Trần Thái Tông và sự chứng ngộ đạo thiền

26/06/2013 3:45
Không phải ngẫu nhiên Thiền sư Chân Nguyên tán thán sự giác ngộ của Trần Thái Tông được ghi trong Thiền Tông Bản Hạnh như sau:

“Vua ngồi tức lự trầm ngâm,

Hoát nhiên đại ngộ mới thâm vào lòng,

Ngộ được Bát nhã tâm tôn,

Vạn pháp diệu dụng, tự tánh hiển dương...”

“Thiên hạ Nam Bắc Đông Tây,

Thấy vua đắc đạo trong lòng vui thay...”(Câu 290-300).

vuatranthaitong

Rõ ràng Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần không chỉ có vị trí đặc biệt trong lịch sử Đại Việt mà còn có vị trí đặc biệt trong lịch sử thiền tông Việt Nam, nhất là trong việc đặt nền móng tư tưởng dòng thiền Trúc Lâm mang bản sắc Việt.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư đã viết về Thái Tông như sau: “Họ Trần, tên húy là Cảnh, trước tên huý là Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được nhường ngôi, ở ngôi 33 năm (1225-1258), nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi (1218-1277), băng ở cung Vạn Thọ, táng ở Chiêu Lăng. Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập dựng kỷ cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy. Song quy hoạch việc nước đều do Trần Thủ Độ làm”  [1].

                Chi tiết lịch sử trên, cho thấy sự lên ngôi Hoàng đế của Trần Thái Tông có sự chuẩn bị cả quá trình lâu dài. Người có công lớn trong việc xây dựng triều Trần là Trần Thủ Độ, nhưng trước đó phải kể đến công lao của Trần Lý, rồi sau đó là Trần Thừa. Việc quản lý đất nước trong mười năm đầu của vua phải dựa vào người chú với cương vị Thái sư. Phải đợi đến năm 1236, sự kiện Trần Thủ Độ bắt vua bỏ Chiêu Thánh, giáng làm công chúa rồi đem người chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu đã có thai vào làm hoàng hậu, Trần Thái Tông mới quyết định thể hiện tư cách nhà lãnh đạo của một nước, bằng cách bỏ hoàng cung lên Yên Tử gặp Quốc sư Phù Vân với khát vọng được làm Phật. Nghe lời khuyên của Quốc sư, nhà vua mới trở lại ngôi, vừa trị nước yên dân, vừa nghiên cứu nội điển, thực hành thiền định rồi chứng ngộ và viết sách thiền. Bài tựa Thiền tông chỉ nam do vua viết nên rất đáng tin cậy, nội dung bài tựa có khác với những gì mà bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn. Giá trị của bài tựa là lý giải các vấn đề có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Trần Thái Tông một cách rõ ràng. Việc bị ép lấy chị dâu đang mang thai và phong làm hoàng hậu là ý đồ của Trần Thủ Độ nhằm đáp ứng quyền lợi của vương triều nhà Trần. Sau đó, ông đã tỏ rõ quan điểm lập trường và tâm tư tình cảm trong các mối quan hệ và trở thành vị vua anh minh.

                Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng cảm mến Trần Thái Tông thuở nhỏ và Trần Cảnh cũng đã yêu thương Lý Chiêu Hoàng. Tình cảm đó không chỉ nói lên tình yêu lứa đôi mà còn được nâng lên bằng cả tấm lòng tôn quý của bậc đế vương khi Lý Chiêu Hoàng tuyên cáo trước thần dân về việc nhường ngôi cho chồng. Nghe lời khuyên của Quốc sư Phù Vân và theo tiếng gọi của “Quốc gia xã tắc”, Trần Thái Tông đã trở về kinh đô hoàn thành đại nguyện trên. Đúng như sử gia Ngô Thì Sĩ đã viết trong Việt sử tiêu án “bỏ ngai vàng như trút chiếc giày rách”. Trần Thái Tông xứng đáng là “gương mặt văn hoá đẹp và lạ đến khác thường trong lịch sử Việt Nam.” [2].

Về sự nghiệp trước tác, trước thuật, theo Thánh đăng ngữ lục thì Trần Thái Tông là tác giả các tác phẩm sau: Văn tập (1 quyển); Chỉ nam ca (1 quyển); Thiền tông Khoá hư (10 quyển). Văn tập va Chỉ nam đã mất, hiện chỉ còn Khoá hư. Cũng theo Thánh đăng ngữ lục thì ngoài những tác phẩm trên, Trần Thái Tông còn có một số tác phẩm khác nữa, mà những tác phẩm này hiện chỉ còn bài tựa chứ không còn nguyên văn tác phẩm. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì Trần Thái Tông là tác giả của những tác phẩm sau: Thiền tông chỉ nam ca, Kim Cương tam muội kinh chú giải, Lục thời sám hối khoa nghi, Bình đẳng lễ sám văn, Khoá hư lục, Thái Tông thi tập. Nhà vua xứng đáng là một thiền gia, một nhà triết học tư tưởng, một nhà văn, một nhà thơ tiêu biểu cho văn học thời Lý - Trần nói chung, của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng.

Đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Trần Thái Tông xứng đáng là một vị vua anh minh với lòng yêu nước thương dân vô bờ. Có được tấm lòng ấy, có lẽ là nhờ nhà vua đã tiếp thu, kế thừa những phẩm chất quý giá của dân tộc. Ở đó, Thái Tông vừa làm vua, vừa làm Phật ngay giữa cõi đời. Trên hai phương diện đó, ông đều có đủ khả năng để cứu dân thoát khỏi xích xiềng của giặc ngoại xâm và cứu độ chúng sinh thoát khỏi khổ. Trong thời gian ở ngôi vị, Thái Tông đã thực thi ba chính sách lớn. Một là, tập trung đào tạo con người kiểu mẫu “Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai.”. Vào những năm 1227, 1232, 1236, 1239, 1247 và 1256, vua đã tổ chức các khoa thi Tam giáo để tuyển chọn người tham gia vào bộ máy nhà nước. Hai là, triển khai chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế phú cường. Sử sách chép rằng, vua đã sai đắp đê phòng lụt, đặt chức quan hộ đê. Nhờ vậy, những năm vua trị vì, đời sống nhân dân ấm no và đủ sức dự trữ lương thực để đối phó khi đất nước có chiến tranh. Ba là, phát triển an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia lãnh thổ. Trong cuộc chiến tranh giữ nước, Thái Tông là người chỉ huy tối cao, quyết tâm bảo vệ đất nước. Kết quả và quân dân Đại Việt đã giải phóng kinh đô Thăng Long vào năm 1258 trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất.

                Chiến tranh kết thúc, vua nhường ngôi cho con để làm Thái thượng hoàng. Dù ở cương vị nào, Trần Thái Tông tâm nguyện thống nhất các Thiền phái để hướng đến Phật giáo Nhất tông cho phù hợp với tình hình bối cảnh phát triển mới của đất nước[3]. Dưới ảnh hưởng và uy tín của nhà vua vào thế kỷ thứ XIII, ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường được sáp nhập và trở thành Thiền phái Trúc Lâm duy nhất đời Trần.

                Người khai sáng ra Thiền phái là Trần Nhân Tông, nhưng người có công đặt nền móng quan điểm tư tưởng cho Thiền phái này phát triển là Trần Thái Tông. Ông đã trực ngộ bản kinh Kim Cương, nhất là chỗ cốt yếu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Trần Thái Tông đã sáng tácThiền tông chỉ nam để trình bày sở đắc của mình trong quá trình nghiên cứu kinh điển và công phu hành trì. Theo Trần Thái Tông, để công phu thiền quán dễ tiến sâu vào định, thiền giả cần phải hành trì giới luật. Hướng giải thoát theo nhà vua chủ trương là hướng đi theo truyền thống Giới Định Tuệ mà Thế Tôn đã đi qua. Chính hướng đi này, về sau Tuệ Trung và Trần Nhân Tông đã khai mở để dòng thiền Trúc Lâm phát triển, đi vào lòng dân tộc. Chúng ta có thể dựa vào các thư tịch còn lại để hiểu rõ nội dung tư tưởng Thiền phái này, qua đó cũng thấy được sự xuyên suốt dòng mạch tư tưởng thiền tông thật là nhất quán. Thông qua việc khảo sát các văn bản của Thiền phái Trúc Lâm, chúng ta có thể nhận định các vấn đề lý luận, hành trì được đặt ra của Thiền phái nhất tông này, về cơ bản đều đồng nhất với quan điểm tư tưởng Trần Thái Tông đưa ra trongKhoá hư lục.

                Sự chuyển hoá tâm thức trong mỗi con người có thể trực nhận và chứng đắc. Tâm Phật và tâm chúng sinh chẳng khác. Chân lý thực tại chẳng ở đâu xa, ở ngay trong tâm thức mỗi cá nhân hiện hữu. Trần Thái Tông từng thụ giáo ý chỉ của Quốc sư Phù Vân (Viên Chứng) “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm” [333, 27] (H 3) (Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm) [333, 28] thì Trần Nhân Tông đã triển khai tư tưởng Thiền học ấy qua “Cư trần lạc đạo.”

                Cũng vì tôn chỉ và mục đích thiết thực của Thiền phái Trúc Lâm là thống nhất và mang bản sắc dân tộc, nên ngày càng lan toả trong lòng dân chúng. Nó không chỉ tồn tại trong các ngôi chùa nguy nga mỹ lệ mà có thể hoạt động ở bất cứ nơi nào, thậm chí nó còn phát huy ngay giữa chiến trường để đối đầu với giặc Nguyên Mông. Nhà vua chủ trương Phật tại tâm, không phân biệt tăng tục, nam nữ, bất cứ thành phần nào trong xã hội, ai cũng có thể là thành viên của Thiền phái, với một tấm lòng “chỉ cốt yếu biện tâm”. Do vậy, những ông vua như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông dù chưa từng xuất gia cũng đã trở thành thiền gia lỗi lạc, những cư sĩ như Tuệ Trung, Thông Thiền… trở thành những bậc thầy cao minh đắc đạo. Thực tế, Tuệ Trung là thầy dạy Thiền cho vua Trần Nhân Tông để trở thành Sơ Tổ, vị giáo chủ khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm. Một Thiền phái sinh hoạt độc lập không có sự chi phối của bất cứ Thiền phái nào ở Trung Hoa.

                Nếu Trần Nhân Tông được nhân dân Đại Việt tôn xưng là Phật Biến Chiếu Tôn của nước Đại Việt, thì vua Trần Thái Tông là người xứng đáng là được tôn vinh “Bó đuốc Thiền tông” đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời, phát triển truyền thừa trong lịch sử Phật giáo nước nhà.

Thái Tông dẫn chứng câu của Thiền sư Vĩnh Gia:Ai không niệm, người ấy không sanh” (dẫn chứng trong bài Niệm Phật Luận của Khóa Hư Lục). Phải chăng phép tu Thiền của Trần Thái Tông là nhằm tới chỗ dừng chỉ mọi hoạt động bình thường của ý thức, đạt tới cảnh giới vô niệm, mà các Tổ sư Thiền Trung Hoa thường nói. Bởi vì, dù khởi niệm ác hay thiện, cũng đều chịu sự chi phối của ác nghiệp hay thiện nghiệp và không thể thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Thiền sư Bách Trượng nói: “Đất lòng nếu rỗng không, thì mặt trời trí tuệ tự nhiên chiếu sáng, như mây vén mặt trời hiện.”Chúng ta hỏi: “Đất lòng (tức là tâm) rỗng không cái gì, phải chăng là dứt bỏ mọi niệm?Tư tưởng này của Trần Thái Tông thấy rõ trong bài “Niệm Phật Luận”: “Tâm ta là Phật rồi không cần tu thêm nữa.” Nói không tu thêm tức là nói xả, bỏ hết mọi niệm chỉ còn lại cái tâm thuần tịnh mà thôi, như trong cảnh giới Tứ thiền mà kinh Nguyên thủy thường mô tả (Kinh tạng Pali). Thái Tông nói tiếp: “Niệm là trần (bụi), không để lại một điểm, tức là một niệm nào.” Lại nói tiếp “Trần và niệm vốn trong lặng, cho nên nói là như như không động, là thân Phật.”

Giải thích: Thực ra trần hay niệm bổn tính là trong lặng, vì chúng không thật có. Cảnh giới của Phật là cảnh giới như như bất động, một cảnh giới nhất nguyên, không phải nhị nguyên, cho nên Thái Tông nói tiếp “Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng, tất cả các tướng đều không có phân biệt, lặng vậy thường còn. Tồn tại mà không biết tức là Phật sống vậy.”

Cảnh giới Phật là cảnh giới nhất nguyên, phi nhị nguyên. Bởi vì còn là nhị nguyên thời còn bị hạn chế, và không được tự tại. Đoạn câu của Thái Tông “Tồn tại mà không biết đó là Phật sống vậy.”Trần Thái Tông muốn nói là chúng sanh vốn có Phật tánh, mà không biết, và gọi họ là Phật sống (hoạt Phật).

Trong tập Khóa Hư Lục, bài “Rộng khuyên mọi người mở lòng Bồ Đề”, Trần Thái Tông viết “Hay đâu Bồ đề tính giác, ai nấy đều có đầy đủ, sao biết căn lành Bát nhã, người người đều tròn đầy.” Nói tóm lại, sự giác ngộ đã có sẵn trong mọi người, trí tuệ Bát nhã cũng có đầy đủ trong mọi người.

Chân lý tối hu, chẳng nhọc phải tìm ra. Chỉ cần tìm hiểu nơi tự thân (Trần Thái Tông nói là phải biện tâm), thì sẽ thấy được tính giác ngộ đó mà thành Phật. Tính giác ngộ đó, Thiền tông gọi là Phật tính. Thấy được tính đó thì tự khắc thành Phật. Vì vậy, Trần Thái Tông ở đoạn sau viết tiếp:Nếu biết chiếu rọi ánh sáng (của trí tuệ) trở lại, thì sẽ thấy tánh mà thành Phật.”

Nói tóm lại, triết lý Thiền của Thái Tông gồm hai điểm:

1. Chân lý, Phật không ở đâu xa mà ở trong tâm mình, trong tâm mỗi người.

Do đó, cầu Phật, cầu chân lý không thể hướng ngoại mà cầu được. Đó là ý tứ của các câu như “Trong núi không có Phật, Phật chỉ có ở trong tâm” của Quốc sư Viên Chứng trả lời Trần Thái Tông, khi nhà vua nói với Quốc sư về mục đích lên núi Yên Tử để tìm Phật.

“Bụt ở cuông nhà,Chẳng phải tìm xa,Nhân khuẩy bổn nên ta tìm Bụt,Đến cốc hay, chín Bụt là ta.”

Bài thơ trên của Trần Nhân Tông trong bài Cư Trần Lạc Đạo phú. Chữ Nôm cổ cuông là trong. Bụt ở cuông nhà tức là Bụt ở trong nhà. Khuẩy bổn là quên mất gốc. Đến cốc hay là đến nơi mới hay. Chín là chính. Ý tứ của bốn câu là:

“Phật ở trong nhà,Chẳng phải tìm xa,Vì bỏ quên gốc, nên ta mới đi tìm Phật,Bây giờ mới biết chính Phật là ta.”.  Hay là câu thơ của Nguyễn Trãi:“Bụt ấy là lòng, Bụt há cầu.”(Quốc Âm Thi Tập)Kết thúc bài phú Nôm Cư Trần Lạc Đạo, Trần Nhân Tông có bài thơ bốn câu chữ Hán, với hai câu sau cùng: “Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm,Đối cảnh vô tâm, hỏi chi Thiền.”

Trong nhà sẵn ngọc, tức là trong người vốn có sẵn bẩm tính giác ngộ trong sáng. Nếu tiếp xúc với cảnh, mà lòng vẫn lặng trong, không khởi vọng niệm tham trước, chấp thủ thời tức là giác ngộ, cũng không cần tập thiền làm gì.

2. Muốn giác ngộ, muốn giải thoát, không được chạy theo ngoại cảnh mà khởi vọng niệm.

Muốn được giác ngộ và giải thoát, Trần Thái Tông khuyên mọi người, không kể Tăng hay tục, hãy biện tâm.Biện tâm là thế nào? Biện tâm có phải là điều phục tâm, như trong Kinh Pháp Cú nói: “Khó nắm giữ khinh động,Theo các dục quay cuồng,Lành thay điều phục tâm,Tâm điều an lạc đến.”(Kệ 35, Kinh Pháp Cú)

 

Các tin tức khác

Back to top