Trong tất cả những ngày lễ của Phật giáo, lễ Phật đản là ngày lễ trọng đại nhất của người con Phật trên khắp thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn). Lễ Phật Đản là kỷ niệm ngày sinh của Thái tử Tất Đạt Đa, sau này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - người khai sáng đạo Phật, vào năm 624 trước Tây lịch, tại vườn Lumbini ( Lâm Tỳ Ni), thành Kapilavatsu ( Ca Tỳ La Vệ) ở miền Bắc Ấn Độ (Nepal ngày nay).
Một điều hy hữu nhất trong tất cả những điều hy hữu là: “Khó thay Phật ra đời!”. Đây là sự kiện trọng đại, vị tằng hữu (chưa từng có), nghìn năm một thuở trong lịch sử nhân loại. Trong một thế giới, không bao giờ có hai vị Phật đồng thời xuất hiện.
Kinh Tăng Chi Bộ thuộc Kinh tạng Pali có đoạn: “Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác. Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu, khó gặp được ở đời. Một người, khi xuất hiện ở đời, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác.” (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Một người, phần Như Lai, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr 46).
Sự xuất hiện của Ngài được gọi là vi diệu vì sự xuất hiện đó như ánh sáng mặt trời xua tan bóng đêm tăm tối, mang lại hạnh phúc đích thực, bình an vĩnh cửu cho vạn loại, chỉ cho chúng sanh một phương cách mầu nhiệm điều trị tâm bệnh, vượt qua nỗi khổ trầm luân sinh tử.
Vì vậy hàng năm, Tăng đoàn và Phật tử trên khắp thế giới tổ chức lễ Phật Đản nhằm mục đích đánh dấu ngày Đức Thế Tôn ra đời để giải phóng tri thức cho nhân loại, mở ra một tầm nhìn mới vừa chính xác vừa chân thực, hoàn thiện nhân sinh và vũ trụ bằng trí tuệ Nhân Quả và vạch ra con đường sáng cho con người, thoát khỏi nô lệ thần thánh và dục vọng vật chất, thắp sáng ánh sáng trí tuệ cho con người. Từ đó làm cho chúng ta nhận ra giá trị của sự hiện hữu, trân trọng sự hiện diện của mỗi người, cùng chung tay cải thiện cuộc sống trên tinh thần Trí tuệ và Từ bi, Tự do và Giải thoát. Lễ Phật Đản là cơ hội để chúng ta nhìn lại cuộc đời và công hạnh của Đức Phật, nhớ đến sự giảng dạy của Ngài và tìm hiểu, áp dụng những giá trị đạo đức Phật giáo vào cuộc sống hàng ngày.
Đồng thời, lễ Phật đản cũng là dịp để mọi người tỏ lòng biết ơn, tôn kính đến Đức Phật và những người đã đóng góp cho sự phát triển rộng khắp của Phật giáo trên toàn thế giới. Tất cả mọi người, không chỉ là Phật tử mà còn là những người không theo đạo Phật, có thể tìm hiểu và khám phá sâu hơn về triết lý và giá trị của Phật giáo. Đây là một cơ hội để chúng ta đoàn kết và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, dựa trên tình yêu thương và sự hiểu biết lẫn nhau, khích lệ mọi người thực hành lòng từ bi, xây dựng một xã hội hòa bình và nâng cao đời sống tinh thần của con người.
Sau ngày Đức Phật nhập diệt, nghi thức tắm tượng Phật được thực hiện để tưởng nhớ ngày sinh của Ngài.Lễ tắm Phật tượng trưng cho việc gột rửa thân, khẩu, ý để đoạn trừ tham, sân, si nhằm thanh lọc thân tâm, tu tập công đức và trí tuệ. Thông điệp phổ quát là “rửa sạch bụi bẩn vật chất thì dễ, nhưng gột rửa tâm hồn bất tịnh tham, sân, si thì khó hơn nhiều”. Đây là ý nghĩa thực sự của việc tắm Phật. Khi múc nước tắm Phật, mỗi gáo nước chúng ta có thể đọc thầm lời phát nguyện của chính mình: “Nguyện đoạn hết thảy điều ác, Nguyện thực hành tất cả điều lành, Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được an vui”.
Một mùa lễ Phật Đản nữa lại trở về với trái đất của chúng ta, hàng triệu người con Phật trên khắp thế giới đang hân hoan, cùng chào đón ngày kỉ niệm trọng đại này. Đó là ngày Đức Thế Tôn của chúng ta ra đời với đại nguyện lực đem lại an lạc hạnh phúc cho số đông; soi sáng cho chúng ta thấy bản tánh thanh tịnh hay Phật tánh vốn có của mình và chỉ cho nhân loại con đường thoát khỏi đêm trường sinh tử đầy tăm tối. Mong muốn một cuộc sống bình yên, hạnh phúc và một cuộc sống an lạc không của riêng một cá nhân, một giai cấp hay một tổ chức nào, mà là của mọi người thuộc các thành phần xã hội khác nhau và rộng hơn, đó là mong muốn của tất cả chúng sanh hữu tình.
Lễ Phật Đản, ngày đánh dấu sự xuất hiện của bậc đại Trí tuệ đã đoạn trừ vô minh, phiền não; ngày đánh dấu sự khởi đầu của đời sống từ bi và xóa bỏ mọi hận thù. Nỗ lực đoạn trừ điều ác và thực hiện các điều thiện, giữ gìn tâm ý trong sạch và phụng sự tất cả chúng sinh với tất cả niềm tin và hạnh nguyện Bồ đề là những điều ý nghĩa nhất để mừng ngày Phật đản của các thế hệ đệ tử Phật.
Thích Nữ Diệu Trí
Các tin tức khác
- Chơn tâm sờ sờ (11/05/2024 8:36)
- Người Phật tử phải làm gì để báo ân với tất cả chúng sanh? (10/05/2024 7:16)
- Trẻ nhỏ nghe kinh, niệm Phật thì thiện căn sẽ rất sâu dày (10/05/2024 7:14)
- Dễ đo lòng người? (10/05/2024 6:44)
- Cúng dường Như Lai (10/05/2024 6:39)
- Bạn phải chân thật bảo hộ chính mình ( 9/05/2024 5:04)
- Cách trị bệnh ngủ gật ( 9/05/2024 4:58)
- Có bốn cách nằm biểu thị bốn tính cách khác nhau ( 8/05/2024 8:59)
- Đối diện và nhận thức bản chất của vô minh, tiến bước trên con đường chánh kiến ( 8/05/2024 8:56)
- Ta đừng sợ khổ đau ( 7/05/2024 8:36)