Không có ranh giới đích thực giữa hữu tình và vô tình

18/02/2014 12:07
Ta cần phải thoát khỏi một ranh giới, đó là ranh giới giữa hữu tình và vô tình.

Hữu tình là chúng sinh, vô tình là những cái không phải chúng sinh như đất, nước, lửa, gió, khoáng vật. Vô tình, tiếng Anh là inanimate things). Một thi sĩ người Pháp đã hỏi: Objets inanimés, avez  vous donc une âme? Hỡi các vật vô tri kia, chúng bây có một linh hồn hay không? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một câu tương tự: Làm sao em biết bia đá không đau? Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Những vật vô tri đều có tình trong nó nên không thể gọi chúng là vô tình. Học về lịch sử của trái đất, ta thấy lúc bắt đầu chỉ có các loại vô tình. Trong nước cháo thời nguyên thỉ (primordial soup) từ từ sinh ra các loại hữu tình đơn tế bào. Những sinh vật đơn tế bào sinh ra những sinh vật đa tế bào. Những sinh vật này từ dưới nước bò lên trên đất và trở thành rong rêu, cây cỏ, các loại cầm thú và thành con người. Vì vậy không có ranh giới giữa các vật vô tình và hữu tình.

Hiện nay khoa học khám phá ra những vật mà ta cho là vô tình như những quang tử, những điện tử rất là thông minh. Nó có cái biết ở trong, ví dụ như nhìn vào một hột bắp ta không thể nói hột bắp là vô tình. Trong hột bắp có thức, có tài năng, có cái biết trong đó. Ta chỉ cần gieo hột bắp xuống đất thì nội trong bảy ngày nó biết nẩy mầm thành cây bắp con rồi tiếp tục làm lá, làm hoa và làm trái bắp. Hột bắp không vô tình, nó cũng là hữu tình.

Chúng ta được làm bằng những chất liệu vô tình. Giữa vô tình và hữu tình không có ranh giới đích thực. Vì vậy cho nên đất đá cũng có Phật tánh. Trong Thiền người ta thường hỏi: “Con chó có Phật tánh hay không?”. Không những con chó có Phật tánh mà cục đá kia cũng có Phật tánh.

Chúng ta phải tìm cách vượt thoát ý niệm: Bụt chỉ là một con người. Chúng ta có một bài thiền hướng dẫn: Mời Bụt thở, mời Bụt ngồi. Bài tập rất hay và tôi đã thực tập rất nhiều. Khi ngồi xuống ta nói:

Mời Bụt thở nhẹ,
mời Bụt ngồi yên

Bụt ở đây không phải là một thực tại ở ngoài mình. Ta nói: “Lạy Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy dùng lưng của con để ngồi, xin Ngài hãy dùng phổi của con để thở”. Bụt không phải là một cái ngã. Mỗi khi thở có an lạc, hạnh phúc, bình an là có Bụt. Mỗi khi ngồi có vững chãi, thảnh thơi là có Bụt. Bụt không phải chỉ là người, đồng nhất Bụt với con người là sai. Hễ có vững chãi, an lạc, thảnh thơi là có Bụt. Ta biết rằng Bụt không ngồi thì thôi, nếu ngồi thì Ngài ngồi rất thẳng và thoải mái; Bụt không thở thì thôi, nếu thở thì Ngài thở nhẹ và có ý thức. “Mời Bụt thở, mời Bụt ngồi”, ta đưa hai lá phổi cho Bụt thở, ta đưa lưng cho Bụt ngồi. Khi đó ta bắt đầu vượt thoát ý niệm: Bụt là một thực thể ở ngoài mình. Nếu Bụt thở bằng phổi của mình và ngồi bằng lưng của mình thì Bụt và mình rất là gần.

Bụt đang thở nhẹ, Bụt đang ngồi yên
Mình được thở nhẹ, mình được ngồi yên

Bụt đang dùng phổi của mình để thở, đang dùng sống lưng của mình để ngồi. Nếu Ngài đang thở nhẹ và đang ngồi yên thì mình cũng được thở nhẹ và cũng được ngồi yên. Ta không còn thấy Bụt là một cái gì ngoài mình nữa. Nếu ta thấy nhẹ và yên thì cứ như vậy mà thở. Bài tập này đưa tới thoải mái, hạnh phúc rất nhiều. Ta tiến thêm một bước nữa với bài tập thứ ba:

Bụt là thở nhẹ, Bụt là ngồi yên
Mình là thở nhẹ, mình là ngồi yên

Ta không thể tìm một vị Bụt ở ngoài “thở nhẹ và ngồi yên”. Là Bụt thì phải biết thở nhẹ và ngồi yên. Không biết thở nhẹ và ngồi yên thì không phải là Bụt. Bụt không phải là một hình hài, Bụt là sự có mặt của hơi thở nhẹ nhàng và dáng ngồi bình yên. Ta đi tìm Bụt ở đâu nữa? Ta thấy hơi thở đang nhẹ và dáng ngồi bình yên tức là đã có Bụt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cái nhìn vô tướng về Bụt. Mình cũng vậy, mình không có cái ngã riêng biệt. Mình là thở nhẹ, mình là ngồi yên. Vì vậy cái ranh giới giữa mình và Bụt được xóa liền lập tức.

Bụt là hơi thở nhẹ, Bụt là thế ngồi yên. Mình là hơi thở nhẹ, mình là thế ngồi yên. Như vậy ta và Bụt là một, ta vượt thoát cái nhị nguyên. Đi tới một bước nữa ta đốn ngã cái cây ngã chấp với bài tập thứ tư:

Chỉ có thở nhẹ, chỉ có ngồi yên
Không ai thở nhẹ, không ai ngồi yên

Đó là vô ngã. Có Bụt và có ta, nhưng ta và Bụt đều là hơi thở nhẹ, đều là dáng ngồi yên. Không cần phải có một chủ thể, một cái ngã. Với bài tập thứ tư ta vượt thoát ý niệm về một cái ta đang thở nhẹ và đang ngồi yên. Chỉ có sự thở nhẹ và sự ngồi yên đang xảy ra, mà không cần có một cái ta đang thở nhẹ hay đang ngồi yên.

Chúng ta thường nói: "Gió thổi" hay "Mây bay" hay “Mưa rơi”. Gió đã là thổi rồi, là gió thì không cần phải thổi nữa, nếu không thổi thì không phải là gió. Mưa mà không rơi thì không phải là mưa. Nhìn kỹ ta không thấy có một cái ngã chủ trương thổi hay chủ trương rơi. There is no blower, no rainer, there is only the wind and the rain. Không có Bụt và không có ta như những cái ngã, chỉ có thở nhẹ, chỉ có ngồi yên.

Nhìn về địa cầu của chúng ta, ta thấy địa cầu cũng đang thở nhẹ, cũng đang ngồi yên. Ta không cần phải tưởng tượng Bụt dưới hình dáng một con người. Khi có sự yên tĩnh và an lạc thì có Bụt. Bụt không phải là một chủ thể. Đi tới bài tập thứ năm ta thấy rất rõ:

An khi thở nhẹ, lạc khi ngồi yên
An là thở nhẹ, lạc là ngồi yên

Có an và lạc là tại vì có thở nhẹ và ngồi yên. Không cần phải có người an và người lạc mà vẫn có thể có an lạc. Không cần phải có cái ngã rồi mới có an lạc.

Nói tóm lại chỉ có thở nhẹ, ngồi yên và nhờ vậy có an và có lạc. Không cần có Bụt, không cần có ta mà an lạc vẫn có. Muốn tìm Bụt ta không cần phải trở về Ấn Độ của 2600 năm trước. Ta cũng không cần phải đi vô chùa, tại vì vô chùa ta chỉ thấy tượng Bụt bằng cẩm thạch hay bằng đồng. Nếu thấy Bụt bắt buộc phải là một con người có 80 vẻ đẹp và 32 tướng tốt là ta bị kẹt vì ta đi tìm Bụt qua hình tướng và âm thanh. Nếu ta ngồi yên, thở nhẹ, chế tác hỷ lạc và giải thoát thì ta thấy được Bụt thật mà không phải là Bụt bằng đồng hay bằng đá.

 

Thiền sư Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top