Chấm dứt mọi tranh cãi

30/09/2014 11:56
Tại sao mình phải tranh cãi? Khi tranh cãi mà hơn người thì cái gì nơi mình phát sinh?

-   Tâm kiêu ngạo phát sinh.

-   Khi mình hơn người mình sẽ nhận cái oán thù từ đối phương. Cho nên mình phải chấm dứt mọi tranh cãi. Không cần tranh cãi, vì như tôi đã nói là không có hơn, thua, hoặc bằng. Cho nên ai nhất thì mình nhì, nếu ai hơn nữa thì mình thứ ba, phải không?

-   Trong một xã hội trật tự, ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau. Một xã hội lộn xộn, phức tạp bởi vì người đến sau mà thích đứng trước, đúng vị trí đứng trước lại không chịu đứng mà chạy lui đứng ở phía sau, làm gây xáo trộn. Có khi khiêm tốn quá, lại thành ra phá trật tự. Người lớn tuổi, phẩm chất lớn, lại không chịu ngồi nơi vị trí của mình mà ngồi sau người nhỏ tuổi và người có phẩm chất nhỏ, làm lúng túng cho người trẻ, ngồi sau như vậy không phải là khiêm tốn mà phá hoại trật tự. Có khi khiêm tốn mà lại sai, vì thiếu trí tuệ, khiêm tốn phải có trí tuệ, thì sự khiêm tốn ấy mới có ý nghĩa và lợi ích. Đức Phật từng dạy: “pháp nào an trú đúng pháp ấy, thì mọi hình thái thế gian trở nên ổn định và bền vững”. Con chim nó đậu trên cành cây để hót và bay trong không gian, con cá thì ở dưới nước để bơi lội, vẫy đuôi, thế mà chim ưa xuống dưới nước để tranh giành nước với cá và cá lại ưa lên trời để giành không gian của chim. Chim cá giành nhau như vậy có được không? Không được, vậy mà chúng cũng ưa giành nhau cho nên gây lộn xộn. Cho nên đức Phật dạy “pháp nào an trú đúng vị trí của pháp ấy”. Người nào có nhân duyên, nhân quả của người nấy, thì cứ để cho họ an trú, thọ dụng đúng như mức mà họ đáng được hưởng, chứ mình có giành cũng không được, có cố gắng giành cho mấy đi nữa, thì cũng không được. Nhân duyên, quả báo của mình ngang đâu, thì mình thọ nhận ngang đó. Bao tử của mình chứa ngang đâu, thì mình thọ dụng ngang đó, chứ không thể lạm dụng quá sức chứa đựng. Và dẫu cho thiên hạ nhường cho mình ăn hết, thì mình cũng không thể ăn hết nổi. Chính nhiều người trong xã hội không ý thức điều này, nên ham quá mức, cuối cùng làm nhà cửa để không, cho chó, chuột, nhện ở và rồi sinh sự và gây nhau. Nếu mình không ý thức được điều này, thì càng sống, mình càng lố bịch. Khi ta hiểu ở trong đời “pháp nào an trú đúng vị trí của pháp nấy”, thì mình sự tranh cãi hơn thua nơi tâm ta sẽ chấm dứt một cách nhẹ nhàng. Trước đây, tôi có làm bài thơ: Cõi huyền, xin đọc tặng đại chúng:

 

Biết vui thì ở nơi này,

Với hoa cỏ đá cũng đầy mộng mơ;

Biết vui am lá hóa thơ,

Cõi này cũng đẹp còn mơ cõi nào;

Cõi này cũng có trăng sao,

Có ngàn vạn lối để vào như nhiên;

Chim reo hót, đá tham thiền,

Cõi huyền nhiệm đó mệt tìm nơi đâu;

Cõi huyền giữa cõi bể dâu,

Nếu không dâu bể có đâu cõi huyền.

 

Cho nên mình không cần tranh cãi và nếu có người chê mình là người không biết tranh cãi, thì mình cũng chỉ cười và chắp tay mô Phật! Tôi không biết tranh cãi, nhưng tôi biết sống, tôi biết thưởng thức cuộc sống, tôi biết tiêu thụ và ứng xử với cuộc sống. Còn tranh cãi cho nhiều để được hơn, thì cũng như mấy chú kiến hì hà hì hục, tha mồi về cho nhiều rồi cũng chẳng được gì. Cho nên mình không cần tranh cãi với cuộc sống, mà vốn cuộc sống có cần tranh cãi với ai đâu. Mọi chuyện hoạt động đều tự nhiên, con gà cứba giờ sáng là dậy gáy sáng, mặt trời cứ đúng giờ là xuất hiện, mặt trăng cứ đến ngày rằm thì tròn, và hết rằm thì khuyết, chứ có ai làm cho mặt trăng tròn và có ai làm cho trăng khuyết đâu nhỉ! Thủy triều cứ giờ đó thì lên và cứ giờ đó thì nó xuống, chỉ có con người vì tham dục quá mức, nên làm xáo trộn quy luật tự nhiên của trời đất và tạo ra cái bất ổn cho cuộc sống. Như chúng ta thấy, những điều mà hiện nay các nhà khoa học la làng lên, đó là do con người lạm dụng thiên nhiên quá mức, khiến cho đời sống con người vốn đã mong manh lại càng thêm mong manh. Con người chúng ta có tranh cãi để hơn cái mong manh đang diễn ra trước mắt chúng ta không nhỉ!

 

Thích Thái Hòa - Thư Viện Cổ Pháp

Các tin tức khác

Back to top