Nhân quả

27/11/2019 5:53
Những lời nói giúp cho chúng ta tư duy nhận thức cho cuộc sống hiện tại trên con đường mà mình đã chọn, và hãy thực hành theo lời Phật dạy.

Vì nghiệp gì mà “ở hiền” lại không “gặp lành”?

Do nhân duyên nào mà trên cõi thế gian này lại có người yểu mạng, có người thọ mạng; có người bệnh hoạn, có người khỏe mạnh; có người xấu xí, có người đẹp đẽ; có hạng người nói chi cũng không ai nghe theo, và có người có uy tín, thế lực, làm gì cũng có người ủng hộ…?

Có người nghèo khổ, có người giàu sang; có người sinh ra trong gia đình bần tiện, có người sinh ra trong dòng dõi cao sang; có người ngu mê, tăm tối, có người thông minh, tài trí… Nói chung là người trên thế gian, có điều kiện bản thân và hoàn cảnh sống bất đồng?

Theo thuyết nhân quả thì “ở hiền gặp lành”, “ở ác gặp ác”, “gieo nhân nào thì gặt quả nấy”. Nhưng nhiều khi, người ta lại thấy điều trái ngược hiện diện trong cuộc sống này. Tức là, có người ăn ở rất hiền lành, suốt đời làm những việc tốt nhưng số họ lận đận, xui xẻo; ngược lại có người xấu, nhưng lại thấy họ rất hay gặp may.

Với trường hợp này, không ít người sinh ra hoài nghi, hoang mang về sự công bằng, về nhân quả trong đời. Nhưng sự “bất công” mà người phàm nhìn thấy đấy thật ra là công bằng theo luật nhân quả. Và điều này liên quan trực tiếp đến nghiệp từ tiền kiếp.

Không có nhiều người tin tưởng rằng, mình sống ở đời này nhưng đã trải qua vô lượng kiếp khác trong quá khứ. Song, đứng từ quan điểm này để giải thích thì mọi điều đều rất thấu đáo. Những nghiệp báo mà con người tạo ra ở những kiếp cứ chất chồng theo năm tháng, và theo họ từ vô thỉ kiếp cho đến nay.

Cho nên, ở kiếp hiện tại, con người không những bị nghiệp mới tạo ra chi phối, mà họ còn phải trả nghiệp duyên của những kiếp trước mà họ còn đang “nợ”.

Muốn biết nhân đời trước, hãy nhìn kết quả thọ báo hiện tại. Muốn biết kết quả thọ báo của đời sau, hãy nhìn vào những tạo tác của hiện tại là vì vậy.

Những người làm việc gì cũng thất bại là vì kiếp trước họ hà tiện, bỏn xẻn, chẳng hề giúp người. Những người hay chửi mắng, nói lời thô ác thì bị quả báo không lưỡi, miệng lở, hoặc nội bộ gia đình quyến thuộc không an ổn, kình chống lẫn nhau. Những người đời này mang thân xấu xí, tàn tật là do kiếp trước hay nóng giận…

Cũng chính vì thế mà trong kiếp này, có người “ở hiền”, sống tốt đẹp nhưng chưa được quả báo tốt tức là do họ đang “trả” những thứ mà chính họ đã đi “vay” ở những kiếp trước. Và ngược lại, những người có phước dày từ kiếp trước thì kiếp này sung sướng. “Nghiệp ai nấy trả, quả ai nấy mang”.

Nhiều người bảo rằng “số phận” đã an bài rồi thì không thể thay đổi, và thế là sống với tâm thế buông xuôi tất cả. Đó là một cách nghĩ rất sai lầm, tiêu cực.

Nghiệp là gì? Nhiều người tưởng tượng rằng đó là điều gì rất khủng khiếp, là do một đấng siêu nhiên nào đó giáng xuống cuộc đời mình. Nhưng chẳng mấy ai hiểu rõ được rằng, nghiệp chỉ đơn giản là một thói quen. Thói quen này hoàn toàn do ta tự lựa chọn và cũng có quyền tự do sửa đổi. Chẳng hạn như ngày nhỏ, ta không biết ăn ớt, khi lớn lên thì tập ăn và quen dần, đến một lúc nào đó thì trong bữa ăn, nếu không có ớt là không chịu được. Như vậy, ăn ớt chỉ là một thói quen.

“Nghiệp ai nấy trả, quả ai nấy mang
Đi giữa nhân gian không phiền, không lụy”
.

Cũng y vậy, do những thói quen lâu ngày, chúng ta đã có những hành động xấu, lời nói xấu và ý nghĩ xấu. Điều này tạo nên những nghiệp bất thiện…

Do nghiệp đơn giản chỉ là thói quen, nên ta hoàn toàn có thể cải nghiệp bằng cách sửa đổi dần những thói quen đó, từ lời nói, hành động và tâm ý của mình. Cụ thể, đó là thay đổi lời nói dối trá thành lời nói chân thật, lời dua nịnh thành lời ngay thẳng. Chuyển đổi được thì có thể đi đến chấm dứt các nghiệp xấu.

Nếu thường xuyên thực hành những điều này thì chúng ta sẽ tạo thành những thói quen tốt, tức là ta đang chuyển đổi từ nghiệp dữ quá khứ thành nghiệp lành rồi.

Tuy nhiên, có một điều phải nói rõ ràng, những nghiệp (thiện, ác) mà con người tạo ra trong kiếp này không phải là vì nghiệp quá khứ mà mất đi, mà đến một lúc nào đó nhân duyên hội tụ đủ đầy, thì nghiệp đó sẽ chuyển thành quả.

“Kẻ làm ác quả sầu chưa trổ
Chẳng phải do nhân duyên không thiêng
Đến khi quả xấu kề bên
Ác thời gặp ác, khổ phiền ngày đêm”
.

Như vậy, khi đủ duyên thì người ở hiền sẽ gặp lành, ở ác tức sẽ gặp ác không hề sai lệch! Chẳng phải, các bậc tiền bối Tổ sư đã nói: “Dù cho trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo cũng không mất. Đến lúc nhân duyên gặp gỡ nhau thì trở lại nhận lãnh quả báu” đó sao?

Tâm Quảng



Các tin tức khác

Back to top