Tâm hiếu trong dòng chảy văn học dân gian Việt Nam

26/06/2013 3:35
“Đêm đêm khấn vái Phật Trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con”

Hiếu kính mẹ cha là một truyền thống rất tốt đẹp và rất lâu đời của dân tộc ta. Truyền thống đó từ xa xưa được gìn giữ, tô đắp và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày nay. Điều đáng nói cái cốt lõi của truyền thống đó là Tâm hiếu khi trôi chảy vào đời sống văn học dân gian thì trở thành những câu ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, truyện cổ có nội dung hiếu hạnh…làm chất nuôi dưỡng tâm thức con người vận hành theo chiều hướng thăng hoa, hạnh phúc:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con”

           Rõ ràng, sống có hiếu hạnh là sống theo đạo lý làm người trước khi làm Thánh, làm Phật. Cho đến khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, thì tâm hiếu hoá thành tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Hay nói cách khác mỗi khi con ngươi thực thi tâm hiếu, hạnh hiếu thì tự thân sẽ giải thoát khổ đau. Từ đó, văn học dân gian lại thi vị hoá đạo lý đó bằng câu ca dao như một thông điệp khát vọng sống hạnh phúc, nối kết truyền thông cái văn hoá tình người:

           “Đêm đêm khấn vái Phật Trời,

            Cầu cho cha mẹ sống đời với con”

Từ triết lý hiếu hạnh đó, ta bắt gặp những truyện cổ, truyền thuyết dân gian Việt Nam cứ tuôn chảy vào tâm thức người Việt Nam qua những áng văn chương bất hủ. Nếu văn học Phật giáo Ấn Độ được dân gian hoá có truyền thuyết Mục Liên cứu độ mẹ thoát khỏi cảnh địa ngục lầm than, thì văn hoá Phật giáo Việt Nam cũng được dân gian hoá bằng truyền thuyết Chữ Đồng Tử hiếu thảo mẹ cha qua hình ảnh chiếc khố để đời ngẫm nghĩ mãi hoài. Câu chuyện đó được ghi vào kho tàng văn học dân gian qua “Lĩnh Nam trích quái” như sau:

Tương truyền, tại làng Chử Xá, có người tên là Chử Vi Vân, sinh được người con trai tên là Chữ Đồng Tử. Hai cha con sống với nhau đều có bản tính từ hiếu. Một thời, nhà lâm đại nạn, tài sản tiêu tan, chẳng còn gì cả, duy nhất chỉ còn một cái khố. Cha con phải thay nhau mặc khi phải ra đường tiếp xúc với mọi người. Đến khi người cha bệnh nặng, gần chết liền trối trăn Chữ Đồng Tử hãy giữ lại cái khố để mặc, còn chôn cha khoả thân. Chữ Đồng Tử không đành lòng để cha nằm trong lòng mộ mà không có cái khố che thân, nên chôn khố theo cha, thể hiện tấm lòng hiếu thảo mà mình có thể làm được trong hoàn cảnh tang thương này. Thế là từ đó, Chữ Đồng Tử khoả thân sống như thời nguyên thuỷ dọc theo bờ cát….

Chưa dừng tại đó, câu chuyện còn khắc hoạ nhân vật Chữ Đồng Tử kết hôn được với nàng công chúa Tiên Dung cao sang quyền quý giàu có nhất, nhờ không có cái khố che cái thân. Số là vào một ngày đẹp trời công chúa giăng màn che để tắm trên bải biển đúng vào cái chỗ Chữ Đồng Tử núp mình dưới cát. Thái giám và thị nữ múc nước vào cho công chúa tắm làm lộ nguyên hình Chữ Đồng Tử. Thế là cả hai nên vợ chồng do nhân duyên tiền định. Từ đó Chữ Đồng Tử trở thành người giàu có, buôn bán khắp nơi. Cho đến một hôm, Chữ Đồng Tử gặp nhà sư Nhật Quang tại núi Quỳnh Viên và được Sư tặng một cái gậy, cái nón với lời dặn “Mọi việc linh thông từ đó”. Quả thật, sau đó vợ chồng Chữ Đồng Tử khai hoang được vùng đất mới để an cư lạc nghiệp. Vua Hùng Vương tưởng vợ chồng này lập cát cứ mới nên cho quân tới dò xét. Trong một đêm, Chữ Đồng Tử hoá phép thần thông, thiết lập lâu đài, thành quách, quân bình rầm rộ. Vua cho người điều tra thực trạng ra sao, hoá ra đó là vợ chồng Chữ Đồng Tử trước kia mình từng xua đuổi. Điều lạ lùng, sau đó thành quách cũng tự động biến mất….

Câu chuyện còn dài, nhưng điểm nhấn vẫn là cái khố để nói lên cái đạo hiếu mà người con thể hiện đối với người cha trong một hoàn cảnh cực kỳ thật khó khăn nhất, bi hùng nhất. Nếu bỏ các chi tiết, hoạt cảnh mang tính hoang đường, huyền thoại, cốt truyện vẫn mang tính hiện thực, sinh động và tính hấp dẫn nghệ thuật của triết lý của nội dung câu chuyện. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, càng đọc càng ngẫm nghĩ thì thấy triết lý đạo hiếu mà cha ông dạy cho chúng ta thật là hiện thực và giá trị. Nó không chỉ có ý nghĩa nhân văn mà còn có giá trị giải thoát tâm linh cao cả.

Thứ nhất, tất cả mọi con người sinh ra đều có các nhu cầu tồn tại và phát triển. Con người phải luôn đối diện với sự thật vô thường là điều tất nhiên. Cũng chính quy luật này mà các thiền sư nói “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Nhưng dân gian không nói chuyện vô thường như thế mà đã tạo dựng cốt chuyện bằng hình ảnh sống động, qua chi tiết đắt giá. Chỉ sau một thời lâm nạn, cả hai cha con trắng tay, còn lại một cái khố được xem như là gia sản còn sót của mình. Phải chăng, dân gian đúc kết hình ảnh này bằng thành ngữ “Nghèo rách mồng tơi” hay “Nghèo đến nỗi không có mảnh đất cắm dùi”. Rõ ràng, câu chuyện cố đẩy đưa cho người đọc hiểu rằng trong chỗ tận cùng. Chính trong chỗ tận cùng của quy luật vô thường mà cha con Chữ Đồng Tử gánh chịu, đạo hiếu được thực thi và thăng hoa. Kinh Phật thường mô tả đạo hiếu qua nhiều hình ảnh sinh động giữa cha mẹ đối với con cái và ngược lại con cái đối với cha mẹ thật cảm động. Như hình ảnh cha mẹ nhường chỗ cho con nằm “bên ráo con nằm, bên ướt mẹ lăn, hoặc con cái phụng dưỡng cha mẹ thật hiếu hạnh “một vai cõng mẹ, một vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm, cũng không đủ công đức trả ơn cho cha mẹ”. Còn trong truyện dân gian, sự thể hiện đạo hiếu bằng nhường chỗ cho nằm, hay nhường cơm sẻ áo được thay thế bằng hình ảnh nhường khố cho nhau khi còn hiện hữu và ngay cả khi cha lìa trần. Thật là ấn tượng khó quên.

Gia sản “cái khố” đó được người cha di chúc cho con để mà mặc, nhưng người con vẫn liệm cho cha như thể hiện tấm lòng chí hiếu cao cả nhất, trong một hoàn cảnh bi kịch nhất. Rõ ràng, dù trong môi trường nào, hoàn cảnh nào đi nữa, thì tâm hiếu của con người cũng được vận hành, và sự vận hành đó còn mang cả giá trị nhân văn, cao cả nữa. Đây chính là cốt lõi của đạo hiếu mà cha ông ta dạy cho con cháu đời sau. Người ta thường nhầm tưởng chỉ khi mình giàu có mới cung phụng cha mẹ để báo hiếu. Thực tế, không phải thế, sự hiếu thảo không dung chứa yếu tố của sự giàu nghèo.

           Thứ hai, câu chuyện dẫn dắt người đọc, cũng nhờ nhân duyên liệm tẩm cái khố cho cha, chấp nhận mình trần truồng mà Chữ Đồng Tử được gặp quả báu tốt lành tưởng chừng như là giấc mơ!. Gặp người vợ thật cao sang, giàu có quyền quý. Câu chuyện có vẻ như huyền thoại, nhưng cũng thi vị đầy chất lãng mạn, mang cả thông điệp giá trị tình người cao thượng. Trong hoàn cảnh bi kịch tận cùng như thế, tâm hiếu vận hành tới đâu thì giá trị thăng hoa càng tỷ lệ thuận tới đó. Tính logic của câu chuyện cho phép ta giả định, nếu không có sự chôn cái khố cho cha thì làm sao kết duyên được với công chúa? Chính tâm hiếu vận hành mà công chúa trở thành người vợ hiền của Chữ Đồng Tử. Họ là một cặp vợ chồng hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi và giàu có mỹ mãn.

           Thứ ba, nhờ đạo hiếu thực thi mà Chữ Đồng Tử có nhân duyên gặp Phật pháp, được sư Nhật Quang tặng cho cây gậy và cái nón và thông điệp “Mọi chuyện linh thông đều ở đó”. Họ đã khai sáng ra vùng đất nước mới, làm ăn phát đạt, rồi hoá hiện thành quách nguy nga…. Nhưng chỉ sau một đêm, tất cả đều biến mất. Rõ ràng, đỉnh cao của tâm hiếu là tâm giải thoát, hình ảnh lâu đài thành quách tự hoá hiện rồi tự biến mất, nó minh chứng cho sự “Hoá Thành” trong kinh Pháp Hoa.

           Vậy là câu chuyện hiếu thảo của Chữ Đồng Tử trở thành tấm gương hiếu hạnh lưu truyền trong dân gian. Cái gì lưu truyền trong dòng chảy văn học này đều là sự đúc kết từ thực tiễn đời sống, được trải nghiệm trong cuộc sống thường nhật. Cái đạo lý hiếu thảo được cha ông thiết lập ngay trong những môi trường, hoàn cảnh, tình huống cực kỳ khó khăn, mang thiết thực, cụ thể. Nó đặt con người trong mối quan hệ tương thân, tương ái trong những thời điểm sống còn để xử lý và vượt thoát khổ đau. Có thể nói nơi nào tâm hiếu vận hành nơi đó có hạnh phúc thật sự. Chính trong khổ đau con người đẹp hẳn hơn nhiều. Đây cũng chính là giá trị tình Người, mang tính nhân văn cao cả nhất. Từ khởi điểm này, hạnh hiếu mang thông điệp giá trị giải thoát khổ đau mà con người mong chờ.

           Vu lan là dịp con người thực thi hiếu hạnh. Hiếu hạnh phải thực thi ngay trong đời sống thường nhật và trong mọi hoàn cảnh, tình huống cụ thể đối với cha mẹ, anh em, bà con, xóm giềng, những người quanh ta. Dù xuất gia, hay tại gia, trong cương vị nào, giàu hay nghèo đều cũng thực thi tâm hiếu một cách tốt đẹp cả. Đây chính là thông điệp hiếu hạnh mà câu chuyện truyền thuyết dân gian Việt Nam muốn gởi đến chúng ta. Hơn nữa Phật dạy “Vô thuỷ luân hồi, tất cả chúng sinh đều là cha, là mẹ, là anh, là chị, là em, là bà con quyến thuộc của chúng ta”. Vậy, ngay từ bây giờ hãy sống và nghĩ thực thi hạnh hiếu không chỉ đối với ông bà Tổ tiên, cha mẹ mà ngay cả mọi người mà hằng ngày chúng ta giáp mặt.

TT Thích Phước Đạt

Các tin tức khác

Back to top