Sai lầm của người này là bài học của người khác

6/05/2017 12:31
Trong cuộc sống không có điều gì diễn ra mà không có ý nghĩa đối với con người. Ngay một vở kịch dở, một cuốn sách nhạt nhẽo, nếu biết xem nó, đọc nó, vẫn có thể rút ra những điều bổ ích.
Đặc biệt, một sai lầm, thậm chí một sai lầm nghiêm trọng của ai đó càng có ý nghĩa đối với những người chứng kiến nó, hiểu rõ về nó.

Một sai lầm do chuẩn bị không đầy đủ của ai đó rất bổ ích cho những người tinh thần trách nhiệm còn hạn chế hay tư tưởng chủ quan.

Ta thường mất nhiều thì giờ, tiền bạc và công sức đi tìm nguyên nhân của những hiện tượng không tốt, tìm nguyên nhân tận đâu đâu, những nguyên nhân khách quan, những nguyên nhân có ý nghĩa biện minh rằng: mình không tự gây ra khuyết điểm đó, sai lầm đó, tội lỗi đó.

Hướng suy nghĩ đó, phương pháp tư tưởng đó đã đánh lừa mọi người và ru ngủ mình, làm cho mọi lệch lạc, sai phạm cứ thế  trượt dài.

Con người ta, ai cũng có một góc tối trong tâm hồn; vấn đề là góc tối đó rộng hay hẹp, chủ nhân nó có nhận ra được hình thù của nó, có biết cách kiềm chế, biết cách xóa bỏ nó không bởi vì "Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mính".

Thành ngữ của phương Đông "Sai lầm của người này là bài học của người khác" là rất chính xác. Tất nhiên, nhấn mạnh điều này không hề có ý nghĩa khuyến khích mắc sai lầm. Bởi một trong những yêu cầu hạnh phúc của con người là ít mắc sai lầm và đạt nhiều thắng lợi.

Nạn thiếu biết những điều cần và thừa biết những điều không cần

Trong cuộc sống, con người cần phải biết những điều cần thiết để làm người, để làm một công dân tốt, để làm một nhân lực trong công cuộc xây dựng xã hội phồn vinh. Song trong cuộc sống cũng có những điều không cần biết, không nên biết ( như những điều riêng tư của người này người khác, những điều bí mật của ngành nọ ngành kia, cấp nọ cấp kia...); ngay cả những điều vô hại mà chẳng có lợi gì cũng chẳng nên biết. Trí nhớ của con người có hạn, khả năng ghi nhận giải mã thông tin của con người... có hạn; hãy dành chỗ trong bộ nhớ cho những tích lũy có ích.

Con người là tinh hoa của muôn loài nhưng con người cũng là một thực thể phức tạp. Sự hình thành tính cách và mức độ tài năng phụ thuộc không ít vào hướng và cách trau dồi tiềm năng hiểu biết.

Trong cuộc sống sôi động và muôn hình muôn vẻ hiện nay, ta thấy có khá nhiều người biết rất ít những điều cơ bản của luật pháp, những nguyên tắc xử thế, những mặt đạo lý trong các mối quan hệ, những tri thức chuyên môn nghề nghiệp... nhưng lại biết rất nhiều, rất nhiều những điều riêng tư của bạn bè. Họ hay tuôn ra làm quà cho nhau những chuyện phiếm trong các cuộc tụ hội ở phòng khách bên bàn nước, ở câu lạc bộ, ở hành lang hội trường... và chính những anh chàng và cô nàng đó lại là những người kém hiểu biết những điều quan trọng cần thiết vì bộ nhớ của họ vì  chẳng có hiểu biết gì đúng đắn đáng giá mà chỉ chứa toàn rác...

Tôi tạm đặt tên cho cái nạn phổ biến này là nạn "thiếu hiểu biết những điều cần và thừa biết những điều không cần".Thực tập loại bỏ những thông tin không cần thiết. Trau dồi kỹ năng suy nghĩ rốt ráo sự việc. Học tập những lỗi sai phạm của người khác để tránh. Đây là một cách sống trí thức. Kinh nghiệm cuộc đời có người phải trả giá rất nặng, người khôn ngoan sẽ tránh được..
 
ST

Các tin tức khác

Back to top