Thiệt thòi khó chịu

3/11/2014 11:59
Lời này là của người không biết mới nói, chứ người có chút trình độ chắc không nói như thế. Sao vậy? Vì từ dưới chúng sanh lên đến chư Phật, hai chữ "thiệt thòi" này không ai tránh khỏi.

Tại sao thế? Đức Thế Tôn một hôm khất thực xong, trải tòa thuyết Pháp, đang ngồi trang nghiêm trước trăm muôn đại chúng, bỗng có một cô gái ôm bụng bước vào đứng trước mặt Đức Phật nói: "Ông nay thuyết Pháp thân tôi chẳng an, chẳng bao lâu sẽ sanh, sao ông chẳng màng đến?". Lúc ấy đại chúng ngơ ngác hoang mang. Thương thay! Đức Phật của chúng ta đang chịu thiệt thòi nặng nề. Khi ấy các vị vua trời Phạm Thiên sai một thiên nhân hóa làm một con chim ưng bay đến bên cạnh cô gái, mổ đứt sợi dây, trái bầu rơi xuống đất, đại chúng tiêu hết nghi ngờ. Sự thiệt thòi lớn lao có gì hơn điều này.

Lại nữa, một hôm Đức Phật dẫn chúng vào thành theo thông lệ khất thực. Lúc ấy vua A Xà Thế cùng Điều Đạt hai người muốn hại Phật và các đại chúng, ra lệnh cả thành cấm cúng dường thức ăn, như vậy Phật và đại chúng khất thực liên tiếp bảy ngày cũng không được một hột cơm. Về sau hai người hối cải, để cho dân chúng cúng dường trở lại. Đây là cái thiệt thòi bị bỏ đói, thế gian đâu thể chịu nổi.

Lại nữa, một hôm các vị đại A La Hán bận an cư ở nơi xa, chỉ có vài trăm người cùng Phật kiết hạ nơi chân núi. Điều Đạt sai nhiều lực sĩ lén lăn đá to từ trên núi xuống, làm Phật bị thương chân. Thương thay! Đức Phật là đại sư của ba cõi, là cha lành của bốn loài, phải chịu sự thiệt thòi lớn như bị làm nhục, bị bỏ đói, bị hãm hại. Phật còn như thế, ta là người thế nào?

Lại như ngài Từ Minh đến thỉnh Pháp nơi Phần Dương, mùa đông lạnh lẽo muốn được thân cận, Phần Dương tạt nước đuổi đi. Từ Minh đứng ở góc điện suốt một đêm. Sáng sớm hôm sau, Phần Dương trông thấy lại tạt nước nữa, như vậy hai ba lần. Thương thay cho Từ Minh vẫn vui vẻ nhận lấy, về sau khai ngộ, hiệu là Sư Tử Tây Hà.

Lại nữa, như ông già Kính Sơn (tức ngài Đại Huệ Tông Cảo) vì bốn câu kệ mà bị Vua đày đi biên thùy. Về sau hoằng hóa rộng lớn, xa gần đều khâm mộ sùng kính. Đây là sự thiệt thòi lớn không có gì sánh bằng.

Từ xưa chư Phật chư Tổ còn như vậy, nay ta đã ở Tòng Lâm, an trụ Thiền đường, mặc cho thiệt thòi đủ thứ, nghịch đến thì dùng thuận thọ nhận, đánh đập cũng thọ nhận, giận ghét cũng thọ nhận. Phải biết, chịu được một phần thiệt thòi, tiêu được một phần nghiệp chướng, mở được một phần Trí huệ. Dù cho người chặt đầu ta, cắt cơm ta, cũng chẳng màng đến, chỉ cần có Thiền đường để trụ, có quy củ để giữ, có đạo để hành là đủ rồi. Ngoài ra, trong thân ngoài thân đều thuộc về việc không quan trọng. Dẫu cho sự thiệt thòi to như núi cao, nếu có thể chịu nổi thì mới đáng gọi là bậc đại trượng phu vậy.

Thiền sư Lai Quả

Các tin tức khác

Back to top