Hạt muối

27/11/2019 5:56
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

- Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, nhỏ nhen. Người như vậy, làm nghiệp ác nhỏ mọn và nghiệp ác ấy đưa họ vào địa ngục. 

- Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không hạn hẹp, rộng lượng. Người như vậy, có làm việc ác nhỏ mọn tương tợ, nghiệp ác ấy đưa họ đến cảm thọ ngay hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), có gì là nhiều.

- Này các Tỷ-kheo, ví như có người bỏ nắm muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trong chén ấy vì nắm muốn trở thành mặn và không uống được. Nhưng có người bỏ nắm muối vào nước sông Hằng, khối nước ấy rất lớn, không vì nắm muối này mà trở thành mặn và không uống được.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Hạt Muối, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr. 451).

Con người chúng ta, ai mà không có lỗi lầm, chỉ có bậc Thánh nhân mới tránh được khỏi những lầm lỗi. Đức Phật cũng đã từng tán thán hai hạng người:

- Người hoàn toàn không có lỗi (bậc Thánh nhân).

- Người có lỗi và biết ăn năn, sám hối, không tạo lỗi nữa.

Những lỗi lầm tác động đến tự thân của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Điều ấy, phụ thuộc vào lỗi lầm của mình tạo ra, và công đức tu tập của mỗi người.

Một người tu tập đúng chánh pháp, tinh tấn tu tập và làm các việc thiện, thì công đức của họ ngày càng tăng trưởng, sẽ hóa giải một pháp nào những ác nghiệp mà họ đã tạo ra. Cũng ví như một nắm muối, chúng ta bỏ xuống dòng sông Hằng, nước sông không vì nắm muối đó mà mặn đi. Hay là một người giàu có, nếu họ có mất đi một số tiền thì đối với họ cũng chẳng sao.

Còn ngược lại với một người không tu tập, làm các ác nghiệp thì những ác nghiệp sẽ đưa họ vào địa ngục, cũng ví như một nắm muối bỏ vào một chén nước, thì chén nước đó trở nên mặn. Hay cũng như một người nghèo, họ mất một số tiền thì họ rất đau khổ.

Tuy nhiên, những người đã tu tập đúng pháp, tinh tấn làm các việc thiện… có nhiều công đức, đừng nên phí phạm công đức do mình tạo ra, mà phải tích lũy, vun đắp liên tục và lâu dài. Đừng vì một lỗi lầm nhỏ mà đốt đi rừng công đức do mình tạo ra, để trở thành trắng tay. Còn những hạng người không tu tập, làm các ác nghiệp cũng đừng vậy mà sầu thảm, mà hãy cố gắng tu tập để chuyển nghiệp xấu thành tốt.

Thời đức Phật, có người tên là Vô Não, nghe lời thầy bạn xấu làm các ác nghiệp (giết 1.000 người, chặt ngón tay để mong cầu thành đạo), mà may mắn thay đến người thứ 1.000 gặp đúng ngay đức Phật, và Ngài đã hóa độ anh này từ người xấu thành bậc Thánh nhân.

Do đó, chúng ta đừng có nghĩ mình đã làm điều ác, không dừng được mà tiếp tục làm.

Kinh Pháp Cú, kệ số 183 có ghi:

“Không làm các việc ác
Tu tập các hạnh lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Là lời chư Phật dạy”
.

Do đó, chúng ta phải nỗ lực tu tập, trưởng dưỡng công đức, luôn suy niệm chúng ta tu là tu cái gì? Đơn giản chúng ta chỉ sống trong chánh niệm của việc đi, đứng, nằm, ngồi. Mọi cử chỉ, nói năng, hành động của chúng ta đều phải biết mình nói gì và làm gì… gọi là sống trong tỉnh thức. Ngoài ra, chúng ta nên phòng hộ sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý để làm chủ sáu giác quan khi chúng ta tiếp xúc với sáu đối tượng trần cảnh.

Đức Phật cũng có dạy, chớ nắm giữ tướng chung, chớ nắm giữ tướng riêng. Ví như, khi chúng ta vừa thấy một vật nào đó không rõ thì đó là tướng chung, khi lại xem xét hết vật đó như thế nào, biết rất rõ về vật đó thì gọi là tướng riêng.

Do đó, chúng ta phải luôn luôn thực hành chánh niệm, tỉnh giác, không tạo ra ác nghiệp, tinh tấn tu tập, thực hành các thiện pháp. Đây chính là con đường đưa đến sự an lạc, giải thoát.

Tâm Độ


Các tin tức khác

Back to top