Hoa Quân Tử và bài học dâng tặng

1/06/2013 5:26
Hoa quân tử là hoa gì vậy nhỉ? Sao nghe lạ quá vậy! Có phải chăng quân tử là tên của loài hoa hay chúng liên quan đến sự tích về một người quân tử nào đó; hoặc giả tượng trưng cho một đức tính cao đẹp nào đó.… bao nhiêu câu hỏi được đặt ra và chúng miên man trôi chảy trong tâm thức của người viết.

Cho đến một hôm trong lúc lang thang, dạo chơi trên web và tình cờ đọc được bài Đạo Phật Một Biểu Tượng Của Hoa Sen thì mới chợt nhận ra chúng. À! hóa ra đây lại là một loài hoa rất gần gũi với cuộc sống thực tế mà ta thường xuyên tiếp xúc nhưng thi ca đã nhân cách hóa chúng và tạo nên sự bí ẩn về tên hoa mà mấy ai trong chúng ta biết được.

Chắc mọi người cũng đang hồi hộp, muốn được biết thi ca gọi hoa quân tử là hoa gì trong cuộc sống phải không? Đây chính là hình ảnh hoa sen mà cổ nhân ca ngợi nét đẹp thanh cao, biểu thị cho tinh thần chân chính quân tử nên đã thi hóa bằng những vần thơ nhằm ca ngợi:

“Hoa sen xinh đẹp biết là bao

Hoa ơi! hoa có tự thủa nào?

Mà người hằng nói: Hoa quân tử

Gần bùn vẫn giữ vẻ thanh cao”


Quả thật hoa sen là một loại hoa rất bình dị, phổ biến trong cuộc sống mà chúng ta có thể bắt gặp bất cứ nơi nào và môi trường sống của chúng chỉ phát triển ở ao hồ bùn lầy, rồi vươn lên khỏi mặt nước với hương sắc ngào ngạt để dâng tặng cho đời sự thanh cao. Hoa sen mọc lên từ đám bùn lầy nhưng sao hoa lại đẹp như thế. Một loại hoa chỉ mọc lên từ bùn lầy nhưng hương và hoa của nó vẫn luôn tinh khiết, làm xao xuyến, ngây ngất lòng người dù phải xuất thân từ nhiễm ô của bùn nhơ. Hương và hoa thanh khiết lại được nuôi dưỡng bằng gốc ở trong bùn nước, nhưng lá và hoa vẫn vươn lên khỏi mặt nước để đón ánh nắng mặt trời. Hoa thì tỏa hương tinh khiết, còn lá thì không một giọt nước, mảy may bùn nhơ nào có thể tồn đọng và làm hỷ hoại sự trong sáng của chúng được.

Hình ảnh đó hoàn toàn tương phản với chất liệu đã nuôi dưỡng chúng. Chất liệu thì bị mọi người khinh thường vứt bỏ, xa lánh nhưng hoa thì ngược lại ai ai cũng chấp nhận, tận hưởng hương thơm thanh khiết của chúng. Điều này cũng giống như cuộc sống của chúng ta luôn chứa đựng những chướng ngại, những khó khăn mà chẳng được mấy ai chịu giúp đỡ, nhưng khi ta vươn lên và đạt được những thành tựu trong cuộc sống thì mọi người lại nhìn ta bằng ánh mắt khác. Cho nên điều quan trọng là chúng ta phải biết biến những chất liệu đau khổ, khó khăn thành những nhiên liệu thắp sáng ngọn đèn nghị lực, ý chí để vươn lên, cùng thiết lập sự an vui, hạnh phúc cũng tương tự như hoa sen đã biến bùn nhơ thành chất dinh dưỡng để nuôi hoa tươi thắm xinh đẹp. Chính vì vậy mà cổ nhân mới nói rằng:

Không khổ đau lấy chi làm chất liệu

Không buồn vui sao biết chuyện con người.

Quả thật vậy, khi mình trải qua những khó khăn, đau khổ thì mình mới thấy được giá trị của hạnh phúc; chứ chỉ có hạnh phúc không thôi thì đâu có ai biết được hương vị thật sự của hạnh phúc là như thế nào đâu phải không?

Cho nên trong mỗi con người chúng ta luôn có 2 khuynh hướng: gieo trồng hạt giống an vui, hạnh phúc và ươm mầm hạt giống khổ đau; chỉ có điều là ta huân tập, gieo trồng hạt giống nào nhiều hơn mà thôi. Khi ta gieo trồng hạt giống xấu, quấy ác nhiều hơn có nghĩa là ta đang ươm mầm cho hạt giống khổ đau và hủy hoại đi những thuận duyên để thiết lập đời sống hạnh phúc cho mình; còn ngược lại gieo hạt giống hoàn mỹ, chân thiện là ta đang vun bón, tưới tẩm cho cây hạnh phúc phát triển, trổ hoa. Đồng thời khi chúng ta chăm sóc những hành động mang lại lợi ích cho mình và người chính là ta đang nuôi dưỡng những đóa sen vươn lên khỏi mặt nước, để hoa hạnh phúc rực nở giữa đầm lầy bùn nhơ của những điều quấy ác, khổ đau của cuộc đời. Vì lẽ đó mà bậc Chánh Biến Tri đã chỉ dạy rằng:

“Hoa sen mọc trong bùn, sống trong bùn nhưng vượt lên khỏi nó để hướng đến mặt trời mà không bị bùn làm ô nhiễm. Cũng giống như thế, một người sanh ra trong thế giới, tồn tại trong cuộc đời nhưng vượt thoát khỏi tham lam, sân hận, và không bị nhiễm ô bởi cuộc đời”.

Một tinh thần tự cường, nỗ lực để vươn lên và hướng đến ánh mặt trời nhằm dâng tặng sự thanh khiết, không nhiễm ô cho đời. Con người cũng thế, tuy sinh ra trong cõi hồng trần đầy gió chướng nhưng chúng ta cũng có thể hướng về mặt trời chân lý để biến những cấu uế, nhiễm ô do tham sân si chỉ huy thành suối nguồn tươi mát của sự an vui, giải thoát như những bậc Thánh nhân không bị những cấu uế bùn nhơ nhiễu loạn. Hơn thế, địa vị này ai ai trong chúng ta cũng đủ và thừa khả năng để đạt đến nếu biết thực nghiệm đời sống hướng thượng. Và đặc biệt hơn, hoa sen chỉ có biết dâng tặng những tinh hoa, thanh khiết của mình cho đời, chứ không hề có ý niệm đòi hỏi, phân bua tại sao cuộc đời cho mình toàn bùn nhơ, nước đục mà ngược lại mình phải dâng tặng những tinh ba cho cuộc sống kia chứ. Hoa đã thể hiện tinh thần dâng tặng thật cao đẹp, nên mỹ từ “Quân Tử” phần nào đó vẫn chưa tương xứng với nét đẹp thanh cao mà hoa đã thể hiện. Cho nên mới nói hoa sen đã dạy cho cuộc đời bài học về sự nỗ lực vươn lên và dâng tặng suối nguồn tươi mát.

Chính vì vậy mà hoa sen đã trở thành biểu tượng cho cái đẹp, cái hoàn thiện của cuộc sống và chúng hình thành nét văn hóa thiên nhiên được mọi người ưa thích. Điều này đã minh chứng qua những hồ sen hiện diện khắp mọi nơi để tô điểm thêm cho cảnh quan thiên nhiên, cũng như chúng đã được các nhà nghệ thuật, mỹ thuật yêu thích và lấy làm chủ đề sáng tác để thể hiện sự thanh cao, hoàn mỹ. Chính cái đẹp thanh cao, cùng tinh thần dâng tặng ấy đã giúp cho hoa sáng ngời trong cuộc sống.

 

Huệ Phước (ĐPKS)

Các tin tức khác

Back to top