Nụ Cười An Lạc của một con người!

16/01/2013 4:36
"...Khi vừa thức dậy, bạn hãy nhớ là bạn đang bắt đầu một ngày mới. Lúc đó bạn hãy lắng nghe tiếng con chim đang hót, hay nhìn một tia nắng xuyên qua khe lá, cửa sổ... Thế là bạn đã có thể mỉm cười rồi...!"

“Thức dậy miệng mỉm cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi,
Xin nguyện sống trọn vẹn,
Mắt thương nhìn cuộc đời”.

Tôi nhận thấy đây là một bài kệ hay, nên cũng xin chép ra để tặng bạn mà cũng để tặng tôi.

1. “Thức dậy miệng mỉm cười”: Sáng sớm thức dậy mở đầu bằng một nụ cười, phải chăng đó là thái độ khôn ngoan của người biết sống? Nụ cười đây, phải chăng là nụ cười của ý thức quyết tâm muốn sống sao cho trọn vẹn trong 24 giờ có ý nghĩa? Và nụ cười ban mai hồn nhiên, trong sáng, là nụ cười trong tỉnh thức? Tâm có tỉnh thức thì ta mới thanh tịnh và có an lạc?...

Có lẽ hỏi là đã trả lời: nụ cười đây chính là nụ cười của thái độ sống trọn vẹn của một ngày:

2. "Hăm bốn giờ tinh khôi": Hai mươi bốn giờ trong một ngày thật đầy ý nghĩa. Nó thật hồn nhiên, tươi đẹp không vướng bận chút muộn phiền ưu tư. Nhưng ta đã bao nhiêu lần để cho 24 giờ trôi qua trong quên lãng?!!!... Ta đã làm gì cho đời ta có ý nghĩa? Ta hãy suy nghiệm đi và hãy tìm cho ra ý nghĩa của nụ cười!...

Đó chính là thái độ sống đích thực mà ta cần thực tập.

3. "Xin nguyện sống trọn vẹn": Nhưng vấn đề là làm sao để ta nhớ được và mỉm cười vào đúng lúc thức dậy đây? Bằng phương tiện nào?

Chúng ta hãy thử một lần thực tập như thế này xem: Khi vừa thức dậy, bạn hãy nhớ là bạn đang bắt đầu một ngày mới. Lúc đó bạn hãy lắng nghe tiếng con chim đang hót, hay nhìn một tia nắng xuyên qua khe lá, cửa sổ... Thế là bạn đã có thể mỉm cười rồi! Khi ấy bạn đã có thể dễ dàng cảm nhận được nụ cười của bạn: nó đến một cách hồn nhiên, vô tư. Và nếu không quán sát kỹ, thì bạn sẽ rất dễ có thể không biết nó đến và đi từ lúc nào!

4. "Mắt thương nhìn cuộc đời": Ý câu này thơ này được chuyển dịch từ phẩm Phổ môn của kinh Pháp Hoa: “Từ nhãn thị chúng sinh”. À, thì ra phải biết thương yêu mới biết nhìn đời! Và có thể nói ngược lại, có biết nhìn đời mới biết thương yêu: Bồ-tát Quán Thế Âm luôn tu theo hạnh đại từ bi, tức là dùng tình thương làm tiêu điểm. Vì thế mà Ngài luôn dùng con mắt trí tuệ được soi rọi bởi tình thương để nhìn mọi loài, nên cái nhìn của Ngài thật vô cùng tuyệt diệu! Vì thế mà chúng ta luôn nhớ rằng: Tình thương chính là sự cởi mở, dung hoà để vun đắp cho đời sống tỉnh thức thiết thực nhất. Nên tình thương vừa là nhân mà cũng vừa là quả của tỉnh thức; tỉnh thức vừa là nhân mà cũng vừa là quả của tình thương. Đấy là tự nhiên của một đời sống hạnh phúc an lạc.

Nhưng thực hiện tình thương hữu hiệu nhất, có lẽ theo tôi, chỉ đơn giản như thế này thôi: Chúng ta phải biết đặt hoàn cảnh của mình vào hoàn cảnh của người khác. Có như thế thì chúng ta mới hiểu họ một cách dễ dàng được. Và tình thương đó đúng nghĩa thì nó cũng phải được trải qua một thời gian học tập, rèn luyện, cũng như trau dồi đạo đức. Nếu chúng ta ý thức được tình thương ấy, thì chính nó sẽ giúp cho ta loại trừ đi những tâm lý kiêu căng, ngã mạn và hẹp hòi, ích kỷ; mọi phiền não cũng từ đó mà tan biến.

Vì thế mà ý nghĩa tình thương cũng là ý nghĩa của người giác ngộ và cũng đồng nghĩa với bản chất đích thực của nụ cười vậy. Và mong rằng, mỗi một chúng ta thực tập được và sống đúng với nụ cười an lạc ấy.

Các tin tức khác

Back to top