Diệt trừ chấp ngã

6/06/2024 8:20
Hỏi: Làm cách nào để diệt trừ “chấp ngã” và khi bị người khác xúc phạm, mình vẫn không sân giận?

Đáp: “Ngã” chính là cái tôi của mỗi người. Diệt “ngã” không có nghĩa là đập tan thân thể ra thành tro bụi, mà có một ý nghĩa rất sâu sắc là xóa tan ý niệm cho mình hơn người khác và chấp thân của mình là thật bền chắc và còn mãi. Ý niệm sai lầm này đã được huân tập từ vô thủy kiếp cho đến tận bây giờ. Chúng ta cần phải nghiêm túc để nhìn nhận và suy xét tận cùng cội gốc của sự tu thì mới có thể phá tan bản ngã.

Trong mười hai nhân duyên dẫn chúng sinh đi luân hồi trong sáu nẻo, thì cái bắt nguồn đầu tiên là vô minh. Vô minh cũng là mê lầm, không sáng suốt, cho nên mới tạo ra tội nghiệp. Do chúng ta thấy bản thân mình là thật, là hơn người khác, cho nên dễ dàng làm những việc tội lỗi, sai lầm để phục vụ cho bản thân mình. Dù biết đó là sai trật, nhưng chúng ta vẫn cố làm để mang về cho mình và từ đó tạo ra hành nghiệp. Chính cái nghiệp này có sức mạnh dẫn dắt thần thức đi vào bào thai.

Trong các nghiệp thì ái dục đứng đầu, cho nên khi vừa tắt thở thì thần thức được dẫn đi thọ thai, gọi là dẫn thức. Khi nhìn thấy nam nữ giao hợp, thần thức liền gá vào làm sinh ra danh và sắc, chính là một phần tinh thần và vật chất được kết hợp với nhau. Từ một nửa tế bào tinh trùng của người cha kết hợp với một nửa tế bào phôi trứng của người mẹ trở thành một tế bào kết hợp mới. Từ một tế bào đầu tiên nhanh chóng tăng lên thành hai tế bào. Từ hai tế bào tăng lên bốn, năm… cứ như vậy tăng dần cho đến hàng trăm, hàng ngàn và hàng triệu tế bào. Dần dần số lượng tế bào tiếp tục kết hợp lại và tăng lên nhanh chóng, tạo ra một phần hình sắc gồm đất, nước, gió, lửa và một phần tinh thần gồm thọ, tưởng, hành, thức để hình thành một con người hoàn chỉnh. Đó chính là sự sinh khởi của trùng trùng điệp điệp nhân duyên.

Trong kinh Vu Lan có đoạn nói: “Tháng đầu, thai đậu tợ sương, mai chiều gìn giữ sợ tan bất thường”. Lúc đầu, bào thai chỉ nhỏ bé mong manh tựa như giọt sương, rất dễ bị tan hoại. Nếu được gìn giữ cẩn thận thì nó dần dần phát triển lớn lên và được sinh ra sau gần mười tháng. Khi được ba hoặc bốn tuổi, đứa bé thích tiếp xúc, cầm nắm hoặc nếm… bất cứ vật gì vì đây là giai đoạn của Xúc. Khi đứa trẻ lớn lên khoảng chừng hơn mười tuổi là bắt đầu giai đoạn cảm Thọ. Lúc còn nhỏ nếu bị la mắng, đứa bé vẫn cứ cười, nhưng khi khoảng mười hai hay mười ba tuổi, nếu bị la mắng thì giận buồn và được khen thì vui thích. Do có cảm thọ, cho nên cái nào vừa ý thì ưa thích, khi đó giai đoạn Ái bắt đầu phát sinh. Từ yêu thích, nên muốn chiếm hữu mà gây ra nhiều tội lỗi và tạo tác ác nghiệp. Giai đoạn của Hữu và Thủ hình thành từ đây.

Đến khi già bệnh, nằm trên giường sắp tắt thở thì tâm trí mờ mịt, không còn nhận biết gì nữa. Đó là giai đoạn của vô minh. Nghiệp sẽ tiếp tục dẫn dắt thần thức đi thọ sinh khắp nơi trong sáu nẻo luân hồi. Người niệm Phật có công lực, thì tuy thân thể già yếu, nhưng tâm trí vẫn tỉnh sáng rõ ràng, biết trước được ngày giờ ra đi. Đó là phá tan được lớp màn vô minh và nghiệp không còn dẫn thần thức đi thọ sinh nữa. Thần thức không còn thọ sinh, thì sẽ không còn chịu khổ và được tự tại muốn đi đến đâu tùy ý.

Muốn lúc ra đi tự tại, thì ngay khi còn sống, chúng ta phải tranh thủ từng ngày từng giờ tu tập để phá vỡ sự vô minh này. Cách tu đơn giản nhất mà mọi lúc mọi nơi đều có thể tu tập, đó là “Hít vào A Di”; Thở ra Đà Phật”. Thấy rõ thân mạng này không thật, chỉ tồn tại trong một hơi thở là phá vỡ vô minh chỉ trong một hơi thở. Phá tan lớp vô minh, cũng chính là diệt trừ được sự “chấp ngã”, hạ gục được “cái tôi”. Lúc đó, dù người khác xúc phạm, mình sẽ không còn sự sân giận nào nữa. 


Thích Minh Thành

Các tin tức khác

Back to top