Chuyện đâu còn có đó

18/03/2014 7:37
Cách thức ta phản ứng đã thành một tập khí, một thói quen.

Bây giờ ta tập như thế nào để có được những thói quen mới, những phương pháp đối phó khác, thì mới có thể thoát khỏi tình trạng cũ. Ta tự dặn mình, trong quá khứ ta đã từng có phản ứng gây ra đổ vỡ. Từ bây giờ ta quyết tâm không làm như vậy nữa. Mỗi khi có hoàn cảnh bất như ý xảy ra thì ta không phản ứng liền, ta không để cơn giận làm chủ lấy ta để ta có thể nhìn cho kỹ và nhờ đó ta có thể có một lề lối phản ứng khác. Trong tiếng Việt có câu “Chuyện đâu còn có đó”, tại sao ta phải phản ứng liền? “Chuyện đâu còn có đó, tại sao ta phải hấp tấp?” là tuệ giác của cả một dân tộc.

Tại sao ta phải quyết định liền? Cho phép ta có được ba phút để nhìn lại và ta sẽ biến lối hành xử này thành một thói quen tốt. Tại sao ta phải nói lại một câu, hay phải làm gì đó để phản ứng? Ta có thì giờ, ta phải cho mình một không gian, quý vị hãy thử làm đi!

Nhưng muốn làm được thì ta phải luyện tập. Trước đây ta đã từng sống và phản ứng lại hoàn cảnh một cách máy móc. Từ hôm nay ta không muốn tiếp tục cách sống đó nữa. Ta đặt cho ta những kế hoạch để ta có thể làm hay hơn trong tương lai. Đây là phương pháp thực tập chánh niệm. Chánh niệm là ý thức được những gì đang xảy ra mà không cần phải đi tới một quyết định, không cần phải chối bỏ hay chấp nhận ngay lập tức.

Tư là quyết định muốn làm cái gì đó, muốn phản ứng lại. Thường thường là khi có thọ và tưởng rồi là ta muốn hành động, muốn phản ứng ngay. Nhưng bây giờ ta không muốn đi tới tư liền, ta muốn cho ta một không gian, ví dụ như ta để ra vài ba phút để thở hay để đi thiền hành. Chuyện đâu còn có đó, ta không cần phải gấp gáp. Tuệ giác có thể tới trong những phút đó vì niệm thường đưa tới định và tuệ.

Nếu quý vị đã từng bị sa vào trạng thái trầm cảm và rất sợ phải sa vào lần nữa thì quý vị có thể thực tập phương pháp này. Ta phải biết, phải nhận diện được những gì xảy ra trong tâm của mình. Nếu đó là một tư tưởng có tính cách tiêu cực, bi quan, mặc cảm thì ta biết đó là một tư tưởng tiêu cực, bi quan, mặc cảm. Trước hết ta phải nhận diện và cho nó một không gian, không hẳn là ta phải hành động liền. Khi nhận ra đó là một tư tưởng bi quan, chán nản thì ta nói: “À, đây là một tư tưởng bi quan, chán nản”. Nếu ta cứ quanh quẩn đi theo nó thì ta có thể sa vào trầm cảm. Nếu ta cứ nhai đi nhai lại cái tư tưởng bi quan, buồn giận hay tuyệt vọng đó thì thế nào ta cũng rơi xuống hố trầm cảm. Nhưng nếu trong khi đang nhai đi nhai lại tư tưởng bi quan, buồn nản đó mà ta biết là ta đang nhai thì đã có một cái gì mới xảy ra rồi. Thường thì ta không biết là ta đang nhai đi nhai lại cái tư tưởng bi quan, buồn thảm, sầu khổ đó. Ta bị nó đưa đi. Ma đưa lối quỷ dẫn đường là vậy.

Nhưng khi có niệm là ta biết ta đang nhai lại, mà biết ta đang nhai thì tự nhiên ta hết nhai liền. Ta cho ta một không gian, có thể là ba phút, để ngồi thở hoặc đi thiền hành. Ta cho ta một cơ hội để điều kiện giác ngộ có thể xảy ra. Chìa khóa giúp ta thoát ra khỏi thân phận nô lệ của ta để đạt tới tự do nằm ở chỗ là ta ý thức được cái gì đang xảy ra. Đó là niệm. Đây là một sự luyện tập chứ không phải là một lý thuyết.


Theo Làng Mai

Các tin tức khác

Back to top