Nhưng tất cả vẫn chưa an toàn. Bởi vì cả đời chúng ta làm quá nhiều thứ có khi không kiểm soát hết. Cộng thêm nữa là chưa ai làm chủ được sự buồn vui thương ghét mừng giận của tâm mình. Khi sắp lâm chung, khí lực thì yếu, lại thêm có quá nhiều thứ lộn xộn ùa về một cách hỗn tạp làm cho mình rối rắm. Lúc đó, nhỡ ai làm gì trái ý nghịch lòng, bực tức lên không kềm được thì phải vào đường xấu như trường hợp Vua A-Dục vừa nêu trên. Đây là do cận tử nghiệp chi phối. Như vậy phải làm sao để thoát khỏi sự nguy hiểm và thiếu an toàn này?

Đến đây, chúng ta phải biết tu tiến thêm bước nữa, đó là hằng ngày phải biết cách bình tâm tỉnh trí trên mọi tình huống, hoàn cảnh; tức là phải biết thực hành thiền định. Người đạt được thiền định tuyệt đối thì cảnh tượng như vừa nêu trên sẽ không còn, quý vị sống chết tự tại. Còn mới tập tu như chúng ta thì sẽ có sức tỉnh giác, làm chủ được tâm niệm và biết chọn lối đi, không bị nhầm đường. Cụ thể, bước đầu chúng ta phải biết lắng tâm mình.


Theo Trúc Lâm Bạch Mã


Các tin tức khác

Back to top