Thời nhà Tống, ở thôn Tào Nam thành Biện Lương có một chàng tú tài họ Chu tên Vinh Tổ, tên chữ Bá Thành. Nhà họ Chu này nhiều đời làm nghề kinh doanh buôn bán, gia sản rất lớn. Vợ chàng ta là Trương Thị, mới sinh được đứa con trai là Trường Thọ, con còn nhỏ, Chu Tú Tài phải lên đường vào kinh ứng thí. Vì không nỡ xa vợ yếu con thơ nên chàng ta quyết định đem đi theo cùng. Trong nhà có một số vàng bạc ông cha để lại mang đi đường không tiện, chàng ta bèn đào một cái hố ở chân tường sau nhà, đem chôn xuống đấy. Sau đó, tìm một người trông nom nhà cửa rồi lên đường.
Một đêm, người coi nhà ngủ quá say, kẻ trộm lẻn vào lấy hết sạch sẽ mọi đồ vật. Không còn gì để sống, người coi nhà chỉ đành buồn bã luẩn quẩn trong thôn.
Trong thôn có một gã lưu manh tên gọi Giả Nhân. Mọi người đều gọi gã là Cùng Giả Nhi. Hôm đó, Cùng Giả Nhi không có việc gì làm, đi loanh quanh trong thôn. Người coi nhà cho Chu Tú Tài thấy hắn bỗng nảy ý khôn ngoan, nghĩ bụng nhà này bị lấy trộm hết chẳng còn thứ gì có thể bán được nữa, chỉ có bức tường ở vườn sau ta bán lấy tiền tiêu qua ngày. Thế là anh ta gọi Cùng Giả Nhi đến nói chuyện bán bức tường. Cùng Giả Nhi thấy cũng có thể kiếm chút ít nên bằng lòng mua. Mấy hôm sau, Giả Nhân mang búa đến để phá bức tường. Vừa đập được một góc thì thấy lộ ra một tảng đá, dưới tảng đá có một cái vò đựng đầy vàng và bạc, cục lớn cục nhỏ, lấp la lấp lánh trong hố tối. Giả Nhân mừng hú, nghẹn cả thở, vội vàng bỏ hết vàng bạc vào cái sọt xúc đất, trên phủ kín đất cát rồi gánh từng gánh về căn nhà nát của mình đem chôn kỹ.
Chỉ trong một đêm, Cùng Giả Nhi đã trở thành cự phú. Sợ mọi người sinh nghi, hắn bắt đầu làm việc buôn bán lặt vặt, sau đó mua một căn nhà, chuyển số vàng bạc trong căn nhà nát về đó, rồi lấy vợ, mở cửa hàng đàng hoàng, mở tiệm bán tương, tiệm bán dầu, tiệm bán rượu, rồi trở thành nhà buôn lớn trong vùng. Mọi người đều cho là hắn biết cách kinh doanh, đổi cách nhìn với hắn, không gọi hắn là Cùng Giả Nhi nữa mà gọi là Giả Viên ngoại.
Giả Viên ngoại tuy càng ngày càng buôn bán lớn, song không có được mụn con nào, gia tài như vậy mà không có người thừa kế, vì vậy mà buồn bã chán nản. Sau mới bàn với vợ rằng nếu có đứa con trai nhà nào tốt lành thì mua lấy một đứa cũng được. Được vợ đồng ý, Giả Viên ngoại bèn nhờ người quản gia là Trần Đức Phủ đi lo chuyện đó. Trần Đức Phủ lại đi nhờ những người làm công ở các cửa hàng khác.
Lại nói Chu Tú Tài đem vợ con lên kinh ứng thí, do vận khí không may nên thi trượt, khi trở về nhà, nhìn thấy gia tài sạch không, buồn bực quá bèn bán luôn cái nhà, đưa nhau đến nhà bà con ở Lạc Dương. Thế nhưng lại không may nữa, nhà bà con ở Lạc Dương đã dọn đi nơi khác từ lâu. Không làm sao được, chàng ta lại phải mang vợ con quay về Tào Nam.
Lúc này đang lúc mùa đông giá rét, cả nhà không có lấy một đồng xu, chẳng nơi sinh sống, chỉ đành đi lang thang nơi đường phố ngõ xóm. Một hôm, tuyết rơi rất nhiều, ba vợ chồng con cái thật sự không chịu nổi, bèn vào một quán rượu để tránh tuyết. Quán rượu này là của Giả Nhân. Tiểu nhị trong quán này thấy khách vào bèn bưng rượu tới. Chu Tú Tài lắc đầu thở dài nói: “Tôi làm gì có tiền mà uống rượu!”. Rồi kể cho tiểu nhị nghe thân thế cảnh ngộ của mình. Tiểu nhị nhìn thấy con trai của chàng ta chừng năm, sáu tuổi, trông trắng trẻo ngoan ngoãn, liền nhớ đến lời dặn của Trần Đức Phủ, mới dạm hỏi rằng: “Các người có chịu bán đứa trẻ này không?”. Làm cha làm mẹ ai lại nỡ đem ruột thịt của mình mà cho người khác, nhưng Chu Tú Tài nghĩ đi rồi nghĩ lại, nếu như thằng bé gặp được một nhà tốt lành thì chẳng hơn là sống đói rét với mình ư?
Tiểu nhị mới nói chuyện ông Viên Ngoại giàu có nhất vùng này muốn có một đứa con, nếu đem Trường Thọ cho ông ta thì đảm bảo sẽ không bị khổ. Nghe nói thế, Chu Tú Tài bèn chấp nhận.
Tiểu nhị nói cho Trần Đức Phủ biết, Trần Đức Phủ lập tức đem ba người tới gặp Giả Viên ngoại.
Nhìn thấy Trường Thọ, Giả Viên ngoại rất vừa lòng, bèn bảo vợ ôm thằng bé đưa vào nhà trong, rồi bảo Trần Đức Phủ làm giấy chứng nhận, lập một tờ giao kèo. Trong giao kèo qui định: Hai bên đã ký vào rồi thì không được thay đổi, nếu một bên làm trái sẽ phải chịu phạt một ngàn quan tiền. Trần Đức Phủ hỏi: “Thế thằng bé đáng bao nhiêu?”. Giả Viên ngoại nói sẽ đưa tiền nhưng không nói con số chính xác. Chu Tú Tài là người có học, không mặt nào mà đòi cụ thể là bao nhiêu, bèn ký luôn vào giao kèo. Trường Thọ mới năm, sáu tuổi, song hình như nó đã hiểu chuyện mua bán này, cứ ở trong nhà khóc toáng lên. Giả Viên ngoại nói mình phải vào dỗ thằng bé rồi bỏ mặc vợ chồng Chu Tú Tài ở ngoài. Trương Thị cứ gạt nước mắt suốt, còn Chu Tú Tài thì giục Trần Đức Phủ đi đòi lấy tiền.
Trần Đức Phủ vào trong nhà, không ngờ Giả Viên ngoại nói: “Tôi để thằng con ông ta ở lại nhà tôi ăn cơm, lẽ ra là ông ta phải đưa tiền cho tôi mới phải. Nhưng hiện nay họ cùng khốn lao đao như vậy, chắc cũng chẳng đào đâu ra tiền. Thôi đuổi họ đi đi cho xong. Nếu muốn làm ngược lại thì cứ theo bản giao kèo đã ký, phải phạt một ngàn quan”.
Trần Đức Phủ không ngờ Giả Viên ngoại lại lưu manh như vậy, chỉ đành lấy ra hai quan tiền của mình đưa cho Chu Tú Tài. Biết mình đã bị lừa, Chu Tú Tài căm tức nghiến răng nghiến lợi song cũng không làm sao được, chỉ đành cùng vợ ôm mặt khóc mà đi.
Thấm thoát đã qua hơn mười năm, Trường Thọ đã thành chàng trai mười bảy tuổi. Chuyện lúc bé, cậu ta dần dần quên đi, chỉ biết Giả Viên ngoại là cha của mình. Vì nhà có tiền, lại được Giả Viên ngoại chiều chuộng, từ nhỏ đã tiêu pha hoang phí, mọi người đều gọi là “Thằng xả tiền”. Mấy hôm đó, Giả Viên ngoại bệnh nặng, nhân ngày lễ Đông nhạc Thánh Đế, Trường Thọ tới đền Đông nhạc thắp hương và cầu xin cho cha chóng khỏi bệnh. Trước đền Đông nhạc, người tới thắp hương nườm nượp, vô cùng náo nhiệt. Trường Thọ thấy mệt, định ngồi xuống chỗ hành lang sạch sẽ để nghỉ, nhưng có hai vợ chồng ông già tóc bạc lam lũ đã ngồi ở đấy rồi.
Hai người đó không ai khác mà chính là cha mẹ của Trường Thọ. Họ bán con xong, đi lang thang khắp chốn, xin ăn để sống. Hôm nay nhân ngày lễ Thánh Đế, đến đây viết chữ thuê cho người ta để kiếm mấy xu.
Trường Thọ thấy họ nghèo khổ như vậy bèn lên giọng sang trọng quát: “Tránh ra! Tránh ra!”.Chu Tú Tài phải khó khăn lắm mới kiếm được chỗ này, đời nào chịu nhường cho người khác. Trường Thọ bèn sai gia nhân đuổi họ đi. Hai vợ chồng già làm sao chịu nổi đấm đá, chỉ đành ấm ức mà tránh đi.
Khi Trường Thọ trở về nhà thì Giả Viên ngoại đã chết. Một gia tài lớn được kế thừa, Trường Thọ trở thành tiểu viên ngoại.
Lại nói vợ chồng Chu Tú Tài căm tức đầy ruột nhưng chỉ đành đỡ nhau lảo đảo bước đi. Vào một hẻm nhỏ, họ nhìn thấy một cái sạp “Thuốc bố thí”, nghĩ bụng thời buổi này mà lại có người cho không thuốc, bèn bước vào xin thuốc rồi cảm tạ. Ông già chủ sạp nói: “Chẳng phải cảm tạ gì cả, cứ làm cho mọi người biết tên tôi là được rồi. Tên tôi là Trần Đức Phủ”.
Nghe cái tên này quen quá, Chu Tú Tài nhớ lại lúc bán con, chính Trần Đức Phủ là người làm chứng, bèn lập tức hỏi về tình hình Trường Thọ thế nào. Trần Đức Phủ nói: “Chúc mừng, chúc mừng, Trường Thọ vừa được thừa kế tất cả tài sản của Giả Viên ngoại, đã trở thành một tiểu tài chủ nổi tiếng rồi”.
Ông ta lập tức đến nhà họ Giả, đem chuyện mười mấy năm về trước, cha mẹ Trường Thọ bị cùng đường phải bán cậu ta cho Giả Viên ngoại thế nào, đầu đuôi nói hết. Nghe kể, Trường Thọ cũng lờ mờ nhớ lại chuyện xưa, vội đến ngay chỗ sạp thuốc nhận cha mẹ. Ba người nhìn nhau, kinh ngạc đến ngớ người, nhưng cha mẹ thấy con trai trở thành đứa độc ác bắt nạt họ chỗ trước miếu thì giận quá không nói nên lời.
Trường Thọ thấy người bị đuổi trước miếu là cha mẹ ruột của mình thì xấu hổ quá không nơi độn thổ. Cậu ta quỳ xuống xin cha mẹ tha thứ, rồi gọi gia nhân bưng lên một tráp vàng thoi. Chu Tú Tài lòng nào mà nhận tiền của con được. Trường Thọ nói, nếu cha mẹ không nhận cậu ta sẽ quỳ mãi không đứng dậy. Cuối cùng, Chu Tú Tài phải nhận, mở cái tráp ra bỗng thất kinh, thì ra trong tráp có thỏi vàng như viên gạch trên khắc rõ 3 chữ “Chu Phụng Ký”. Chu Phụng Ký là tên ông nội của Chu Tú Tài. Lúc này Chu Tú Tài mới rõ là hơn mười năm trước số vàng bạc mà chính tay mình chôn ở vườn sau đã bị ai đào hết.
Chu Tú Tài đã từ phú gia biến thành nghèo khó, chịu biết bao khổ sở. Giả Nhân đã từ tên kiết xác bỗng giàu có hẳn lên, đến lúc chết lại hai bàn tay trắng. Bây giờ tất cả gia tài quy về chỗ cũ. Ông già họ Trần bất giác cảm khái nói: “Cái gì là của mình thì có đẩy cũng không đi. Cái gì không phải là của mình thì dù có phí bao tâm cơ cũng chẳng thuộc về mình!”.
Trường Thọ biết cha mẹ đã chịu gian lao mười mấy năm trời nên từ đó ăn ở với cha mẹ vô cùng hiếu thuận.
Chu Tú Tài bảo con đem số vàng bạc trong nhà cho hết những người cùng khổ không nơi nương tựa. Còn họ thì sống rất tiết kiệm để không quên cuộc sống mười mấy năm gian khổ khốn cùng.
ST
Các tin tức khác
- Vô ngã, từ bi, trí tuệ và tự tại (18/10/2016 12:37)
- Bài học cuối đời Steve Jobs (18/10/2016 12:29)
- Chuyển hóa cơn giận? (17/10/2016 12:02)
- Chinh phục lòng người (16/10/2016 12:22)
- "Thực tập để sống sâu sắc giây phút hiện tại" – cách để hoàn thiện nhân cách! (14/10/2016 12:03)
- Tại sao Phật giáo Tiểu thừa không cho nữ giới thọ Tỳ-kheo? (13/10/2016 11:29)
- 11 bài học tôi nhận được khi sống ở Nhật Bản (12/10/2016 11:16)
- Hãy buông bỏ sự căng thẳng (12/10/2016 12:23)
- Trong khi thiền, chúng tôi thường nhận thấy tâm trí của mình rất bận rộn? (11/10/2016 12:16)
- Ăn chay như thế nào? (10/10/2016 12:41)