Một: hiểu cái điều định nói, hiểu cả cái ngược lại với điều định nói.
Hai: chắc chắn có người nghe, dẫu người nghe ấy ở cách xa ba trăm dặm.
Ba: chắc chắn có người hiểu, dẫu người hiểu ấy ba trăm đời nữa mới sinh.
Kĩ lưỡng đến như thế, vậy mà ngài từng nói suốt ba mươi năm ròng rã. Một hôm, có kẻ cuồng sĩ nước Sở tìm đến trỏ ngài mà bảo:
“Phu Tử có phải là người duy nhất ở đời này bị thừa ra không đấy? Phu Tử đúng là thừa rồi“.
Nói xong bỏ đi ngay, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Quá thừa! Quá thừa!“. Tử Lộ bèn vào hỏi:
“Gã cuồng ấy nói thừa, thừa cái gì đấy thưa thầy?“.
Khổng Tử trả lời:
“Gã bảo ta là người thừa ra ở đời này thì đúng quá, đúng quá. Đời nào mà chẳng có người như thế. Ta chính là đã gánh hộ một suất thừa ra ấy cho thiên hạ. Nhưng bảo ta là người duy nhất thì chưa lấy gì làm chắc“.
Tử Lộ nổi giận nói:
“Vậy thầy hãy chỉ cho biết, cần phải đập chết bao nhiêu (thằng) trong đời này, khiến thiên hạ trông thấy phải run mật khiếp sợ, thì thầy mới khỏi bị thừa ra?“.
Khổng Tử bảo:
“Dùng một vạn cái dũng của ngươi, đi đập chết cả thiên hạ này, biến thiên hạ thành một bãi tha ma. Rốt cuộc ta thừa vẫn cứ thừa. Sức (hiểu) của anh Do (Tử Lộ) không vượt quá nổi đời này“.
Tử Lộ ra. Tử Cống bước vào hỏi:
“Gã cuồng ấy nói thừa, thừa cái gì đấy thưa thầy?“.
Khổng Tử trả lời:
“Gã bảo ta là người thừa ra ở đời này thì đúng quá, đúng quá. Đời nào mà chẳng có người như thế. Ta chính là đã gánh hộ một suất thừa ra ấy cho thiên hạ. Nhưng bảo ta là người duy nhất thì chưa lấy gì làm chắc“.
Tử Cống hăng hái nói:
“Vậy thầy hãy chỉ cho biết, cần phải gom bao nhiêu của cải trong đời này, khiến thiên hạ trông vào phải tối sầm mắt lại, thì thầy mới khỏi bị thừa ra?“.
Khổng Tử bảo:
“Dùng mười vạn cái khôn của ngươi, gom bằng hết của cải trong đời này, biến cả thiên hạ thành một lũ khố rách áo ôm. Rốt cuộc ta thừa vẫn cứ thừa. Sức (hiểu) của anh Tứ (Tử Cống) không vượt quá nổi đời sau“.
Tử Cống ra. Tăng Tử bước vào hỏi:
“Gã cuồng ấy nói thừa, thừa cái gì đấy thưa thầy?“.
Khổng Tử trả lời:
“Gã bảo ta là người thừa ra ở đời này thì đúng quá, đúng quá. Đời nào mà chẳng có người như thế. Ta chính là đã gánh hộ một suất thừa ra ấy cho thiên hạ. Nhưng bảo ta là người duy nhất thì chưa lấy gì làm chắc“.
Tăng Tử buồn bã nói:
“Vậy thầy hãy chỉ cho biết, cần phải tỏ cái đạo hiếu cao đến mức nào, khiến thiên hạ trông vào phải che mặt xấu hổ, thì thầy mới khỏi bị thừa ra?“.
Khổng Tử bảo:
“Dùng trăm vạn cái hiếu của ngươi, trải ra khắp thiên hạ này, biến thiên hạ thành một lũ con ngoan, suốt đời chỉ biết vâng dạ. Rốt cuộc ta thừa vẫn cứ thừa. Sức (hiểu) của anh Sâm (Tăng Tử) chẳng qua trong khoảng ba đời“.
Tăng Tử ra. Nhan Hồi bước vào hỏi:
“Gã cuồng ấy bảo thầy là người thừa trong thiên hạ có phải không?“.
Khổng Tử trả lời:
“À té ra là anh đã biết. Ta thừa ra ở đời này hay đời này là thừa với ta, cũng như ta quá chật với thiên hạ này hay thiên hạ này là chật chội với ta thì chưa biết được. Thiên hạ còn ai nghe nữa không? Còn ai hiểu nữa không? Nhưng nếu bảo ta là người duy nhất thì chưa lấy gì làm chắc“.
Nhan Hồi thản nhiên bảo:
“Thiên hạ đang vô đạo, sự tầm thường, giả dối đã dâng đến tận trời. Vua quan rặt một lũ chó má, vừa đểu cáng, vừa bịp bợm, lại suốt ngày lôi những thứ tư tưởng, chủ nghĩa vớ vẩn nào đó từ sọt rác ra để ngụy trang cho cái bản chất kẻ cướp của mình. Bọn kẻ sĩ thì hèn hạ, tiểu nhân, cả đời chỉ biết theo đuôi chính trị. Những loại trí thức, đỗ đạt thì kiêu ngạo, u tối. Bàn đến danh lợi, mặt ai cũng tươi tắn, khôn ngoan. Nhưng hễ động bàn đến chữ nghĩa, văn chương thì lập tức mặt đần ra như mặt cái người cả đời chưa bao giờ đọc sách… Thế mà thầy còn đem đạo lý ra để nói, thì dẫu có bị mắng là người thừa, cũng vẫn còn nhẹ đấy…“.
Khổng Tử hỏi:
“Ngươi đúng là đã biết tại sao rồi chứ?“.
Nhan Hồi tiếp tục trả lời:
“Thầy sở dĩ nói đạo lý, chính vì đã hiểu hết cái vô đạo lý trong thiên hạ này. Song đạo lý đâu chỉ nói cho một đời. Đạo lý dẫu thừa ở đời này, chưa chắc đã thừa ở đời sau. Thừa ở đời sau, chưa chắc đã thừa ở đời sau nữa… Cứ như thế, đạo lý nếu có bị thừa ra, thì cũng chỉ thừa với một đời cụ thể, không bao giờ thừa với muôn đời. Biết đâu ba trăm đời nữa, thế nào chẳng có kẻ hiểu ra…“.
Khổng Tử nghe đến đó, đang ngồi bỗng đứng bật ngay dậy, giơ hai tay, ngửa mặt lên trời mà than rằng:
“Hỡi con người họ Nhan kia, ngươi có phải là kẻ biết nghe không đấy. Sức (hiểu) của ngươi đúng là để ở chỗ của muôn đời. Ta thà làm kẻ đánh xe cho nhà ngươi, còn hơn làm thầy của lũ đế vương trong thiên hạ. Đúng là từ khi nhận thấy mình như bị thừa ra, thì ta cũng biết ngay rằng không phải ta là người duy nhất…“.
Trích Luận Ngữ Tân Thư
Các tin tức khác
- Trong cuộc đời này chúng ta có quyền chọn lựa gì không? (11/12/2014 11:47)
- Hãy Ngừng Tay Sát Hại ( 9/12/2014 1:57)
- Ở đời và đi tu khác nhau điểm nào? ( 8/12/2014 6:04)
- Tri túc bất nhục ( 8/12/2014 5:21)
- Chăn nuôi có phải nghề tà mạng? ( 6/12/2014 12:49)
- Đàn kiến và bức tường ( 5/12/2014 11:37)
- Không một dấu vết (30/11/2014 12:23)
- Danh sư Chu Văn An (28/11/2014 6:37)
- Vua Lê Hiến Tông và bát canh của người thầy (28/11/2014 6:32)
- HIỂN VINH DÒNG HỌ (28/11/2014 2:17)