Ai cũng có thể thành Bụt?

19/12/2014 12:36
Hỏi: Bụt nói rằng ai cũng có thể trở thành Bụt. Xin Thầy giải thích tại sao Bụt nói như vậy?

Sư ông Làng Mai trả lời:

Trong kinh nói: Người nào cũng có thể thành Bụt. Bụt là gì? Bụt là một con người nhưng có nhiều chất liệu của hiểu và thương. Hiểu là trí tuệ, thương là từ bi. Trong chúng ta ai cũng có cái hiểu và cái thương, nhưng có thể hiểu và thương của ta còn ít quá. Chúng ta hiểu mình chưa đủ, và khi chưa hiểu được mình thì làm sao mà hiểu được người khác. Chúng ta có những nỗi khổ niềm đau mà ta chưa hiểu và nhận diện được thì làm sao ta có thể hiểu được nỗi khổ niềm đau của người kia.

Ta có cái hiểu nhưng cái hiểu đó chỉ lớn bằng hạt đậu phụng trong khi cái hiểu của đức Thế Tôn thì rất lớn. Ngài hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính Ngài. Ngài hiểu được nỗi khổ niềm đau của con người và của muôn loại. Tại vì có hiểu và thương nhiều nên hạnh phúc cũng rất nhiều. Khả năng hiểu và thương được gọi là Phật tính. Người nào cũng có Phật tính, nhưng ta phải tu tập hàng ngày để cái hiểu và thương đó mỗi ngày mỗi lớn lên. Chúng ta phải đặt câu hỏi:”Hôm nay cái hiểu và thương của tôi có lớn hơn hôm qua chút nào không?” Nếu nó không lớn hơn là ta giẫm chân tại chỗ. Trong sự liên hệ vợ chồng ta có thể hỏi:”Này anh, anh có thấy cái hiểu và thương của em có lớn hơn ngày hôm qua không? Anh nói thật đi!”

Là một người tu thì mỗi ngày cái hiểu và thương của mình phải lớn lên. Mình phải giúp nhau, mình có thể giúp cho người kia hiểu thêm và thương thêm. Hạnh phúc tùy thuộc vào cái hiểu và cái thương. Mình chế tác cái hiểu và cái thưong cho mình và giúp người kia chế tác cái hiểu và cái thương. Người kia có thể là con hay là bố của mình.

Bây giờ mình cũng đã là Bụt rồi nhưng là Bụt rất nhỏ. Khi nào cái hiểu và cái thương của mình lớn thì mình mới thật sự là Bụt lớn. Mỗi người đều có khả năng làm cho cái hiểu và thương trong con người mình lớn lên. Vì vậy cho nên trong kinh nói người nào cũng có khả năng thành Bụt. Nếu có thì giờ tu thì mỗi hơi thở, mỗi bước chân có thể giúp cho cái hiểu và cái thương của mình lớn lên hơn. Và mình phải có sự tiến bộ.

Trong chùa có truyền thống “an cư kiết hạ”. Mỗi năm các thầy, các sư cô tu chung với nhau trong vòng 90 ngày để đào sâu và làm lớn lên cái hiểu và cái thương của mình. Đến rằm tháng 7 tức ngày tự tứ thì tính sổ xem thử cái hiểu và cái thưong của mình đã lớn được chừng nào. Trong ngày lễ tự tứ một thầy quì trước một thầy khác và hai thầy đối thoại với nhau:

- Bạch thầy, con đã có cơ hội tu với thầy trong 90 ngày. Xin thầy dạy cho con trong 90 ngày đó con có sự tiến bộ trong sự thực tập hiểu và thương hay không hay là con còn giẫm chân tại chỗ? Xin thầy nói thẳng cho con biết.

Khi được hỏi như vậy người kia sẽ nói thật cho mình biết là mình đã tiến bộ được bao nhiêu. Đó gọi là lễ tự tứ vào ngày rằm tháng bảy. Các thầy, các sư cô, các vị Phật tử được tu 90 ngày có cơ hội trong 90 ngày để làm lớn lên cái hiểu và cái thương của mình.

Mình đừng nên tưởng tượng Bụt là một vị thần linh. Bụt là một con người như mình, nhưng là một người có rất nhiều khả năng hiểu và thương. Vì vậy Bụt không khổ đau nhiều, có khả năng làm hạnh phúc cho rất nhiều người và giúp cho người bớt khổ đau. Có nhiều hiểu biết và từ bi thì quí vị là một người hạnh phúc và quí vị có thể giúp cho người khác bớt khổ và có nhiều niềm vui. Như vậy thì quí vị đã là một vị Bụt gọi là Phật sống.

Ở đời có rất nhiều Phật sống, mình đừng nên coi thường. Có những người không mang danh hiệu Phật tử nhưng họ có cái hiểu và cái thương rất lớn. Ngay trong loài người đã có những vị Bụt và những vị Bồ tát, tuy họ không tự xưng mình là Bụt hay là Bồ tát. Đó là những Bồ tát đại nhân. Vì vậy trong kinh nói “ai cũng có thể thành Bụt”, có nghĩa là ai cũng có thể làm lớn lên khả năng hiểu và thương của mình để cho mình bớt khổ và giúp cho người khác cũng bớt khổ và có niềm vui.

 

Theo Làng Mai

 

Các tin tức khác

Back to top