Tác hại của khẩu nghiệp bất thiện

10/08/2019 8:14
Chúng ta thường có thói quen hay than phiền chuyện này, bực bội chuyện kia và nhiều khi lời than phiền vô tình tạo thành mối chia rẽ. Chúng ta nên thường tự nhắc nhở chính mình rằng do vì sự bực bội nhất thời mà chúng ta phát biểu một điều gì đó gây tổn hại cho một người, hậu quả của nó có thể tác hại về lâu về lâu dài. Và khi sự việc đã xảy ra, có thể chúng ta không còn cứu vãn được nữa.

Những người hay than phiền thường là những người hay phê bình, những người này dễ tạo ra ác nghiệp chia rẽ đối với người khác. Do vậy, chúng ta nên cẩn thận về chuyện này. Người xưa nói "đa ngôn đa quá" nghĩa là "nói nhiều thì lỗi nhiều" không phải là không có lý. Trong đời sống, muốn tránh bớt chuyện tạo ác nghiệp thì chúng ta nên kiệm lời. Kiệm lời ở đây tức là bớt lời, bớt nói, bớt phát biểu về người khác, đặc biệt là phê bình. Ngày nay chúng ta thường có những lời phê bình rất nặng nề và đôi khi những người quen nặng lời phê bình người khác lại đơn thuần nghĩ một cách đơn giản: “Phê bình chỉ là phê bình thôi, mình bực mình thì mình nói đâu ăn thua gì”. Nhưng thực ra lời nói cay độc của mình về lâu về dài sẽ tạo nên những hố sâu.

Chúng tôi biết một người quen hay phê bình kẻ khác, và về sau này người này bị quả đó là mỗi lần có ai đó muốn chỉ trích một người nào đó thì họ hay vin vào lời nói của người hay phê bình này. Họ nói người này đã từng nói thế này nói thế kia và người nghe tin liền ngay lập tức. Lý do là người nghe nghĩ người này hay phê bình hay nói xấu người khác, thì bây giờ phê bình, nói xấu họ cũng là lẽ đương nhiên. Đó là một cái quả rất nặng. Mình đã quen phê bình người khác rồi, do đó người ta dùng lời nói của họ gán ghép cho mình, bảo là mình là nói thì mình đành phải lãnh đủ, mình phải chịu, mặc dù thực sự là trong trường hợp này mình không hề nói. Đây là quả báo mà người có khẩu nghiệp nặng nề phải nhận chịu.

Những người hay nói nhiều hay phê bình người khác thường là những người nói có thói quen nói năng bừa bãi, không chín chắn trong suy nghĩ. Thật ra, nói thì rất dễ. Thốt lên một lời phê bình một người nào đó thì rất nhanh và đôi khi chúng ta nói chỉ là cho có nói vậy thôi. Nếu phê bình người người khác xấu thì cũng chưa chắc là mình tốt hơn người khác, nhưng phê bình người khác thì rất dễ, nhìn thấy lỗi bản thân mình thì lại rất khó. Do vậy, Đức Phật dạy chúng ta nên học cách im lặng, đó cũng là cách chúng ta chủ động để ngăn ngừa những sai phạm trong lời nói của mình.

Tại sao trong cuộc sống thường xảy những trường hợp lời qua tiếng lại, những chuyện thị phi gây mích lòng nhau? Những trường hợp đáng tiếc này đa phần là do từ những câu chuyện ngồi lê đôi mách, những chuyện tào lao mà trong lúc rảnh rỗi người ta thường hay nói với nhau.

Những người thường hay nói này nói kia tự mình làm giảm thiểu đi công đức rất lớn, có thể họ làm việc tốt do nhưng tánh hay nói, nói nhiều chẳng đúng vào đâu thành ra sai, và cái nói sai đó làm tổn giảm đi những gì tốt đẹp mà mình đã làm. Do vậy, chúng ta không nên xem thường lời nói. Lời nói tuy là gió bay nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của người khác cũng như chính bản thân của chúng ta. Do vậy, thay vì ngồi đó để phê bình người khác, tốt hơn chúng ta nên dành thì giờ để tập trung vào những công việc cần làm.

Chúng tôi chưa bao giờ thấy một người hay trỉ trích, phê bình người khác mà có được sự an vui. Những người này trong cuộc sống họ thường hết sức nóng nảy và có cái nhìn rất phiến diện.

Người hay nói chuyện nhảm nhí, hay nói chuyện thiên hạ, hay nói chuyện tào lao, hay nói chuyện vô ích thì đời sau sanh ra làm người gầy còm thể chất yếu đuối - trong Kinh nói như vậy. Đối với người Phật tử, chúng ta phải hiểu rằng dầu là thân nghiệp, khẩu nghiệp hoặc là ý nghiệp thì nghiệp nào cũng có hệ quả của nó. Tuy vậy, thân nghiệp thì khó phạm hơn khẩu nghiệp, khẩu nghiệp chúng ta rất dễ phạm do chánh niệm trên lời nói rất khó. Vì vậy, chúng ta nói lời làm cho người khác đau có thể chúng ta không để ý, chúng ta nói lời để chia rẽ người khác cũng không để ý, chúng ta nói lời làm hỏng đời người khác mình không để ý.

Tôi biết có một trường hợp, một người hứa làm một việc giúp cho Tam Bảo nhưng sau đó người ấy không làm. Làm không được thì thôi tuy nhiên người này lại tìm cách biện bạch lý do tại sao mình không làm. Để biện bạch cho mình, người ấy lôi ra một loạt bao nhiêu là cái xấu để chỉ trích người này, người kia, phê bình trụ trì, chùa v.v… đủ thứ chuyện. Và việc làm của người ấy làm cho tình huống đối với bản thân họ càng tệ hại thêm vì người khác lại nghĩ rằng người này đang muốn phá chùa. Chúng tôi biết người đó thật sự không có ác ý muốn phá chùa, người ấy chỉ đơn giản là muốn biện minh tại sao những gì lẽ ra họ đã làm thì bây giờ họ không làm. Nhưng sự biện minh, giải thích của họ do không khéo léo nên đã kéo theo bao nhiêu hệ lụy. Con người chúng ta có vấn đề đó là thường hay chuyện bé xé ra to, chuyện nhỏ làm cho thành lớn, và việc làm cho lớn chuyện đó kéo chúng ta theo nó vào vũng lầy. Một người lỡ làm lỗi gì đó, do muốn che dấu lỗi lầm, họ tìm cách biện bạch, và rồi vì biện bạch mà tiếp tục lún sâu hơn nữa vào sự lầm lỗi. Do vậy, khẩu nghiệp làm tổn hại rất nhiều công đức mà chúng ta đã làm.

Như vậy, muốn không tạo khẩu nghiệp thì đơn giản trong đời sống hàng ngày là chúng ta nên học im lặng. Một khi chúng ta quen với sự im lặng chúng ta sẽ thấy giữ im lặng là một điều rất thú vị. Nếu xảy ra một việc gì đó mà chúng ta cảm thấy bất bình hay thấy khó chịu và muốn phê phán một ai đó thì chúng ta hãy tự nhắc chính mình hãy tu tập hạnh nhẫn nại. Nhẫn nại là thử xem mình có thể im lặng và có thể giữ gìn sự im lặng hay không và đó cũng là thước đo tâm từ của chính mình. Hãy nghĩ xem một người cha hoặc n gười mẹ nếu con mình làm lỗi mình có đem chuyện của nó đi bêu xấu với hàng xóm hay không? Dĩ nhiên là không. Tại sao vậy? Tại vì đó là con của mình, tại vì mình có lòng từ với con mình. Tương tự, với những chúng sanh làm những việc sai quấy, thay vì chúng ta làm cho chuyện đó tệ hại thêm bằng cách nói xấu, phê bình hoặc chỉ trích, chúng ta hãy xử dụng tâm từ với người đó, mong cho người đó được an vui. Do chúng ta mong cho người đó được an vui nên chúng ta không muốn đào thêm hố sâu, không muốn xát muối vào vết thương, có nghĩa là chúng ta không muốn làm cho tình trạng tệ hại thêm. Thực hành như vậy thì đây chính là cơ hội để chúng ta tu tập hạnh nhẫn nại.

Lấy câu chuyện tỳ kheo Kokāliya trong kinh tập làm ví dụ . Ban đầu, tỳ Kheo Kokāliya không phải là người xấu vì tỳ kheo này, với tư cách là trụ trì, cũng thỉnh ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến trú xứ của mình để an cư kiết hạ một cách đàng hoàng. Tuy nhiên, khi thấy Phật tử biết là có nhị vị Tôn Giả Thượng Thủ đệ tử Phật đang cư trú ở chùa nên lui tới tấp nập để cúng dường thì vị này sanh tâm đố kỵ ganh ghét.

Do vậy, tỳ khưu Kokàliya đến viếng Đức Phật lúc đó đang ngự tại Sāvatthi và nói xấu về ngài Sàriputta và ngài Moggallàna . Ông ta nói rằng ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên có ác dục. Ba lần Ðức Phật khuyên ông ta không nên nói như thế. Sau khi Kokàliya ra đi, toàn thân bị ung nhọt càng lúc càng lớn và vỡ chảy mủ và máu. Ông ta chết và tái sinh vào địa ngục Paduma (Sen hồng).

Sau đó Ðức Phật dạy chư Tỳ khưu về lời nói độc ác của Kokàliya và sự tái sinh vào địa ngục của ông ta. Ðức Phật dạy:

"Chắc chắn khi con người sinh ra trong miệng có ngôn ngữ xấu tiềm ẩn, với kẻ ngu tự hại đời mình bằng lời nói hung ác.

Người đáng khen thì lại chê, kẻ đáng chê lại khen, việc làm đó huân tập ác nghiệp trong tâm. Vì ác nghiệp nên họ không tìm thấy được hạnh phúc..." [*]

Chúng ta thường làm những chuyện sai trái với lý do chánh đáng thì ít mà do tật đố, ganh tị, nông nổi và sân tâm thì nhiều, và việc này khiến cho chúng ta lâm vào tình huống ngày càng ngày càng tệ hại thêm, từ chỗ bất đồng nhỏ đi đến phê bình, chỉ trích; người bị chúng ta phê bình chỉ trích có thể phản ứng bằng cách quay lại chống phá và hai bên chống phá nhau. Từ chỗ chống phá, người ta rơi vào những ác nghiệp rất nặng. Do vậy chúng ta không nên xem thường khẩu nghiệp. Đức Phật dạy rằng một người hủy báng một người thanh tịnh thì giống như mình tung bụi ngược gió, chắc chắn bụi sẽ tấp vào người của mình. Những lời nói ác đối với những bậc chân chính sẽ tạo ra quả xấu cho chính mình.

Chú thích:

[*] Sutta Nipàta, chương III đại phẩm Kokàliya, Tiểu bộ kinh

Chuyển biên: Minh Hạnh

Biên tập: Pañña Dīpa Tuệ Đăng


Các tin tức khác

Back to top