Tầm sư học đạo

21/10/2014 11:02
Khởi đầu của việc tầm sư học đạo là cả một quá trình liên hệ đến lý tưởng.

Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Tại sao chúng ta không thỏa mãn đời sống của người tại gia? Tại sao chúng ta phải tìm một người thầy để gửi lý tưởng và thân phận cuộc đời mình? Tại sao chúng ta phải đi ngược lại với khuynh hướng sống của thế gian để chọn cho mình một cuộc sống giản đơn và thanh cao? Đặt ra những câu hỏi này để ta tìm ra lời giải đáp.Với những câu hỏi như thế, bao giờ cũng có những giải đáp tốt đẹp, nếu chúng ta biết tìm kiếm các giá trị cho cuộc đời.

Bản năng sinh tồn của con người trong quá trình của sinh tử là chạy theo những gì mà con người có thể đạt được hạnh phúc từ các giác quan.

Giác quan của mắt: thích tìm kiếm cách những loại hình, màu sắc, những sự vật đa dạng và phong phú.

Giác quan của tai: thích nghe những âm thanh ngọt dịu, êm đềm.

Giác quan của mũi: thích ngửi những hương vị hấp dẫn. Giác quan của lưỡi: thích hưởng thụ các món ngon vật lạ. Giác quan của sự xúc chạm thân thể: ta luôn muốn xúc chạm với hương liệu và các phương tiện để tạo ra cảm giác thoải mái.

Giác quan của ý thức: luôn tìm kiếm những đối tượng tư duy, đánh giá, phán đoán để tạo cho mình cảm giác an vui.

Chính bản năng của các giác quan đó làm cho con người dễ dàng thỏa mãn với những tình trạng hiện tại mà họ đang có. Tình trạng đó có thể họ chưa hài lòng, nhưng nếu từ bỏ nó, họ có cảm giác rằng mình mất tất cả. Điều này giải thích tại sao có những người bất hạnh, giác quan bị khiếm khuyết và phương tiện cuộc sống của họ thiếu thốn. Họ nghĩ rằng cuộc đời của họ xem như kết thúc. Từ đó, họ đã tìm cách quyên sinh hay rút mình vào trạng thái tiêu cực, an phận, không có một thái độ nào tích cực hơn để chuyển hoá cuộc đời. Như vậy, bản chất của các giác quan và bản năng sinh tồn làm cho con người luôn luôn chấp nhận sự thỏa mãn, những tình trạng mà kinh điển nhà Phật gọi là èo uột của đời sống tuệ giác, và không nỗ lực để phấn đấu vươn lên vượt qua nghịch cảnh.

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng với bao giằng xé, căng thẳng, liệu chúng ta có nên tiếp tục đời sống của người tại gia, hay tìm kiếm một phương trời cao rộng khác, nơi đó chưa đảm bảo là mình có thể đi trọn cuộc đời. Và ta cũng chưa có một chí nguyện hay tin chắc mình sẽ dâng hiến trọn đời cho việc xuất gia, đóng góp vai trò tích cực cho Phật giáo, nhân sinh, xã hội và những khổ đau của kiếp người. Càng suy nghĩ, đắn đo, do dự càng làm cho ta bị thối chí, nản lòng và cảm thấy con đường tu hành thật xa xăm vời vợi.

Nếu như trong cuộc đời từng có những vị xuất gia thành công, làm nên Phật sự và đóng góp có giá trị, lợi ích cho mọi người thì nên tin rằng chúng ta là một trong những vị đó.

Điều trăn trở này đã hé lên một hy vọng và đặt vấn đề khả dĩ thực hiện được. Muốn làm được điều đó, ta cần có quá trình tầm sư học đạo. Chúng ta không thể nào trải qua lộ trình của giác ngộ, giải thoát bằng sự tự lập của bản thân trong những năm tháng đầu tiên, chúng ta khó có thể vượt qua cam go, trở ngại, thử thách khi phải đối đầu với cuộc sống hoàn toàn thay đổi, khác bản năng sinh tồn, dục tính và những thói quen hưởng thụ.

Tìm một vị thầy chân chính để được che chở hướng dẫn và giúp đỡ ta trên con đường tu học là điều hết sức cần thiết. Thông qua con đường tu tập thiền quán, kinh Phật có khái niệm “Vô sư trí” để nói lên khả năng khám phá tuyệt vời của đức Phật. Đó là trí tuệ mà Ngài đạt được không phải qua sách vở, thầy bạn mà từ chân tâm thường trú của Ngài.

Khái niệm đó gợi cho ta nhớ lại câu chuyện lịch sử của đức Phật. Đức Phật đã từng có những bậc thầy tâm linh hướng dẫn Ngài, khi Ngài còn là một vị đông cung thái tử. Đến với hai vị thầy chuyên tu thiền quán, họ đã hỗ trợ, hướng dẫn Ngài rất nhiều từ những bước đi chập chững đến cách đặt tâm, cách quán niệm và cách chiến thắng những dục vọng thấp hèn của kiếp người. Khi chứng đắc được tất cả những phương pháp thiền từ hai vị thầy này, thái tử Tất-đạt-đa với sự thông minh sẵn có, đã nhận ra được những giới hạn của pháp tu này, chưa phải là con đường hạnh phúc cuối cùng mà con người có thể đạt được. Trạng thái thiền này được gọi là:Diệt thọ tưởng định.

Diệt thọ tưởng định là một trạng thái thiền định rất cao. Nơi đó, sự vận hành của tâm, ý niệm của tư tưởng, và tất cả sự hình dung về quá khứ, vị lai hoặc cả những vận hành trong hiện tại không còn hoạt dụng nữa. Lúc đó, hành giả có trạng thái sống trong ảo giác của hạnh phúc tuyệt đối, bởi vì dòng cảm xúc của họ được lắng dịu một cách trọn vẹn, không còn những nỗi khổ niềm đau, sự bức xúc hay những tình huống khó chịu khác. Họ làm quen với phương diện tu tập mới, thay đổi môi trường sống và thích ứng với điều kiện sinh hoạt mới. Khi dòng cảm xúc có nhiều thì tất yếu hành giả sẽ cảm nhận được sự an lạc, thoải mái. Chính trạng thái này giúp người ta quên đi tất cả những phiền muộn xung quanh và tưởng chừng như, đây là đích đến cuối cùng mà đời sống của người xuất gia cần phải hướng đến.

Hai vị thầy từng hướng dẫn thái tử Tất-đạt-đa phương pháp tu thiền quán đã rơi vào trạng thái sai lầm này. Thật vậy, sau khi xuất thiền, trạng thái an lạc, thảnh thơi hoặc vững chãi không còn hiện hữu nữa. Lúc đó, họ phải đối diện với những đối tượng của các giác quan, chưa chắc họ giữ được trạng thái không còn cảm xúc khi các giác quan đó phải tiếp xúc với nhiều sự thay đổi, thử thách, hoặc những cám dỗ khác trong cuộc đời. Sự an ổn theo cách tu tập này chỉ có giá trị nhất thời. Ngoài ra, người muốn đạt được trạng thái đó cũng không đơn giản, đòi hỏi dụng công rất lớn.

Qua sự khai tâm của hai vị thầy này, thái tử Tất-đạt-đa nhận ra một phần giá trị con đường tâm linh, Ngài đã vượt qua những chướng ngại, giới hạn mà các vị thầy không thể nhận chân được, để đạt đến một sự thấy biết trọn vẹn, siêu việt gọi là Vô Thượng Bồ Đề. Kể từ đó, Ngài có sự thấy biết một cách chính xác và trọn vẹn, đó là tuệ giác vô thượng. Với tuệ giác này, Ngài đã nhận ra dòng chảy của quá khứ trải dài từ cội nguồn bởi các hoạt dụng của nhân quả. Ngài thấy được mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đời không phải tự nhiên mà có. Nó không phải do sự áp đặt của thần linh, thượng đế mà do chính con người có ý thức thể hiện, tạo tác qua các hành động. Tuệ giác về một quá khứ của bản thân cộng với nhân quả của tha nhân làm cho Ngài phát hiện rõ bản chất của khổ đau và hạnh phúc, bản chất giới hạn của kiếp sống con người, và của tất cả các loài hữu tình, vô tình khác.

Việc học đạo của đức Phật ngày xưa nhắc chúng ta nên có sự nhận thức, dù ta có là một bậc vĩ nhân chăng nữa, ta vẫn cần đến một vị thầy hỗ trợ tinh thần và tâm linh, dìu dắt ta ít nhất những bước đi chập chững ban đầu. Nếu thiếu những trợ lực này, ta khó đạt được thành công. Một số người thành công có tinh thần tự lực cao và kiến thức uyên bác thường nhầm tưởng là mình có thể tự tiến thân, không cần đến sự hướng dẫn của người khác, những vị thầy hay thiện hữu tri thức. Thực tế cho thấy, có nhiều vị đồng tu đã gặt hái được những kinh nghiệm quý báu, có được sự hiểu biết trải qua quá trình thể nghiệm rất cao và sâu. Chính vì thế, khi thân cận và nương theo những vị này, chúng ta dễ dàng vượt khó và thăng tiến trên bước đường tu.

THẦY LÀ NGƯỜI CHỈ DẪN

Trong việc tầm sư học đạo này, ta cần lưu ý hai điều: thứ nhất là tìm thầy, và thứ hai là học đạo. Vế thứ hai có khả năng hỗ trợ cho vế thứ nhất rất nhiều. Trên thực tế, có rất nhiều người tìm đến thầy không phải để học đạo, mà do họ có thiện cảm với người thầy. Họ cho rằng chỉ có những vị thầy đó mới có thể giúp họ vượt qua những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời. Suy nghĩ như thế, khi những vị ấy không có mặt, hay do điều kiện không cho phép thân cận, họ sẽ gặp phải những bế tắc, không còn lối thoát, vì họ không tin tưởng vào những vị thầy khác. Từ đó, cơ hội tiếp xúc với chánh pháp không thể đến với họ.

Nhà Phật lưu ý ta nên xem việc học đạo là thực tập con đường chuyển hóa tâm linh nhằm mang lại an vui và hạnh phúc cho chính mình và những người khác. Trong khi đó, người thầy chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp đỡ và dìu dắt ta trên con đường tu học. Cho nên, quý Phật tử khi quy y Tam bảo, ngôi Tam bảo thứ ba là những vị xuất gia chân chính chứ không phải ta phát nguyện quy y làm đệ tử của vị Hòa thượng này hay vị ni trưởng kia.

Trích "Phương Trời Thong Dong" - Thích Nhật Từ

Các tin tức khác

Back to top