Lợi ích tu học Phật pháp

2/06/2015 1:53
Hỏi: Vì sao nói tu học Phật pháp, thân thể sẽ được khỏe mạnh?

Đáp: Tất cả mọi người đều mong muốn có nhiều sức khỏe, cường tráng không ốm đau. Người phát tâm tu học Phật pháp chắc chắn được khỏe mạnh. Tại sao? Ngày xưa, lúc chưa biết đạo, chúng ta ăn mặn, sát sinh hại vật rất nhiều. Bây giờ, sau khi đã tu đạo rồi, chúng ta ăn chay từ vài ngày trong một tháng cho đến trường chay, do đó đã tránh được việc sát hại sinh mạng của những con vật đáng thương. Không có một con vật nào tình nguyện đem thân mạng để cho chúng ta giết. Mỗi khi chúng ta cầm dao định cắt cổ, chúng nó vùng vẫy, kêu gào, thậm chí có những con vật chảy nước mắt đầm đìa dường như muốn xin tha mạng.

Người tu học Phật pháp, phát tâm ăn chay kỳ hoặc ăn chay trường sẽ vừa tránh được nghiệp sát và vừa cứu mạng cho những con vật đó. Từ bên bờ của sự chết, mạng sống nhỏ nhoi của chúng được cứu sống, cho nên ân đức “cải tử hoàn sinh” rất lớn. Do cái nhân kéo dài mạng sống cho chúng, nên chúng ta được hưởng quả báo khỏe mạnh sống lâu.

Bên cạnh đó, người ăn chay sẽ được nhiều điều tốt hơn người ăn mặn là vừa tránh được những mầm bệnh truyền nhiễm, vừa tăng cường sức khỏe vừa làm cho cơ thể trong sạch, nhẹ nhàng và vừa làm giảm bớt tội nghiệp do sát hại. Hiện nay, có rất nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng việc ăn chay. Các hàng quán bán đồ chay được mở ra rất nhiều và trong các gia đình cũng vui vẻ thưởng thức nhiều món chay hơn bao giờ.

Các nhà nghiên cứu, bác sĩ làm nhiều cuộc thí nghiệm và nhận thấy rằng ăn chay rất tốt cho sức khỏe, sự tươi đẹp và hòa bình nhân loại, vì vậy họ đã khuyến khích mọi người nên ăn chay nhiều hơn nữa. Ở các nước tiên tiến, giá rau cải thường đắt hơn cá thịt, bởi vì rau cải được trồng ngoài thiên nhiên, hợp vệ sinh và ít mầm bệnh hơn. Trong khi những loài gia súc như heo, gà, vịt luôn có nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho sức khỏe và sinh mạng con người như lở mồm, long móng, cúm và các bệnh truyền nhiễm khác.

Hơn nữa, những người đã ăn chay vài ngày thì cần tiến lên ăn chay trường. Chẳng những không sát hại mà còn phóng sinh để giúp tăng thêm lòng thương xót, từ bi của mình đối với loài vật. Từ chỗ chúng ta có tâm biết thương người, biết yêu vật sẽ làm phát sinh ra nhiều phước báo tốt đẹp. Thân thể ăn uống hợp vệ sinh sẽ nhẹ nhàng, có sự điều hòa cân bằng, dẻo dai, khỏe mạnh và giảm chậm sự suy lão.

Trái lại, “họa tùng khẩu nhập, bệnh tùng khẩu nhập” tai họa từ miệng phát ra, bệnh từ miệng đem vào. Miệng phát ra lời nói sai trật thì thân phải chịu hậu quả đau đớn vì “thần khẩu hại xác phàm”. Miệng ăn đủ thứ hỗn tạp, không hợp vệ sinh hoặc ăn nhiều, không điều độ thì thân thể sẽ bị bệnh.

Trong ăn uống, cần phải lựa chọn những loại thức ăn phù hợp với cơ thể của mình để ít sinh bệnh tật. Nếu biết thêm phần điều dưỡng thì cơ thể sẽ luôn khỏe mạnh, ít ốm đau. Trong lúc ăn, cần phải nhai thật kỹ để tránh cho bao tử không làm việc nhiều sẽ dễ bị đau. Sau mỗi bữa ăn cần phải đi kinh hành chậm rãi và nhẹ nhàng để trợ giúp cho sự tiêu hóa được tốt.

Còn nữa, bệnh không chỉ sinh ra từ cơ thể vật chất mà còn xuất phát từ tâm niệm của mình. Người nhiều lo lắng, suy tư sẽ thường sinh ra nhiều chứng bệnh khó chữa trị.

Tâm làm chủ, dẫn đầu và tạo tác
 
Tâm nhiễm ô, nói làm nhiễm ô
 
Tội khổ theo sau có khác nào
 
Bò kéo chiếc xe theo sau gót.
 
Tâm thanh tịnh, nói làm thanh tịnh
 
Nhân tốt lành sinh quả tốt tươi
 
Hình bóng kia chẳng thể tách rời
 
Sự hạnh phúc, an vui kề cận.

Thật ra, điều này không có gì lạ lẫm, bởi vì trong cơ thể mỗi người, tâm luôn làm chủ, dẫn đầu và tạo tác mọi việc. Cho nên, tâm thoải mái, trong sáng thì có thể vượt qua nỗi lo sợ và ít có bệnh tật. Còn nếu như đã bị bệnh cũng sẽ giảm bớt được hơn một nửa. Nhiều khi chỉ mới bệnh một ít, nhưng vì tâm quá lo sợ, cho nên bệnh nhẹ chuyển thành nặng. Hoặc ngày đêm mãi lo lắng kiếm tiền làm giàu, hoặc phải cố gắng suy tính và làm việc cho bằng với người khác, cho nên thân thể hao mòn, tinh thần suy sụp và ngã bệnh.

Người tu học theo Phật là phải đạt đến chỗ “vô sở úy”, không còn sự lo sợ. Hiểu được chánh pháp của Phật, hiểu được luật nhân quả và nghiệp báo, hiểu được tội phước công bằng, thì chúng ta sẽ bớt được rất nhiều lo sợ. Không ai mong muốn bị bệnh tật quanh năm suốt tháng, những căn bệnh hiểm nghèo mà bản thân đang phải gánh chịu đều là do nghiệp đã tạo trong quá khứ chín muồi tạo thành quả báo. Quá khứ đã tạo ra vô số ác nghiệp, thì kiếp này phải nhận lấy hậu quả. Muốn tránh hậu quả xấu, thì mỗi người cần phải quyết tâm tu hành, nhìn lại nội tâm của mình để sửa chỉnh những cái xấu dở và những việc sai trật của bản thân. Đồng thời chuyển đổi bằng cách ăn chay, mở lòng từ bi thương xót mọi người, thì dần dần nghiệp xấu sẽ tiêu mất, phước lành tăng lên, mà không thể chỉ trong mong vào sự cầu nguyện.

Thích Minh Thành - Theo CHP

Các tin tức khác

Back to top