Hành trình chuyển hóa nội tâm

25/12/2015 3:31
Có lúc nào bạn tự nghĩ mình cần phải làm gì để đạt được chân giá trị hạnh phúc thật sự chưa? Chắc chắn mỗi người đều có câu trả lời cho chính mình ngay trong đời sống thực tiễn, trong sách vở từ chương giữa một cuộc sống luôn biến động của nền kinh tế thị trường.

Nhưng những ai là Phật tử, từng được đọc lời hay ý đẹp của Đức Phật và các vị Thánh đệ tử của Ngài, hay từng được nghe trực tiếp những lời giảng thuyết của các vị thầy minh triết và có giới đức, chắc chắn cũng có cùng câu trả lời như của tôi, ấy là làm thế nào để những giáo nghĩa uyên thâm ẩn chứa nhiều giá trị đích thực của chân lý được vận dụng vào đời sống thường nhật thì con người sẽ có hạnh phúc thật sự. Nếu không như thế, thì tự thân mỗi nguòi không bao giờ và không thể nào thực thi quá trình chuyển hóa nội tâm từ một kẻ phàm phu trở thành bậc giác ngộ ở đời. Phải chăng đây chính là mục đích và lý tưởng sống mà mỗi người Phật tử cấn hướng đến trong cuộc hành trình trở về thế giới Phật quốc?

Thực tế, cuộc sống vốn diễn ra rất nhiệm mầu mà chúng ta cần phải có niềm tin vào chính mình để thực thi tiến trình chuyển hóa nội tâm. Vấn đề đầu tiên là không để tâm rong ruổi, lang thang và hòa điệu vào những biến hóa sắc màu của trần thế. Cho nên, Đức Khổng Tử, nhà minh triết Trung Hoa cổ đại, từng nói, mỗi khi con người không để tâm hiện hữu với chính mình thì làm việc gì cũng không có hiệu quả: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” (Khi tâm mà không có mặt thì nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe, ăn mà không biết mùi vị). Lời dạy này còn có ý nghĩa cao hơn, có thể suy diễn và ứng dụng vào nhiều trường hợp. Mọi sự cố, mọi bất hạnh có thẻ xảy ra đối với ai đều bắt đầu từ việc để tâm vọng tưởng chạy theo nhiều đối tượng trong cùng một lúc, không chịu để tâm quán sát vào một đối tượng đang nghĩ, đang làm và sẽ làm. Diễn đạt một cách khác, theo một tâm lý bình thường, trong đời sống hiện hữu, con người thường tự nguyện lao vào dòng thác của cuộc đời, khi thì hối tiếc, hoài niệm chuyện đã qua; lúc thì mơ tưởng đến những việc tương lai chưa đến; còn giây phút hiện tại, thiết thực thì không chú ý gì cả.

Vì lẽ đó Phật từng dạy chúng ta phải biết cột tâm, an trú tâm, không để tâm dao động trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Giá trị cuộc sống sẽ được hiển lộ và thăng hoa khi ta biết làm chủ tâm, biết sống trọn ý nghĩa trong từng giây phút hiện tại, không để tâm phóng dật. Chìa khóa để mọi người mở cánh cửa hạnh phúc và an lạc ở đây. Bạn cứ thử nghĩ xem, mở mắt thức dậy, mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động của thân, khẩu, ý đều được bạn quán sát kỹ lưỡng với một cái tâm tỉnh giác thì sẽ đạt hiệu quả cao như ý muốn. Ngay cả khi đang ra đường, lái xe giữa một thành phố đô hội như Sàigòn mà không chánh niệm, tâm cứ rong ruổi, không có một sự tập trung cao thì sẽ dẫn đến tai nạn. Nó không chỉ đưa lại phiền muộn cho chính mình mà còn gây nên đau khổ cho cả người khác. Đơn giản nữa, nếu bạn là người nội trợ, nấu ăn, rửa bát mà trong giây phút nào đó không để tâm quán sát trên đối tượng mình đang làm là “rửa bát” thì sẽ dẫn đến việc chén bát rơi bể…Rõ ràng, trong những thời điểm đó, tâm vọng tưởng sẽ tạo ra những điều kiện cho những hạt giống tham sân si phiền não có chiều hướng nẩy mầm…Nhưng vấn đề ở đây là tôi không muốn chỉ nêu ra những tai ương, những rủi ro như thế mà điều thiết yếu hơn nữa là bạn phải nắm chặt chân lý giá trị cuộc sống. Hàng ngày, hàng giờ, hàng phút phải biết sống tỉnh thức và an trú trong giây phút hiện tại nhiệm mầu của thực tại.

Do đó, điều cơ bản đầu tiên mà ta có thể thực hiện là tinh cần giữ tâm không phóng dật, như Phật từng dạy trong bản kinh Pháp cú, một bản kinh được giới Phật giáo Nam truyền xem như bản kinh nhật tụng, mọi hành giả cần học thuộc lòng để hành trì và ứng dụng vào trong cuộc sống bình nhật:

“Không phóng dật, đường sống

Phóng dật là đường chết

Không phóng dật, không chết

Phóng dật như chết rồi”

Pháp Cú-Phẩm không dật, kệ 21

Sống không phóng dật là sống an nhiên tự tại, tâm không bị cuốn hút vào dòng thác đổi thay và đầy cám dỗ của sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Con người sở dĩ bị khổ đau là do để rong ruổi theo sáu trần. Thế nên Trần Thái Tông, vị vua-thiền sư đời Trần, từng trải nghiệm, thiết tha khuyến giáo mọi người phải an trú tâm, giữ tâm, không để tâm chạy theo các vị ngọt của các trần. Trong bài Sám hối tội căn của mắt, Ngài viết:

“Đệ tử chúng con, dốc lòng sám hối! Kể từ vô thỉ, vô lượng kiếp rồi. Bỏ mất bản tâm, chẳng theo chánh đạo. Đọa ba đường khổ, bởi sáu căn sai. Trước chẳng sám trừ, sau hối khó kịp. Nghiệp căn mắt ấy: Nhân ác nhìn kỹ, nghiệp thiện xem qua. Nhận lầm đốm hoa không, quên đi mắt trăng thật. Ghét yêu nổi dậy, tốt xấu chen nhau. Mắt liếc sinh càn, lu mờ chính kiến. Xanh đi trắng lại, tía phải vàng sai. Nhìn bao thứ tà như người đui mắt. Gặp kẻ sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang. Đui mù chưa sinh, bản lai diện mục. Thấy người giàu có, mắt dán chằm chằm; gặp kẻ bần cùng, tảng lờ chẳng đoái. Nhà người mai táng, nước mắt dửng dưng; thân quyến thương vong, khóc tràn ra máu. Hoặc thấy Tam bảo, hoặc vào Già lam; gần tượng đối kinh, bỏ qua không đoái. Nhà Tăng điện Phật, trai gái gặp nhau, mắt trước mắt sau, mê hoang sắc dục. Chẳng kính Hộ pháp, chẳng sợ Long thần; thỏa mãn ham vui, từng không kính lễ. Những tội như thế, vô lượng vô biên. Từ căn mắt sinh, đọa vào địa ngục. Trải hằng sa kiếp mới được thọ sinh. Dù được thọ sinh, lại bị mù chột. Nếu chẳng sám hối, khó được tiêu trừ. Nay đối trước Phật, hết đều sám hối”(1).

Rõ ràng, tâm cần được an trú vào một đối tượng để quán sát, khi đi biết mình đang đi, khi đứng biết mình đang đứng, khi nằm biết mình đang nằm, khi làm một việc thì biết mình đang làm việc đó với một cái tâm tỉnh giác, nhu nhuyến. Trần Nhân Tông – Tổ khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm từng dạy: “Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa”, có nghĩa là hãy an trú tâm để thấy Phật ở trong nhà, chứ phải cầu tìm ở đâu. Các thiền sư Tây Tạng ngày nay cũng từng khuyến cáo các Phật tử thực tập thiền hãy nén đưa tâm về nhà (Bring the mind home), không để tâm lang thang, đắm đuối nhiễm bụi trần.

Do đó, hành trình đưa tâm về nhà, ngoài việc cột tâm, an trú tâm, thì mỗi Phật tử cần giữ tâm thanh tịnh, không để tâm cấu bẩn bởi các bụi trần. Kinh nghiệm thực nghiệm tâm linh của các thiền sư cho thấy, để tâm trở nên thanh tịnh thì phải có thái độ sống tinh tấn, không phóng dật, tâm hướng thiện, trành xa các điều ác, quan trọng hơn là chánh niệm tỉnh giác. Nhờ tỉnh giác mà trong nội tâm xuất hiện gì, hành giả có thể biết ngay mà tự điều chỉnh. Tiến trình điều chỉnh tâm thức này theo Thiền sư Trần Thái Tông viết trong Khóa hư lục, bài “Khuyến cáo bồ đề tâm văn” là “biện tâm”, tẩy rửa tâm. Nếu không biết biện tâm thì dù bạn là ai, xuất gia hay không xuất gia, sống giữa núi rừng hay đô thị cũng uổng công vô ích, khó mà thành tựu giải thoát. Khi tâm được thanh tịnh thì hành giả sẽ có khả năng bừng sáng trí tuệ và lòng từ có thể lan tỏa đến mọi người, mọi loài. Đây chính là giá trị dích thực của cuộc sống.

Cuộc sống hôm nay không ngừng biến chuyển, con người càng có khả năng đối diện và giáp mặt biết bao sự hấp dẫn, cuốn hút của một đời sống văn minh đô thị. Một thực tế cho chúng ta câu trả lời không phải ai cũng có thể vào chùa, xuất gia tu hành để chứng đạo. Con người có nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khác nhau trong nhiều mối quan hệ đan kết. Nói như vậy, không có nghĩa những người hiện đại sống ở nơi đô hội trù phú không có cơ duyên tu tập. Sơ tổ Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tông, từng khuyến cáo cho mọi người cần có thái độ tu tập để tự thân chứng đắc trong cuộc hành trình tìm về miền đất an lạc. Trong bài “Cư trần lạc đạo phú”, Ngài dạy: “Trần tục mà nên phúc ấy càng yêu hết tấc, Sơn lâm chẳng cốc họa kia thật đã đồ công”. Nghĩa là sống ở cõi đời trần tục, người tại gia nếu tinh tấn tu hành, giữ tâm trong sáng bằng cách biện tâm thì vẫn chứng ngộ, đó là phúc lớn do mình tạo ra; Còn xuất gia, ở núi rừng mà không tinh tấn thì uổng công phí cả đời. Xem ra, giác ngộ hay không giác ngộ là do bạn có hành trì thực nghiệm biện tâm hay không trong mọi môi trường và mọi hoàn cảnh sống. Tại đây, chúng ta có thể tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ để bước vào một đời sống hạnh phúc ngay từ bây giờ.

Chú thích:

Trần Thái Tông, Khóa hư lục, Thích Thanh Kiểm dịch, Thành hội Phật giáo TP.HCM, 1997, tr. 128-129.
Viện Văn học, Thơ văn Lý-Trần, tập 2, Nxb KHXH, 1989, tr. 506

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 94

Các tin tức khác

Back to top