Quán nhân duyên

22/09/2014 5:48
Trên bước đường tu, cần ghi nhớ rằng người chống là chống cái nghiệp của mình. Theo kinh nghiệm tôi quán nhân duyên, nên thấy giữa mình và họ có duyên thì giáo hóa; làm ngược lại là thọ quả báo.

Hòa thượng Thiện Hoa dạy rằng nếu ta không vào địa ngục thì ai vào, đó là ý chí cao rất tốt. Nhưng Hòa thượng Trí Tịnh lại nói khác, nếu không phải là A-la-hán thì không nên vào địa ngục. Còn Hòa thượng Thiện Hoa nhất định vào địa ngục, với quyết tâm rằng chỗ nào chúng sanh cần thì ta tới, chỗ nào đạo pháp cần thì ta đi, không từ gian lao, không nề khó nhọc; đó là lập trường của giảng sư, nhưng cần nói thêm là phải đắc Thánh quả, chưa đắc Thánh quả mà vào trần thế, quả báo sẽ tới.

Còn ngài Giác Chánh thì đắc Thánh quả rồi cũng không đi. Tôi hỏi tại sao ngài không đi hoằng hóa. Ngài dạy rằng phải đủ duyên mới làm được, không đủ duyên, chúng ta chẳng thể làm gì. Đó là kinh nghiệm của người đi trước, cái sáng của người trước để chúng ta học đạo phải ghi nhớ. Đắc quả là huệ sanh, mắt sáng, thấy nhân duyên đầy đủ mới làm, tôi học ý này của ngài Giác Chánh.

Đức Phật đắc đạo, Ngài quán nhân duyên thấy người có duyên với Ngài, nên đến độ họ, không phải ai cũng độ được. Phật còn nói Ngài chỉ độ được người có duyên. Phật hơn chúng ta là chẳng những Ngài độ được người thuận duyên mà còn độ cả người nghịch duyên, hễ người có duyên với Phật là Phật độ được; còn chúng ta chỉ độ được người thuận duyên. Đối với tôi, người nghịch duyên thì tôi tránh. Thí dụ các sư không ưa tôi, tôi tránh; nếu tôi tới, nhất định độ là tự chuốc họa vào thân. Vì vậy, khi chúng ta tu, thuận duyên thì dễ độ. Quán nhân duyên, tôi thấy giữa tôi và một số Phật tử phía Bắc có duyên, nên tôi ra Bắc mở đạo thì họ theo tu đông. Ngoài Bắc, đến nay đã có năm, sáu chục đạo tràng, vài vạn Phật tử tu Pháp hoa, đó là nhân duyên. Những người này có duyên với tôi, nên thấy tôi, họ phát tâm; tôi nói, họ nghe được và áp dụng trong cuộc sống tu hành họ có kết quả tốt đẹp. Người có duyên mình độ được là như vậy.

Khi Phật đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như, Ngài nói rõ xưa kia Kiều Trần Như là ông vua ác độc tên Ca Lợi. Lúc đó, Ngài đang tu hạnh nhẫn nhục là Sằn Đề tiên nhân. Ca Lợi vương sát hại Sằn Đề, nhưng tiên nhân không giận, còn nói nhờ vua ác mà Ngài làm tròn hạnh nhẫn nhục; cho nên thành Phật, Ngài đến độ ông trước. Phật quán sát nhân duyên thấy rõ việc như vậy, nên độ Kiều Trần Như đúng theo nguyện của Ngài.

Đi theo lộ trình Phật đi, chắc chắn chúng ta thành công. Tôi quán sát cuộc đời Phật, cách xử sự của Phật và áp dụng vào việc tu hành của mình.

Sau khi độ Kiều Trần Như, Phật nghĩ đến ba anh em Ca Diếp từng tu trong kiếp quá khứ bị bế tắc, hiện tại cũng bế tắc và đang khao khát tìm đường giải thoát. Phật mới tìm đến khai ngộ họ, nói rõ họ bế tắc chỗ nào và khai tri kiến Phật cho họ thấy con đường sáng và tu được an lạc giải thoát.

Ngày nay, nếu các thầy đắc La-hán thấy nhân duyên là tốt, nhưng chưa thấy rõ, chưa đắc La-hán mà muốn giáo hóa chúng sanh, nên cân nhắc. Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi và cũng là bài học cho anh em suy nghĩ. Nếu chưa đắc La-hán nhưng có nguyện giáo hóa độ sanh, nghĩa là tự hành hóa tha thuộc quyền thừa Bồ-tát, vì làm lợi ích chúng sanh, trong đó có ta. Vì ta mà hại người là ác ma. Vì lợi mình và lợi người là quyền thừa Bồ-tát. Lợi người, không nghĩ đến mình là Bồ-tát.

Tự hành hóa tha, nỗ lực tu đắc quả, một mặt ai có duyên, chúng ta giáo hóa. Nay các sư chưa đắc đạo phải nỗ lực tu cho đắc đạo, ra khỏi sanh tử, nhưng với người có duyên, mình sẵn lòng giúp. Mặc dù giữ chùa, tiếp xúc với bổn đạo, với chính quyền, nhưng đừng để kẹt tịnh xá, kẹt tín đồ hay chính quyền. Ngày nay chúng ta có duyên ở đây thì làm đạo ở đây, nhưng mai kia hết duyên, đi nơi khác làm, đừng để kẹt là tự hành hóa tha đúng pháp .

Giai đoạn một lo tu cho đắc đạo là chính, việc giáo hóa là phụ, không làm cũng không sao. Vì có duyên, người tới, chúng ta độ, chúng ta không tìm. Thầy chưa đắc đạo mà tìm bổn đạo thì bị họ độ lại, ta trở thành nô lệ là hỏng. Nhưng qua giai đoạn hai khá hơn, ta đi lên một chút. Bây giờ chúng ta cân việc tu và việc giáo hóa.

Đối với tôi, trên bước đường tu, ban ngày tôi làm việc cho Giáo hội bằng tất cả tấm lòng. Ban đêm là thời khóa tu của tôi. Trong một năm, chín tháng làm cho Giáo hội và giáo hóa chúng sanh. Còn ba tháng an cư là mùa tu của tôi, vì mình phải có sở đắc riêng để giải thoát. Đừng nặng quá việc làm mà mất tu, sau sẽ trở thành thế tục, mất luôn quả Sa-môn. Nếu sợ mất bổn đạo, nhưng để mất quả Sa-môn thì bổn đạo và chùa cũng mất theo.

Tôi chia ra, ban ngày dành cho Phật sự, ban đêm cho ta, làm gì thì làm, buổi tối tranh thủ tham thiền nhập định để xóa nghiệp. Ban ngày tôi làm nhiều, nhưng ban đêm suy nghĩ cân nhắc, gạn sạch lòng, đem Phật vào lòng là ngủ với Phật, không ngủ với cuộc đời. Ôm cuộc đời ngủ, coi chừng mất quả Sa-môn thì người không coi chúng ta là người tu. Ôm Phật ngủ, sáng mai họ thấy mình tỏa hào quang thì họ phát tâm theo Phật và ta cũng làm được Phật sự một cách tốt đẹp. Theo kinh nghiệm của tôi, ngày nào ít tu thì làm đạo khó; siêng tu, làm đạo rất dễ. Xin chia sẻ kinh nghiệm này để quý thầy cân nhắc.

 

Trích bài viết cùng tên - TG: HT.Thích Trí Quảng (Bài giảng tại trường hạ Trung Tâm tịnh xá, quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày 5-6-2014)

Các tin tức khác

Back to top