Thực tập yêu thương, hạnh phúc, an lạc để thành chân tăng

19/10/2016 2:11
Hỏi: Từ ý chí đến kết quả còn khoảng cách. Làm sao để những điều hay và giá trị tinh thần cao quý đó phải được lan tỏa vào mỗi con người, chứ hiện nay tỉ lệ thành công chưa cao? Nhiều người đến chùa không phải vì nhu cầu tâm linh thiêng liêng mà chủ yếu vì... mê tín. Họ cầu may để xin thành công trong làm ăn, đôi khi cả làm ăn bất chính.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Nhiều người nghĩ Phật và các vị Bồ Tát là thần linh, nếu mình đến cầu nguyện và "đút lót", cúng cho vị Bồ Tát này mấy chục ngàn đồng, cúng cho vị Bồ Tát kia mấy chục ngàn đồng là mình về sẽ không bị tai nạn hay gặp tai hoạ nào trong cuộc sống nữa. Hiểu như vậy là hiểu lầm về đạo Phật. Nhưng sở dĩ họ hiểu lầm như vậy, một phần cũng là do các thầy, các sư cô và các vị cư sĩ đứng ở cương vị lãnh đạo, nên mình cũng không thể trách cứ những người dân thường được.

Nhiều người lại nghĩ nhầm rằng khi gặp thất bại trong cuộc đời rồi thì mới xuất gia. Ngày xưa, đức SIDDHARTHA xuất gia là bởi muốn tìm tình yêu thương lớn dành cho muôn người, muôn loài. Hay vua Trần Nhân Tông, một vị vua rất yêu nước yêu dân cũng xuất gia, và khi xuất gia rồi vẫn phục vụ cho nước cho dân. Vậy mà có những gia đình thấy con xin đi xuất gia thì cảm giác như đó là một nỗi nhục nhã. Quan niệm thất bại rồi mới đi xuất gia là một quan niệm rất sai lầm.

Quan niệm đó từ đâu tới? Đó là bởi đã có những thời điểm trong lịch sử mình cho chuyện đi tu là duy tâm, mê tín, tư duy không lành mạnh. Chúng ta cũng có một phần trách nhiệm trong sự tư duy như vậy. Tôi nghĩ rằng muốn thay đổi suy nghĩ này thì phải thiết lập những tăng thân - những đoàn thể tu học đúng mức mà trong đó, đạo Phật được thực tập như một nghệ thuật sống, mỗi người thực tập trong tăng thân đều được an lạc, hạnh phúc, được thương yêu. Khi có được những tăng thân như thế ở cả 3 miền để những người quan tâm có thể tới tiếp cận để trực tiếp tiếp xúc và thấy được đạo Phật thật sự mà họ cần phải hướng tới là đạo Phật hiện đại, phù hợp với tuổi trẻ và đời sống mới. Trong đạo Phật, sau khi qui y Phật, qui y Pháp thì còn cần qui y Tăng nữa. Tăng ở đây có nghĩa là "community" - là đoàn thể trong đó có người xuất gia - xuất gia tăng, có người tại gia - tại gia tăng. Khi mình tới với nhau để tu học mà thành công được thì hạnh phúc đạt được rất lớn, Tăng trở thành chỗ nương tựa cho nhiều người.

Quy y Tăng không phải là đặt niềm tin vào một cái gì đó mơ hồ mà Tăng là đoàn thể đang thực tập hạnh phúc, có tha thứ, có vô ngã, có vô thường. Trong Tăng có Phật và có Pháp. Còn Tăng mà có sự ganh tỵ, chỉ có hình thức bên ngoài như cúng lạy thôi mà không có hạnh phúc, không có tha thứ, không có sự tươi mát của tâm hồn và lắng nghe nhau thì đó không phải "chân Tăng", do đó không có Phật và không có Pháp ở đó.

Việc làm của chúng tôi bây giờ là thiết lập những tăng thân ở khắp nơi trên thế giới. Ở Tây phương, chúng tôi đã xây dựng được trên 1000 tăng thân, là nơi nương tựa của không biết bao nhiêu người. Ở mỗi thành phố lớn như London, New York, Los Angeles chúng tôi có trên 10 tăng thân như vậy. Tôi nghĩ, ở Hà Nội cũng nên có ít nhất 10 tăng thân, và mỗi tăng thân phải chứa đựng trong mình Phật-Pháp mang tính đời sống cụ thể hàng ngày. Xây dựng những tăng thân như vậy là công việc cao quí nhất của người Phật tử, tại vì đó là chỗ để con người tới để nương tựa, được che chở và bảo vệ.

 

Theo Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top