Tu tập trung đạo

3/06/2013 6:22
Toàn bộ giáo lý mà Đức Phật giảng dạy là bản đồ ra khỏi khổ đau. Giáo lý căn bản bao gồm ba mươi bảy pháp, thường gọi là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đó là Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Thần Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ Đề Phần, Tám Thánh Đạo Phần.

Trong ba mươi bảy pháp vừa kể trên, Bát Chánh Đạo được xem là tiêu biểu và căn bản nhất của con đường ra khỏi khổ đau, được gọi là Đạo Đế, vì trong nhiều kinh, Đạo Đế được đề cập như là Bát Chánh Đạo. Điều này cho chúng ta thấy Bát Chánh Đạo cũng chính là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. “Con đường tu tập của Bát Thánh Đạo lại quy vào chi phần Chánh Tri Kiến. Ở đây hiện rõ nét Đạo Phật là đạo của trí tuệ, của giác ngộ. Đây là đích đến của một bậc Đại Nhân như kinh “Bát Đại Nhân Giác” nói đến “Duy Tuệ Thị Nghiệp”. Khi có mặt của trí tuệ, thì đẩy lùi tất cả những gì của thế giới vọng tưởng của tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định”. Nếu thu gọn con đường tu tập giải thoát của Bát Chánh Đạo thì chúng ta có thể trình bày dưới hình thức căn bản của Tam Vô Lậu Học. Chánh kiến và Chánh tư duy thuộc về Tuệ uẩn; Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc về Giới uẩn; Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định thuộc về Định uẩn. Cho nên, chúng ta có thể nhận định rằng con đường giải thoát là con đường trí tuệ (Chánh tri kiến) con đường của Giới, Định, Tuệ hay là con đường Bát Chánh Đạo.

Tu tập Bát Chánh Đạo hành giả khởi đầu bằng bước đi chánh kiến, đi từng bước vững chãi cho đến lúc giải thoát, để rồi sau cùng hành giả chú tâm hoàn toàn ổn định trong chánh kiến vô lậu. Ở đây, có hai lộ trình, lộ trình của những bậc hữu học và lộ trình của bậc A-la-hán. “Do có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy khởi lên; do có Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ khởi lên; do có Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp khởi lên; do có Chánh Nghiệp, Chánh Mạng khởi lên; do có Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn khởi lên; do có Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm khởi lên; do có Chánh Niệm, Chánh Định khởi lên; do có Chánh Định, Chánh Trí khởi lên; do có Chánh Trí, Chánh Giải Thoát khởi lên. Như vậy, này các Tỳ-kheo, đạo lộ của một vị hữu học gồm có tám chi phần và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần”.Mỗi khi chúng ta tu tập một chi phần nào đó, có nghĩa là chúng ta tu tập các chi phần còn lại. Tất cả tám chi phần đều liên kết chặt chẽ với nhau và mỗi chi phần giúp cho sự đào luyện những chi phần khác. Vì vậy chúng ta cần phải tu tập, đào luyện tám chi phần đồng thời với nhau và tu tập càng nhiều càng tốt, tùy theo khả năng của từng người.

Tám chi phần trong Bát Chánh Đạo nhằm mục đích làm phát sinh và hoàn thiện ba khía cạnh cốt yếu trong việc tu tập và kỷ luật tâm linh theo Phật giáo, được gọi là Thánh Giới Uẩn, Thánh Định Uẩn và Thánh Tuệ Uẩn. Như vậy, khi tu tập chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là chúng ta đang tu tập Giới, đang thực hành mười thiện nghiệp của thân, khẩu và ý. Khi tu tập Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định là chúng ta đang thực tập Thiền Định (thiền chỉ và thiền quán). Khi tu tập Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ là để đào luyện tâm thức tĩnh lặng trong sáng. Khi tu tập Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là chúng ta đang an trú chánh niệm trên các suy tưởng về vô dục, vô sân, vô si, vô hại và như lý tác ý khởi niệm đúng pháp trên Ba pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã) nhằm mục đích thành tựu Trí Tuệ vô lậu.

Tu tập Bát Chánh Đạo nhằm đưa đến mục đích sau cùng của đời sống phạm hạnh là đoạn tận ái, thủ, vô minh, giải thoát hết thảy các lậu hoặc. Bát Chánh Đạo phù hợp với mọi căn cơ và có thể áp dụng thích nghi trong cuộc sống thường ngày của con người. Ở góc độ này, tu tập Bát Chánh Đạo là tu tập thân và tu tập tâm nhằm mục đích tạo ra cuộc sống điều hòa, thảnh thơi và an lạc.  

 

Theo ĐPKS

Các tin tức khác

Back to top