Cần phát tâm Bồ-đề

11/06/2019 8:53
Lẽ thật, thế gian vốn là tan rã, không thể chấp lấy, đó không phải là nơi mình nương tựa, cho nên bây giờ mình chỉ còn có một cách là phải phát tâm Bồ-đề, tức là phải bước lên con đường giác ngộ chứ không còn con đường nào khác! Đó mới là điểm tựa trên cái thế gian tan rã, cái thế giới trống rỗng này.

Chính nhờ tâm Bồ-đề này mới có thể soi sáng, khiến cho đời sống mình có ý nghĩa hơn chứ không phải là trống rỗng. Đó là chỗ mình cần phải học đạo. Chính do mê mờ không nhận được ánh sáng đó nên mình mới lầm, những cái không thật không bền chắc mà cứ bám níu hoài nên thành ra khổ! Bây giờ, nhờ ánh sáng của tâm Bồ-đề, con đường mình đi được soi sáng nên cuộc sống của mình mới có ý nghĩa vì nó có hướng đi. Chính đó mới là sống có điểm tựa, còn không thì tất cả đều mất điểm tựa hết. Thiền sư Đạo Nguyên có nói:

“Tâm Bồ-đề phần nhiều gọi là nhất tâm. Tổ sư Long Thọ có nói: “Chỉ quán tâm sanh diệt vô thường của thế gian cũng gọi là tâm Bồ-đề”. Vậy thì tạm nương nơi tâm này có thể cho là tâm Bồ-đề chăng? Thực tế khi quán vô thường thì tâm ta đây chẳng sinh, niệm danh lợi chẳng khởi, chỉ sợ thời gian qua đi nhanh chóng do đó mà gấp rút tu hành như cứu lửa cháy đầu, nhìn lại cái thân mạng không bền chắc do đó mà tinh tiến quên cả mỏi mệt. Dù có nghe tiếng thần Khẩn-na-la hay tiếng chim Ca-lăng-tần-già cũng như gió chiều, dẫu thấy mặt Vương Tường, Tây Thi cũng như sương sớm che mắt, đã lìa sự trói buộc của thanh sắc thì tự hợp đạo lý quá rồi vậy”.

Đây Ngài nói rằng chỉ cần quán sự vô thường thì đó đã chính là tâm Bồ-đề! Nương nơi sự quán vô thường này nên tâm mình không có sinh theo những cái tạm bợ mỏng manh. Chính khi quán vô thường, mình thấy danh lợi vô thường mỏng manh, không gì bền chắc nên tâm danh lợi không sanh, thì đó chính là phát khởi tâm Bồ-đề rồi! Khi quán vô thường, mình thấy cuộc đời mỏng manh, đi qua mau chóng nên phải gấp rút tu hành như cứu lửa cháy đầu, thì đó chính là tâm Bồ-đề chứ gì nữa! Chính khi quán vô thường, mình thấy thân mạng này không bền chắc nên tinh tấn tu quên cả mỏi mệt. Còn bây giờ mình thấy tu lâu lâu coi bộ cực quá, đó là vì nghĩ nó là mình nên mới thiếu tâm Bồ-đề. Đây thì ngược lại, phải quán nó vô thường, nó mỏng manh cho nên lo tinh tấn tu hành để chuyển thì sẽ không thấy mỏi mệt, đó chính là tâm Bồ-đề rồi! Chính vì quán vô thường, nên nghe những tiếng hay, thấy những sắc đẹp thì mình cũng thấy đó là những cái mỏng manh không bền chắc. Tuy có thấy có nghe nhưng nó cũng giống như gió thoảng, không vướng mắc gì hết thì đó cũng chính là tâm Bồ-đề. Như vậy, quán rõ sự vô thường khiến cho mình không tham đắm, thoát khỏi sự trói buộc của thanh của sắc, của những danh lợi thế gian mà lo gấp rút tu hành, đó chính là phát khởi tâm Bồ-đề. Quả thật, chính pháp quán vô thường mà đánh thức tâm Bồ-đề nơi mình. Đã rõ lẽ thật như vậy thì chẳng lẽ mình cứ chìm mãi trong cái vô thường, đắm hoài trong pháp tan rã đó để chịu khổ hay sao?! Quý vị nhớ, Đức Phật khi còn là Thái tử khi đi dạo qua bốn cửa thành, thấy những cảnh người già, người bệnh, người chết v.v… Ngài liền thức tỉnh và quyết tìm đường giải thoát để giải quyết vấn đề vô thường này, Ngài không thể chấp nhận phải chết chìm trong đó! Đó là tâm vượt ra, tâm vươn lên của Ngài. Đây cũng vậy, hiểu được lẽ thật thì bây giờ mình phải phát tâm Bồ-đề để tìm cho ra lối đi, đó mới là tinh thần học đạo. Chỉ lẽ thật này mà mình học kỹ, hiểu kỹ thì nó sẽ nâng cao đời sống của mình, chỉ cho mình hướng đi rất trong sáng và có ý nghĩa.

 

Trích "Tất Cả Thế Gian Đều Tan Rã" - TT. Thích Thông Phương


Các tin tức khác

Back to top