Thủ tiết

20/10/2014 5:47
Hòa thượng Viên Thông Nột nói: “Mệnh người què ký thác ở cây gậy, mất gậy thì ngã. Mệnh người qua sông ký thác ở chiếc thuyền, thuyền hư thì chìm. Phàm những người tu học ở chốn lâm hạ, tự mình không giữ gìn lấy mình, nương cậy vào thế lực ngoài là hơn, một mai nếu mất chỗ nương cậy thì đều không thể tránh khỏi được những hoạn nạn như những người bị ngã bị chìm kia.

Lời dạy này rất gần với di huấn của đức Phật: Các vị hãy là cồn đảo của chính mình, đừng chạy mong cầu bên ngoài. Hãy lấy giới luật làm thầy, hãy tự thắp sáng trí tuệ của mình. Thắp lên với chánh pháp… Ở đây, Hòa thượng Viên Thông Nột dạy chúng ta phải biết thủ tiết. Như người què đi không vững thì nhờ cây gậy, nếu thiếu cây gậy họ sẽ bị té ngã. Cho nên cây gậy là chỗ nương tựa của họ. Người qua sông thì cần thuyền bè, cho nên thuyền bè là phương tiện, là chỗ nương tựa không thể thiếu của họ. Cũng vậy, nếu người tu hành lúc nào cũng đợi chờ, tin cậy vào các duyên bên ngoài, không tự mình nỗ lực, tự mình thắp sáng trí tuệ, tự mình là cồn đảo cho chính mình… bất ngờ khi mất hết phương tiện chung quanh, giống như người què không gậy, người qua sông không thuyền, chúng ta sẽ ngã gục.

Lời dạy của Hoà thượng Viên Thông Nột quả thực hết sức thích đáng. Mỗi người chúng ta phải xoay lại mình, tự nương tựa chính mình. Đức Phật từng nói tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành, như vậy chúng ta có thiếu thốn gì đâu mà tìm cầu nương tựa bên ngoài. Những thứ mình cho là thiếu thốn, thật ra chỉ là những thứ phụ, những phương tiện trong đời sống thôi, còn cái chính thì chúng ta không thiếu. Bởi không thiếu nên đức Phật mới nói “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Biết như vậy rồi lúc nào chúng ta cũng tự tin tưởng vào trí tuệ, vào sự chân thành, vào nỗ lực tu hành của chính mình. Kế nữa tin tưởng vào giáo pháp của Phật, vào kinh nghiệm của các bậc đi trước, lúc nào cũng trau dồi học hỏi để áp dụng cho công phu của mình. Chân thành, lúc nào cũng luôn thực hiện như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ là người con Phật xứng đáng.

Tất cả vật chất, tiện nghi chung quanh đời sống chúng ta đều là duyên. Duyên thì lúc có lúc không, không phải lúc nào cũng đủ. Ví như các duyên trong đời sống như cơm ăn áo mặc, thuốc men sách vở… khi đủ, khi thiếu. Thiếu rồi cũng có người giúp đỡ, chúng ta tạm sống qua ngày. Thành ra nó không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là làm sao hằng ngày chúng ta đủ sáng suốt, tự tin vào khả năng tu hành thành Phật của mình, từ đó chân thành nỗ lực tu hành. Bởi vì ta biết chắc rằng không có đức Phật nào, Tổ sư nào, vị thầy nào không thật với mình. Những kinh nghiệm các ngài để lại là những lời thật, kinh nghiệm thật, thể nghiệm thật. Điều nào thích hợp với mình thì áp dụng, chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Và ngay đây trong đời chúng ta từng bước đạt được kết quả.

Phật dạy muốn người ta đừng chửi mình thì mình đừng chửi người ta. Nhưng giả dụ có người chửi mình, mình nhịn không chửi lại. Họ chửi một lần mình nhịn một lần, chửi hai lần nhịn hai lần, chửi ba lần nhịn ba lần… chửi hoài mình nhịn hoài. Chắc chắn một thời gian họ mỏi miệng hết chửi nổi. Nói về duyên thì nó không tụ hội hoài, mà luôn luôn xoay vần. Đến giai đoạn nào đó cũng thay đổi, mình chết người kia cũng chết, hoặc không thì kẻ vô Sài Gòn, người ra Vũng Tàu, mạnh ai nấy đi, chẳng còn ai nhớ tới ai nữa đâu mà chửi. Nghĩ như vậy không có gì phải lo cả. Trái lại, người ta chửi mình một câu, mình chửi lại hai câu. Đôi chối qua lại một hồi thì có chuyện, làng nước xúm tới xem xấu hổ cả đám, không ích lợi gì hết. Cho nên người tu phải nhẫn nhục, đừng nghĩ rằng mình phải hơn người, mà chấp nhận thua đi. Người ta nói thua thiệt nhưng thật ra không phải thiệt đâu, mà là an ổn.

Trở lại điều ngài dạy ở đây, chúng ta đừng nương tựa hay tin cậy bên ngoài, phải biết nó là phương tiện trong một giai đoạn nào thôi. Chúng ta tranh thủ dùng phương tiện đó để thăng hoa cuộc sống của mình, tu tập cho đạt được kết quả như lời Phật dạy. Chúng ta đâu thể làm Tăng Ni hoài thế này. Tu là muốn khi bỏ báo thân này, mình sáng suốt chọn đường mà đi, được tự tại ra khỏi trần lao sanh tử. Chứ đâu phải tôi là trụ trì chùa đó, bây giờ ráng tu để đời sau sanh lên làm trụ trì chùa đó nữa. Như vậy là không tiến, là tu không thành Phật. Chí nguyện của chúng ta là tu để thành Phật, thành Phật từng bước một, chớ không phải để làm trụ trì. Cho nên người ta chửi mình, mình không chửi lại là có thể thành Phật. Người ta nói xấu mình, mình không nói xấu lại v.v... nhịn được tất cả, làm chủ được mình là đã thành Phật rồi.

 

Trích NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM - Lời Dạy của Hòa Thượng Minh Giáo Tung - HT. Thích Nhật Quang

 

Các tin tức khác

Back to top