Niềm tin và sự tỉnh giác

29/09/2014 10:36
Niềm tin và sự tỉnh giác của người con Phật có được qua bốn trường hợp sau đây:

1- Lắng nghe:
Niềm tin và sự tỉnh giác của người con Phật có được là do sự lắng nghe và tiếp nhận Chánh pháp.
Thưa đại chúng, chúng ta là những người con đã từng, hay chưa từng gặp đức Phật trong quá khứ, trong hiện tại hay trong vị lai, nhưng niềm tin có được bao giờ cũng từ sự lắng nghe Chánh pháp của Ngài. Cũng từ sự lắng nghe Chánh pháp của đức Phật mà niềm tin trong sáng phát sinh trong đời sống của chúng ta, hạnh phúc an lạc có mặt cũng từ đó, đưa đời sống chúng ta đến đỉnh cao, vượt qua dông bão thác gềnh, khiến chúng ta có cuộc sống bình an từ niềm tin vững chắc. Niềm tin sinh khởi từ sự lắng nghe là niềm tin có chất liệu của tỉnh giác. Niềm tin ấy nuôi lớn tỉnh giác và tỉnh giác nuôi lớn niềm tin.
2- Chiêm nghiệm:
Chúng ta những người con Phật khi nghe Chánh pháp, chúng ta phải biết chiêm nghiệm một cách sâu sắc rõ ràng, chính xác; cái nghe như vậy sẽ loại bỏ được vọng tâm điên đảo nơi chúng ta, khiến cho cái nghe thuần tịnh có mặt. Niềm tin do chiêm nghiệm phát sinh, niềm tin ấy có nội dung của tỉnh giác. Niềm tin có tỉnh giác, niềm ấy làm dẫn sinh trí tuệ. Nó có khả năng nhiếp phục và chuyển hóa vô minh.

3- Suy luận:
Chúng ta suy luận từ lời nói của các bậc Thánh trí, các bậc tu chứng có tuệ giác, từ đó niềm tin trong ta phát sinh.
Sự suy luận này giúp chúng ta có niềm tin và sự tỉnh giác vững chắc trong cuộc sống. Niềm tin sinh khởi từ suy luận, tức là niềm tin có trạch pháp giác. Bản chất của trạch pháp giác là tuệ. Nhờ có tuệ mà tin không dẫn đến mê lầm.
4- Thực tập:
Tất cả chúng ta nghe Chánh pháp một cách sâu sắc trọn vẹn, chiêm nghiệm lời dạy đó và suy luận lời dạy đó, thì những phiền não trong tâm ta được lắng xuống, đời sống thanh thản phát sinh, nhân cách của chúng ta mỗi ngày mỗi cao quý.
Ai là người biết ứng dụng Phật pháp vào đời sống của chính mình một cách hợp lý, thì người đó có hạnh phúc ngay trong đời sống này, dù lời dạy của đức Phật rất đơn giản như:
- Buông bỏ tâm tham;
- Buông bỏ tâm sân;
- Buông bỏ tâm si;
- Buông bỏ tâm kiêu mạn.
Chúng ta thực tập như vậy thì hạnh phúc bình an sẽ có mặt ngay trong đời sống này.
Tham, sân, si, kiêu mạn là những gánh nặng mà tất cả chúng ta cần phải buông xuống.
Nếu chúng ta không thực tập buông bỏ những thứ này, thì chúng ta sẽ triền miên trong sinh tử luân hồi.
Tuy nhiên, chúng ta phải biết ứng dụng Phật pháp cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của chúng ta, và tùy điều kiện của chúng ta cho phép chúng ta thực hành, thì mới đưa tới kết quả tốt đẹp.
Nếu chúng ta thực tập, áp dụng quá điều kiện cho phép, thì chúng ta sẽ thất bại, chúng ta sẽ không có hạnh phúc an lạc.
Các bậc Thánh trí không bao giờ nói ra bằng ngôn ngữ tri thức, mà các Ngài nói ra bằng ngôn ngữ tu chứng, nên hiệu quả của lời dạy của các ngài rất cao.
Chúng tôi đã chia sẻ cùng đại chúng bốn trường hợp trên để thành tựu niềm tin vững chắc và sự tỉnh giác có mặt, đưa đời sống chúng ta đến đỉnh cao, an lạc của cuộc sống.
Kính chúc đại chúng thành công trên bước đường tu tập.

Thích Thái Hòa (Trích Nguồn Sáng Vô Tận)

Các tin tức khác

Back to top