Cương yếu để tu - Phần 3: Tự tịnh kỳ ý

5/04/2013 12:25
Câu thứ ba “tự tịnh kỳ ý” nghĩa là giữ gìn tâm ý cho thanh tịnh. Câu này là câu then chốt. Quí vị mỗi người tự nhìn lại xem tâm ý mình có thanh tịnh chưa? Hay là như những con trốt bay quanh đám rơm, cuốn bụi tứ tung.

Tâm chúng ta xáo động lăng xăng, không yên ổn nên gọi là ngầu đục. Vì tâm ngầu đục nên chúng ta không sáng suốt. Không sáng suốt thì làm sao tạo được điều tốt, điều lành. Vì vậy tất cả điều tốt lành đều do ý trong sạch phát ra. Ý nghĩ tốt, miệng nói tốt, thân làm tốt. Như vậy ý là gốc, là nền tảng của sự tu. Cho nên Phật nhắm thẳng vào gốc đó là phải gìn giữ tâm ý cho thanh tịnh.

Muốn tâm ý thanh tịnh phải làm sao? Như người tu Tịnh độ, muốn cho tâm ý thanh tịnh phải dùng câu niệm Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi luôn luôn niệm Phật. Niệm Phật không quên, để ý không chạy nhảy lung tung. Niệm Phật lâu ngày đã thuần thục rồi thì tâm không còn lăng xăng nữa. Tâm không còn lăng xăng nữa là ý được thanh tịnh. Cho nên muốn tâm ý thanh tịnh thì phải chuyên cần dùng một phương tiện nào đó để trừ dẹp những lăng xăng, lộn xộn trong tâm. Phương tiện đó gọi là pháp tu, hoặc pháp tu Tịnh độ, hoặc pháp tu Thiền.

Người tu Thiền làm sao để tâm ý thanh tịnh? Có nhiều cách, tùy theo trình độ sai biệt. Nếu tu thiền Nguyên thủy thì dùng pháp quán Tứ niệm xứ. Nếu tu thiền Đại thừa thì quán Giả, quán Không, quán Trung đạo v.v… Nhưng có một pháp tu tôi cho rằng đó là phương thuốc trị bá bệnh. Khi dấy niệm, chúng ta biết niệm đó là vọng tưởng hư dối, liền bỏ. Niệm khác dấy lên biết là hư dối vọng tưởng, bỏ. Phương pháp này như chuyện chăn trâu vậy. Con trâu vừa nghẻo đầu qua bên tây, mục đồng sợ ăn lúa mạ của người liền giựt lại. Nó nghẻo qua bên đông cũng giựt lại. Giữ cho con trâu đừng có ngả qua, ngả lại làm hư lúa của người. Cũng vậy, tâm vừa dấy niệm chạy theo cái này, chạy theo cái nọ, mình đều bỏ. Đó là vọng tưởng, không theo! Bỏ mãi cho đến khi nào vọng tưởng yên lặng, gọi là thanh tịnh. Đó là tu Thiền.

Tất cả mầm gốc của bất tịnh đều do tâm chạy theo cảnh, duyên dính với cảnh. Chúng ta buông, không chạy theo cảnh nữa thì tâm lặng. Tâm lặng tức là thanh tịnh. Phật dạy tu đến chỗ cuối cùng là phải trở về với tâm thanh tịnh ban đầu, không còn những ý niệm lăng xăng nữa. Bởi ý niệm lăng xăng đó không phải là tâm thật của mình, nó chỉ là bóng dáng của sáu trần mà thôi.

Tôi ví dụ như mặt biển thênh thang, khi nổi sóng thì mỗi lượn sóng khác nhau. Có lượn cao, có lượn thấp nhưng mặt biển vẫn không hai. Tâm chúng ta cũng vậy, những thứ lăng xăng đó chỉ là những lượn sóng, do tâm duyên theo bóng dáng sáu trần. Còn tâm thể chân thật lúc nào cũng tròn đầy, thanh tịnh. Cho nên tu, dừng được tâm lăng xăng đó thì thể thanh tịnh hiện tiền. Cũng như sóng nổi ầm ầm nhưng khi lặng rồi thì mặt biển thênh thang bằng phẳng.

Chúng ta nói những lượn sóng là mặt biển được không? Không, vì nó có giới hạn. Mặt biển thì phải thênh thang, nên sóng không là mặt biển. Tuy nhiên sóng không rời mặt biển mà có được. Nên biết sóng không phải là mặt biển, nhưng cũng không rời mặt biển. Tâm chúng ta cũng vậy, những nghĩ suy lăng xăng không rời tâm chân thật, nhưng tâm chân thật thì lặng yên, không giới hạn, còn suy nghĩ thì có chừng mực, có giới hạn. Cái suy nghĩ không phải là tâm thật thênh thang, nhưng cũng không rời tâm thênh thang đó. Hiểu như vậy mới thấy được cội nguồn của tâm thể chân thật.

Phật dạy tu là cứu kính thoát ly sanh tử. Còn suy nghĩ thì còn rơi theo hai đường: hoặc thiện hoặc ác tức là nghiệp lành, nghiệp dữ. Nghiệp lành, nghiệp dữ sẽ dẫn chúng ta sanh cõi lành, cõi dữ. Đó là đi trong sanh tử. Nếu cả hai lành dữ, thiện ác đều lặng hết, chỉ còn một tâm thanh tịnh thì chúng ta đi theo nghiệp nào? Đó là giải thoát sanh tử.

Như vậy thì muốn giải thoát sanh tử, chúng ta phải lặng hết tất cả tâm lành dữ. Tâm lành dữ là tâm tương đối, sanh diệt, không thật. Nó lặng xuống rồi thì tâm chân thật mới hiện bày. Tâm chân thật là tâm không sanh diệt. Sống được với tâm này mới gọi là giải thoát sanh tử. Cho nên Phật dạy phải lặng tâm ý cho trong sạch là vì thế. Cho nên tu theo Tịnh độ thì phải nhất tâm niệm Phật. Nhất tâm thì không còn hai, không còn phải quấy. Như vậy là tâm lặng. Còn nhà Thiền dạy dứt hết niệm tưởng lăng xăng, thì chân tâm hiển lộ. Chân tâm hiển lộ đó là nhân giải thoát sanh tử.

HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top