Danh sư Chu Văn An

28/11/2014 6:37
Nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An (1292 – 1370) là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch.

Vua Trần Minh Tông (1300 – 1357) đã mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai.

Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học, viết sách.

Vào những dịp trong triều có lễ hội lớn, ông vẫn được đón về kinh tham dự. Một lần vua Dụ Tông giao cho ông coi việc chính sự, ông từ chối. Biết tin này, bà Hoàng Thái Hậu (tức bà nội vua), nói với những người xung quanh: “Bậc sĩ phu sửa mình trong sạch, dẫu thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Sao có thể đem bổng cao chức trọng mà dụ dỗ người ta…”. Vua sai nội thần mang áo đến ban tặng, ông tạ ơn xong rồi đem cho người khác. Ai cũng khen cái phong độ của ông là cao thượng.

Khi Trần Nghệ Tông (1370-1372) lên ngôi, Chu Văn An ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng không nhận chức tước gì, rồi trở về núi cũ. Đông đảo học trò theo tiễn có hỏi:

- Từ nhà vua đến đông đảo các sĩ phu và quan chức đều là học trò của thầy, sao thầy không ở lại để đảm đương một trọng trách? Thầy coi thường những chức tước của triều đình lắm sao?

Nhà giáo Chu Văn An nói:

- Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì. Các con có nhớ Đức Thái Tông triều Trần ta đã nói gì khi Trần Thủ Độ mời người trở lại làm vua không? Ngài nói: “Nếu làm vua mà làm cho dân giàu, nước mạnh thì hãy làm. Còn ngôi vua ư? Ta coi ngôi vua như chiếc dép rách mà thôi!”


Theo Kiến Thức

Các tin tức khác

Back to top