Nếu tâm bạn được sống trong ngôi nhà chánh niệm, nó sẽ được an toàn, được bảo vệ chu đáo và tránh khỏi mọi hiểm nguy. Nó sẽ có được sự bình an ổn định.
Khi bạn vừa tỉnh giấc thức dậy, hãy thực hành niệm hơi thở (anapana) ngay lập tức. Bạn hít thở thật sâu để cơ thể nhận được nhiều ôxy hơn. Não của chúng ta cần rất nhiều oxy, vì vậy hãy hít thở vài hơi thật sâu, nó sẽ làm cho não bạn trở nên tươi mới và sáng suốt. Hơn nữa, việc bạn chú tâm vào hơi thở sẽ kéo chánh niệm quay lại, và nó sẽ làm tâm bạn thêm tỉnh thức. Làm như vậy, bạn thu được cả hai lợi ích cùng một lúc.
Hành thiền một chút trong tư thế nằm rồi ngồi dậy và tiếp tục ngồi thiền ngay tại chỗ ở trên giường. Bạn có thể vệ sinh thân thể sau.
Khi đã duy trì được đà chánh niệm liên tục và thành công trong một thời gian nào đó, thì một nội tâm trong sáng, thuần tịnh, an lạc và tĩnh lặng sẽ bắt đầu đến với bạn.
Bắt đầu một ngày mới bằng một tâm thiện, một tâm thiền, đó quả là một điều phúc lạc thực sự, quả là chân hạnh phúc cho đời. Bạn chưa rửa mặt ư, cũng chẳng sao cả. Cái tâm còn quan trọng hơn việc ấy nhiều.
Sau khi đã ngồi thiền tại chỗ (trên chiếc giường) như vậy một lúc, tiếp tục chánh niệm trong khi nhẹ nhàng nhấc chân ra khỏi giường và hay biết các cảm giác xúc chạm của bàn chân với sàn nhà. Rồi giữ chánh niệm khi bạn đi rửa mặt, biết rõ các cử động của mình, biết rõ các cảm giác xúc chạm, hay biết cả sự chánh niệm của mình và tất cả.
Hay biết mọi thứ khi bạn đang làm. Bạn không cần phải niệm thầm các hành động đó. Mọi sự xúc chạm - không cần thiết phải niệm câu gì cả - chỉ cần hay biết về nó. Cái “hay biết mọi sự xúc chạm” này chính là cái tôi muốn các bạn thực hành.
Ngay cả khi sự thực hành của bạn đã tiến bộ, Niệm và Định của bạn đã có thể bắt được những đề mục vi tế hơn, bạn vẫn thực hành niệm hơi thở và chánh niệm các xúc chạm như là một nền tảng căn bản của mình.
Sau đó, bạn có thể tụng kinh một chút, rải tâm từ một chút và hãy cố gắng giữ chánh niệm càng nhiều càng tốt khi làm những công việc.
Đừng lo khi chánh niệm của bạn còn hời hợt, ngay cả chỉ một chút xíu chánh niệm thôi cũng có lợi ích rất lớn cho bạn.
Bạn cố gắng thực hành như thế, dù chỉ duy trì được một chút chánh niệm trong suốt cả ngày, bạn sẽ dần dần nhận thấy sức mạnh của tâm mình ngày càng tăng trưởng theo thời gian.
Nếu sống thật chánh niệm trong một thời gian dài, bạn sẽ nhận thấy rằng: sống phóng dật, không chánh niệm tự biết mình quả là một cuộc sống vô vị và khô cứng. Những người không có chánh niệm không thể cảm nhận được sự sống động của cuộc đời một cách thực sự. Khi bạn đã thực sự sống miên mật cùng chánh niệm, càng chánh niệm bạn sẽ càng hiểu được ý nghĩa của những lời tôi nói.
Thiền sư Sayadaw U Jotika
Các tin tức khác
- Niệm Phật như thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng, tăng phước huệ? (24/03/2025 8:23)
- Cách vượt qua bệnh tương tư? (23/03/2025 8:37)
- Tâm phàm làm sao trở thành tâm Phật? (23/03/2025 8:35)
- Buông chỉ là hoá giải ở thái độ nội tâm (22/03/2025 8:44)
- Lúc sinh bệnh có sợ chết không? (22/03/2025 8:42)
- Kẻ trì pháp tại gia sao được gọi Tỳ-kheo? (22/03/2025 8:40)
- Nghĩ về cái chết (21/03/2025 8:22)
- Ta có chánh kiến, bất cứ ở đâu ta cũng hài lòng (21/03/2025 8:20)
- “Ở hiền gặp lành” có hay không? (20/03/2025 8:46)
- Chấp nhận được khổ đau cũng chính là một sức mạnh (20/03/2025 8:41)