Tà định?

3/10/2016 12:18
Hỏi: Tà định là khi định có mục đích bất thiện. Nhưng trong lúc hành thiền không có bất cứ ý niệm bất thiện nào thì mới vào định được. Chỉ cần có 1 tâm sở bất thiện không thể nào vào định được. Vậy tà định và chánh định khác nhau chỗ nào?

Trả lời: Tà định thường được hiểu theo nghĩa có động cơ và mục đích xấu, nhưng tà định nói chung chỉ có nghĩa là không phải chánh định thôi. Vì vậy, nên nói “không phải chánh định” chính xác hơn là nói tà định chung chung.

Ngoài trừ tà định trong Phật giáo còn phân biệt phàm định với Thánh định, phàm định là định tuy tốt nhưng còn hữu vi hữu ngã, do hành giả cố gắng tập trung tâm trên một đề mục, hay trấn áp tâm để đắc các thiền chi. Thông thường định này có mục đích mong cầu đạt được các trạng thái định lý tưởng nào đó, nên chưa hẳn là chánh định (theo Bát Chánh Đạo) mà chỉ đưa đến thiền sắc giới, vô sắc giới, còn nằm trong Tam giới, tức vẫn còn vô minh ái dục, có thể gọi là vô minh ái dục cao cấp, nó còn nguy hiểm hơn vô minh ái dục thô thiển, nên vẫn còn “hữu ý, hữu tướng, hữu tác, hữu cầu”.

Chánh định là định đúng hướng “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” mà đức Phật dạy, vì vậy chỉ cần thân thư giãn, tâm buông xả mọi ý đồ trở thành của bản ngã để trả tâm về với bản chất thanh tịnh vắng lặng tự nhiên của nó, nên gọi là định vô vi vô ngã. Lúc đó tâm tự thấy đề mục (như sự thở vô thở ra chẳng hạn) hoặc chính tâm thái tịch tịnh là đề mục. Để tâm tự yên, không cần cố gắng nỗ lực dụng công, chỉ buông ra thì tâm liền tự lắng dịu và tự đi vào định, cũng không cần phải biết tâm vào loại định nào, mà để tâm tự định, có thể đi đến định cao nhất, nhưng cũng không cần khởi khái niệm phân biệt đó là định cao hay thấp. Khi vào định tự nhiên này thì tâm vừa rỗng lặng vừa trong sáng, nên gọi là định hay tuệ gì cũng được, hoặc có khi định tuệ nhất như, có khi yếu tố tuệ trội hơn thì sáng suốt thấy rõ Pháp, khi yếu tố định mạnh hơn thì vào định dễ dàng. Dù thế nào vẫn là vô vi vô ngã.

Trong Bát Chánh Đạo, khi có chánh kiến thì có chánh tư duy, khi có chánh tư duy thì có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng nhờ đó tâm tự động ổn định (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định). Nên Bát chánh đạo là một chuỗi liên hoàn không tách rời ra để tu từng phần. Sở dĩ đức Phật dạy tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác (chánh kiến) trong Kinh Tứ Niệm Xứ, vì đó là 3 yếu tố dẫn đầu trong Bát Chánh Đạo. Khi hành giả sử dụng 3 yếu tố dẫn đạo này thì những yếu tố khác tự động trở thành chánh, tức là tự động có chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng và chánh định một cách hoàn toàn tự nhiên. Nếu hiểu đúng nguyên lý đức Phật dạy thì việc tu tập trở nên rất dễ dàng, dường như tự động, nên mới gọi là “không, vô tướng, vô tác, vô cầu”.

Thời kỳ đầu đức Phật chỉ giảng những nguyên lý tinh yếu như Tứ Diệu Đế, Vô Ngã Tướng, Pháp duyên khởi, 5 uẩn, 18 giới, Bát chánh đạo… để người nghe thấy ra sự vận hành tương giao hoặc mối quan hệ của thân-tâm-cảnh mà không bị lầm lạc trong đó. Trong Kinh Đoạn Giảm, đức Phật nói rất rõ: Một người đắc sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền cho đến phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó không phải là hạnh đoạn giảm, đối với các bậc Thánh đó chỉ là hiện tại lạc trú thôi. Còn hạnh đoạn giảm là hạnh đối trị những sai lầm, bất thiện đưa đến phiền não khổ đau, nhờ thấy Pháp mà tuỳ duyên chuyển hoá một cách tự nhiên và tương đối, chứ không xem thiền định là mục đích tuyệt đối để mong cầu mà ngoại đạo thường cố gắng đạt được như mục đích cuối cùng. Nói tà định là ý như vậy. Cũng như 62 tà kiến, thực ra mỗi kiến đều có chỗ đúng nhưng sở dĩ trở thành tà kiến là do chấp một chiều “chỉ như vậy mới đúng”.

Thí dụ pháp vẫn có thường, có đoạn nhưng chỉ chấp thường thôi hoặc chấp đoạn thôi, hoặc chấp vừa thường vừa đoạn là sai. Với tà kiến hữu biên, vô biên cũng vậy v.v... Sai ở chỗ chấp một chiều như người mù sờ voi. Sờ cái tai mà cho đó là con voi thì sai, nhưng là cái tai voi thì vẫn đúng. Sờ cái chân voi giống cây cột thì đúng, còn nói con voi giống cây cột mới là sai. Nhiều người đọc kinh nghe Phật nói 62 tà kiến thì tưởng những kiến ấy là sai lầm, nhưng thực ra chúng cũng đúng nhưng đúng cục bộ, phiến diện, một chiều thôi mà tưởng là toàn diện nên mới gọi là tà kiến. Nếu người thấy được sự tổng hợp toàn diện 62 kiến đó đúng với vị trí của mỗi phương diện thì lại là người có chánh kiến.

Cũng vậy, tà định có khi không hoàn toàn là xấu, nhưng sở dĩ gọi là tà vì không đúng hướng chánh đạo: viễn ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết bàn, mà chỉ hướng đến đạt sở đắc này, sở đắc kia làm cho bản ngã ngày càng tang trưởng ... nên mới gọi là tà định.

 

HT. Viên Minh

Ghi chép: Viên Hướng

Theo Cội Nguồn Hạnh Phúc

Các tin tức khác

Back to top