Không nói chuyện thị phi là khó

18/09/2014 10:13
Chúng ta tu hành là mong đợi đạt đến tâm yên tĩnh, không bị nhiễm ô; nhưng nói việc gì cũng rất dễ. Vì vậy, Đức Phật dạy con người làm ác, chỉ ở mười điều ác. Điều này xuất phát từ thân, khẩu, ý của mỗi người. Thân có ba điều là sát sinh, trộm cướp, tà dâm; ý cũng có ba điều là tham, sân, si; nhưng khẩu có bốn điều, đó chính là nói ác, nói dối, nói thêu dệt, nói đâm thọc.

Chỉ có miệng là chiếm bốn điều ác trong mười điều ác, chúng ta đủ thấy lời nói tạo ác nhiều như thế. Cho nên, chúng ta tu hành, ngoài sửa thân nghiệp và ý nghiệp, mà còn phải chú ý khẩu nghiệp. “Phật dạy có hai mươi việc khó. Không nói thị phi khó mười lăm. Thêu dệt, đâm thọc đều tai họa. Nhân gian hòa thuận sợ gièm pha. Tu hành giữ nói năng, hành động. Đừng theo tốt xấu bàn hay dở. Tốt khoe, xấu che bỏ thành kiến. Không nói thị phi chẳng khó gì.” Khó và dễ chỉ ở trong một niệm, nếu chúng ta không cẩn thận thì nói ra điều gì đều là tạo nghiệp, đều là tội ác. Nhưng nếu chúng ta thường chú ý đến tâm tốt hơn, tất nhiên người bình thường dễ phạm, còn chúng ta không phạm. Như vậy cũng là tu hành.

Làm người mà không nói chuyện thị phi quả là rất khó. Trong cuộc sống thường xảy ra tình huống những như thế, như người có duyên với chúng ta, họ nói ra điều gì, làm việc gì chúng ta đều cho là đúng. Người không có duyên với chúng ta, họ nói ra điều gì, làm việc gì chúng ta đều thấy không hợp ý mình.

Đúng và sai, nếu chỉ dựa vào lập trường của chúng ta để nhận xét thì giữa hai bên thường xảy ra xung đột. Thậm chí, họ tung ra tin đồn không hay, diễn biến thành đâm bị thóc, thọc bị gạo, mà bốn thứ nói ác, nói dối, nói thêu dệt, nói đâm thọc đều bắt đầu từ việc thị phi. Chúng ta học Phật nhất định phải học được chân thật, đúng với người và sự việc. Nếu chúng ta cố tình phân tích rõ ràng thì tất nhiên không hiểu được việc đúng sai, sinh ra bất bình, tạo thành bốn ác nghiệp lớn do miệng.

Có người cho rằng: “Thế thì tôi không nên nói can ngăn, bất cứ việc gì cũng nói làm hài lòng người khác.” Như vậy cũng không đúng, là không muốn cho đối phương nói can gián. “Không đúng là việc của bạn, tôi làm người tốt, tôi nói lời hay.” Đây cũng là người thiếu dũng khí và đạo đức, dễ làm cho người khác vừa sai lại sai thêm; lại biến thành họ tạo ác, dường như cũng có người ủng hộ họ.

Thêu dệt, đâm thọc đều tai họa.” Mọi người đều biết nói ác, nói dối là không đúng; tung tin đồn, nói xấu cũng không tốt. Những điều này mọi người đều cảnh giác hơn; nhưng nói thêu dệt, nói đâm thọc thì dễ sơ ý. Nói thêu dệt là nói lời trau chuốt. Khổng Tử nói: “Nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ vui vẻ, nhân từ.” Hạng người này chỉ nói làm hài lòng người, bất cứ việc gì qua xã giao cũng nịnh nọt, không có một câu nói chân thật, chẳng có một câu nói tốt xấu rõ ràng; trong lòng họ thiếu nhân đức.

Nói đâm thọc cũng không đúng, tình cảnh của con người, phần đông dựa vào lời nói để hiểu nhau. Có lúc người này bất mãn người kia, nên nói ra điều không hay là chuyện khó tránh. Nếu đối phương chưa nghe, không biết đầu đuôi sự việc thì không sao; nhưng có người trung gian, lại nói những lời oán trách cho đối phương nghe, lại còn nói sai sự thật, thêm mắm dặm muối, khiến cho đối phương nghe xong, vô cùng tức tối, nổi giận đùng đùng. Thế là, hai bên cãi nhau chỉ do người nói lại.

Như thế, nói ‘đâm thọc’ như một người ở phía đông, một người ở phía tây, nói gây chia rẽ hai bên với nhau, làm cho tình cảm hai người bị mâu thuẫn. Đây là người tạo khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp này tạo thành nguyên nhân tai họa; cho nên, thật giả, thiện ác phải rõ ràng, chúng ta nói ra điều gì phải chú tâm cẩn thận, không nên lấy giả làm thật. Người xem thường lời nói, dễ gây sứt mẻ tình cảm, làm tổn hại hai bên. Vì thế, chúng ta phải chú ý.

“Nhân gian hòa thuận sợ gièm pha.” Nhân gian hòa thuận sợ nhất là nói những lời vô ích, gây chia rẽ vì những chuyện thị phi; hoặc là lén lút hại người, nói ra lời tổn thương, nên rất khó chữa trị vết thương lòng. Do đó, chúng ta đừng gây tổn thương cho người khác, tất nhiên cũng không nên khinh thường hùa theo xúc phạm người khác.

Câu sau “Tu hành giữ nói năng, hành động. Đừng theo tốt xấu bàn hay dở.” Chúng ta tu hành thường sống chung tập thể, đã sống chung với mọi người thì nhất định phải nói chuyện với người; hoặc là hai bên luận bàn chánh pháp; nhưng nếu sai một li thì đi một dặm. Có lúc, dù người này nói đúng nhưng truyền lại bị sai; cho nên, chúng ta luôn luôn chú ý.

Không nên theo sự tốt xấu của mình mà luận bàn hay dở. Chúng ta cho việc đó là tốt, nhưng chưa chắc là tốt thật sự. Bởi vì, chúng ta vẫn còn phàm phu, đứng ở lập trường không giống nhau, nhân duyên tiếp xúc cũng khác nhau; cho nên, có lúc chúng ta cho là tốt, nhưng chưa chắc là tốt thật sự.

Có thể nhân duyên của chúng ta không tốt bằng người kia, rõ ràng họ nói là việc tốt, chúng ta lại cho nó thành việc xấu; như thế, cũng không đúng. Chúng ta phải khởi tâm bình thường, học Phật phải cố gắng kết duyên tốt, trừ bỏ đi tâm phân biệt tốt xấu. Vì vậy, chúng ta không nên theo tâm mình để nhận định người khác, phải luôn luôn cảnh giác mình.

“Tốt khoe, xấu che, bỏ thành kiến.” Chúng ta phải tốt khoe, xấu che; như thế là bồi dưỡng thiện căn của đối phương, thành tựu nhân duyên hạt giống bồ-đề. Do đó, trong kinh Phật thường nhắc đến là không được đoạn thiện căn của người, cần phải bồi dưỡng thiện căn nhiều hơn.

Người làm thiện, cần phải dành cho họ niềm tin. Như có người nói với họ: “Bạn như thế là đúng, là giúp đỡ rất nhiều người, thật là khó có được.” Sau khi họ làm rồi thì họ càng tăng thêm niềm tin, lại còn tiếp tục phát tâm. Nếu như chúng ta bác bỏ họ làm thiện thì hạt giống bồ-đề dễ bị xói mòn. Đức Phật từng dạy, thấy người làm thiện mà tùy hỉ, cũng là một công đức.

Người khác làm việc thiện, chúng ta tùy hỉ sự thành tựu thiện căn của họ; như thế cũng là một công đức, vì sao chúng ta không làm? Chúng ta khen ngợi người khác đúng sự thật, thật ra cũng là làm đẹp cho chính mình; cho nên, chúng ta phải dụng tâm nhiều. Đức Phật từng nêu ra thí dụ: như trong căn nhà tối thắp lên một ngọn đèn, lại đem ngọn đèn này thắp qua ngọn đèn khác. Như thế, nhiều ngọn đèn thắp tiếp nối nhau, không những không làm giảm bớt ánh sáng của ngọn đèn mà còn làm sáng rực khắp căn nhà. Chúng ta ca ngợi người tốt, hoàn toàn không mất đi sự tốt đẹp của mình; chúng ta ca ngợi càng nhiều thì sự tốt đẹp của hai bên càng tỏa sáng với nhau.

Nhưng khi chúng ta thấy người làm việc xấu thì nhanh chóng khuyên bảo họ, nếu khuyên không được thì nên im lặng. Không nên vì tính cố chấp của họ, không làm theo ý chúng ta mà rêu rao khắp nơi với mọi người; như thế là không đúng. Chúng ta phải hết lòng khuyên bảo, họ biết sửa đổi thì quá tốt; còn nếu họ không chịu sửa đổi thì chúng ta im lặng che giấu, không nên nói lải nhải hoài. Bởi vì, chúng ta là phàm phu, mà phàm phu thì khó tránh khỏi tính cố chấp lập trường và thành kiến của mình; cho nên phải thường cảnh giác mình. Nếu như chúng ta làm được như vậy, thì không nói chuyện thị phi chẳng khó gì.

Chúng ta hãy suy nghĩ kĩ, vạn điều ác đều bắt đầu từ mười điều ác. Trong mười điều ác, tâm chiếm ba phần, nhưng khẩu nghiệp chiếm bốn phần. Vì sao mà không luôn đề cao, cảnh giác? Chúng ta không nói chuyện thị phi là dứt bỏ bốn ác nghiệp của miệng, cũng chính là nói ác, nói dối, nói thêu dệt và nói đâm thọc. Nói tóm lại, chúng ta phải thường xuyên cảnh giác mình.

 

ST

Các tin tức khác

Back to top