Hạt châu

29/12/2014 4:29
Phật tánh đã sẵn nơi mình, khéo nhận là được, đừng chạy tìm cầu bên ngoài, càng tìm càng nhọc nhằn vô ích.

Phật tánh hiển lộ đầy đủ nơi sáu căn chúng ta, cần nhìn lại là thấy. Khổ nỗi, chúng ta không khi nào dám nhận nó, mà hằng nhận thân tứ đại này là mình. Thân tứ đại do duyên trong, ngoài giúp đỡ, thiếu duyên là nó hoại liền, như người gánh nặng đi qua cây độc mộc kiều, hớ chân là té nhào. Quên cái chân thật, nhận cái giả dối thì phút giây nào cũng lo âu sợ sệt, ngại cơn vô thường bất chợt đến với nó. Nhận được cái chân thật bất biến, mọi sợ sệt lo âu đều tan mất, thì còn cái gì hại được chân tánh này, quả là Niết-bàn hiện tại trần gian.
Có vị Tăng hỏi Thiền sư Thạch Cựu:
- Thế nào là hạt châu trong tay Địa Tạng?
- Trong tay ông lại có chăng?
- Con chẳng hội.
- Chớ dối đại chúng.
Sư nói tụng : 
Bất thức tự gia bảo
Tùy tha nhậm ngoại trần
Nhật trung đào ảnh chất
Cảnh lý thất đầu nhân.
Dịch:
Báu nhà mình chẳng biết
Theo người nhận ngoại trần
Giữa trưa chạy trốn bóng
Kẻ soi gương mất đầu.
Chúng sanh một bề chạy theo ngoại cảnh quên bẵng bản tâm. Chỉ cầu hỏi hạt châu trong tay Bồ-tát Địa Tạng, quên lửng trong tay mình sẵn có hạt châu. Hạt châu ấy theo dõi chúng ta như bóng theo hình, mặc dù ta lăn lộn sáu đường, lang thang trong tam giới, hạt châu hằng có mặt trong túi áo chúng ta. Chúng ta si mê bỏ quên nó, như chàng Diễn-nhã xem gương thấy bóng đầu mặt hiện trong gương, úp gương lại bóng đầu mặt mất đi, hoảng la lên “tôi mất đầu”. Chàng ta phát cuồng ôm đầu chạy la “tôi mất đầu”. Tất cả chúng ta cũng thế, hằng ngày cứ chạy theo vọng tưởng suy tính, có nó là có mình, một khi vọng tưởng lặng xuống, hoảng la “mất mình”. Vọng tưởng là cái chợt sanh chợt diệt, không cội gốc nơi chốn, mà chấp là thật mình. Khi vọng tưởng lặng xuống, mọi công dụng thấy nghe hiểu biết vẫn nguyên vẹn, mà nói “mất mình”. Thử hỏi ai là kẻ biết mất mình?
Khéo nhận ra ông chủ mới khỏi bị khách trần lừa gạt. Thiền sư Pháp Diễn nói:
“Ta có một vật chẳng thuộc phàm chẳng thuộc thánh, chẳng thuộc tà chẳng thuộc chánh, muôn việc khi đến tự nhiên hiệu lệnh.”
Ông chủ của chính mình là thực thể tuyệt đối, không còn thấy có hai bên phàm thánh chánh tà đối đãi. Tuy không có niệm phân biệt đối đãi, song xúc duyên chạm cảnh liễu tri rành rõ. Ông chủ này chưa từng sanh chưa từng diệt, nên gọi là pháp thân bất diệt. Bởi không sanh diệt, nên chân thật thường hằng, mà không có tướng trạng, thường ví như hư không. Từ Pháp thân nhìn ra thân tâm vạn vật đều thấy tạm bợ giả dối, không có bằng mảy tơ sợi tóc nào chân thật, nên nói: như bọt, bóng, sương mù, điện chớp... Đi đứng nằm ngồi đều sống với ông chủ này là tu thiền Vô sanh.
Thiền sư Sư Nhan ngồi một mình trên tảng đá, thỉnh thoảng gọi: “Ông chủ nhân!” Tự đáp: “Dạ!” Bảo: “Phải tỉnh tỉnh đừng để người lừa!”
Tự gọi tự đáp dường như việc đùa cợt chơi. Chính là lối tu tự nhắc mình không quên ông chủ. Đừng để ngoại cảnh đánh lừa, hằng tỉnh sáng với ông chủ ngàn đời của mình. Quả là pháp tắc muôn đời cho những người biết sống trở lại mình. Biết trở lại mình là về quê hương, là đến Bảo sở, là Cùng tử được cha trao sự nghiệp, là Niết-bàn, là giác ngộ, là giải thoát... Trăm ngàn danh từ khác nhau đều chỉ một việc “trở về với mình”. Đúng với câu “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Bởi vì trở về được với mình, là muôn việc bên ngoài đều theo đó giải quyết xong.

Trích "Phương pháp tu thiền" - HT.Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top