CÁI GÌ LÀ VÔ THƯỜNG - KHỔ - VÔ NGÃ?
– Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
Bạch Thế Tôn, vô thường.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
Bạch Thế Tôn, khổ.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
Bạch Thế Tôn, không.
– Chư Tỷ-kheo, cảm thọ là thường hay vô thường?
Bạch Thế Tôn, là vô thường.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
Bạch Thế Tôn, là khổ.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi… tự ngã của tôi”?
Bạch Thế Tôn, không.
– Chư Tỷ-kheo, tưởng là thường hay vô thường?
Bạch Thế Tôn, vô thường.
– Cái gì vô thường…?
Bạch Thế Tôn, không.
– Chư Tỷ-kheo, các hành là thường hay vô thường… chư Tỷ-kheo, thức là thường hay vô thường?
Bạch Thế Tôn, vô thường.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
Bạch Thế Tôn, khổ.
– Cái gì vô thường, khổ thì có hợp lý chăng, khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
Bạch Thế Tôn, không.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, bất cứ các sắc pháp nào, quá khứ, tương lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc pháp là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ. Bất cứ cảm thọ nào… Bất cứ tưởng nào… Bất cứ hành nào… Bất cứ thức nào, quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ.
Chư Tỷ-kheo, nhờ thấy vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử yểm ly đối với sắc, yểm ly đối với thọ, yểm ly đối với tưởng, yểm ly đối với hành, yểm ly đối với thức, do yểm ly nên ly tham, do ly tham, nên được giải thoát, trong sự giải thoát có trí khởi lên, biết được đã giải thoát.
Vị ấy biết:
“Sanh đã tận,
Phạm hạnh đã thành,
Những gì nên làm đã làm,
không còn trở lui tại đây với một đời sống khác”.
Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh.
Điều Hay Phật Pháp
Các tin tức khác
- Thứ ta tưởng là hạnh phúc, thật ra đang trói mình ( 7/07/2025 8:25)
- Đều là những bài học nhân quả ( 6/07/2025 8:37)
- Vô tướng sám hối ( 6/07/2025 8:35)
- 13 câu nói của Đức Dalai Lama khiến không ít người suy nghĩ ( 6/07/2025 8:32)
- Đạo đức trong công việc ( 5/07/2025 8:19)
- Người làm ta khổ nhiều nhất ( 5/07/2025 8:18)
- Tâm ích kỷ chi phối rất mạnh ( 5/07/2025 8:16)
- Học Phật để chuyển hóa chính mình ( 5/07/2025 8:14)
- Đôi khi ( 4/07/2025 8:51)
- Hiếu đạo ( 4/07/2025 8:50)