Giờ trả bài tập làm văn luôn là giờ sôi động nhất vì thầy giáo thường đọc cho cả lớp nghe hai bài, bài được điểm cao nhất và bài có điểm thấp nhất. Tất nhiên, bài cao điểm được những tràng pháo tay và bài điểm thấp bị cười cợt, chưa kể sau đó còn có nhiều giai thoại.
Hôm nay, như thường lệ, thầy mở cặp lấy xấp bài ra là cả lớp nhấp nhổm. Với đề ra là “Nghị luận về một bức thư cảm động mà em từng được nhận”, thầy nói lớp có bốn mươi học sinh thì chắc chắn sẽ có bốn mươi bức thư với những sự xúc động khác nhau, không như khi chứng minh trích đoạn nào đó bị thầy chê là đơn điệu.
Khác thường là thầy đưa xấp bài cho lớp trưởng chỉ giữ lại một bài. Chỉ một! Đứa nào cũng nhón người, nghểnh cổ cho cao lên một chút để cố nhìn cho ra tên của ai và được mấy điểm, nhưng không được.
Giỏi văn nhất lớp là lớp phó xinh đẹp. Tuy nhiên, dự đoán của chúng tôi tiêu tan khi cô lớp phó với tay nhận bài của mình từ tay lớp trưởng. Vậy là thầy giữ lại bài dở nhất rồi! Cả lớp chuyển ánh mắt nhìn về phía Hùng với tiếng cười khúc khích.
Hùng thường có những câu văn kiểu như “Đi một ngày đàng học một sàng khôn, vậy nên chúng ta phải đi nhiều ngày hơn nữa”... Nhưng rồi Hùng cũng nhận được bài của mình.
Vậy thì của ai? Làm sao biết trước được bài sẽ đọc lên hôm nay là của ai! Trời, môn văn… Có khi bài trước mới được sáu điểm với lời phê “Lối hành văn trong sáng, nên đọc nhiều để dẫn chứng phong phú hơn” thì bài sau nhận được ngay điểm bốn với lời phê “Quá lan man dông dài!”. Điểm bảy môn văn của thầy là một ước mơ xa! Ngay cả lớp phó cũng nói vậy.
Chúng tôi nhìn theo tay của lớp trưởng cho đến khi bài cuối cùng được phát ra. Chỉ mình Dũng là chưa có. Không hẹn mà cả lớp đều ngạc nhiên nhìn về phía Dũng, tác giả bài văn trên tay thầy.
Tránh cái nhìn của cả lớp, Dũng ngoảnh ra cửa sổ. Không thấy mặt Dũng, nhưng có thể thấy rõ hai vành tai và cổ của cậu đỏ ửng.
Dũng là học sinh trường huyện mới chuyển về lớp tôi được hai tháng nay. Không có gì nổi trội. Nơi Dũng cái gì cũng bình thường và chưa có gì đặc biệt về môn văn cả. Và tất nhiên thầy giáo tức giận gọi Dũng đứng lên và lớn tiếng nói:
“Một bài văn như vậy mà sao em có thể sai nhiều lỗi chính tả như vậy hả? ”.
Cậu vẫn im lặng không nói gì, thầy giáo lại càng tức giận quát:
“Có lẽ thầy sẽ cho em chuyển xuống lớp dưới để học lại chính tả”. Cả lớp đều tò mò không biết là Dũng đã viết sai những lỗi gì mà khiến thầy giáo tức giận đến vậy. Sau đó thầy từ từ viết lên bảng lỗi chính tả của cậu cho cả lớp cùng đọc:
“Con iu thươn của ba. Chìu hôm qua ba kiu người báng con heo đễ có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn? Cã nhà nhớ con nhìu lấm cố họch nge chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con”.
Cuối cùng từ phía dưới góc lớp Dũng lí nhí nói:
“Thưa thầy đó là bức thư cha em viết khi em đi học xa nhà, bức thư bị sai lỗi chính tả là vì cha em không biết chữ. Ngày đó khi em còn ở nhà cứ tối đến là em lại dạy cha tập đọc đánh vần, tập viết nhưng cha chưa kịp học hết thì em đã lên đây học”.
Thì ra nhà Dũng nghèo lắm, nhưng ba má cho cậu ra phố học để sau này cậu có thể làm được điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho cậu ra phố, ngoài việc phải kiếm tiền làm thêm để có tiền trang trải chuyện học hành của cậu, ba còn phải làm những việc mà khi ở nhà cậu có thể đỡ đần được cho gia đình. Chưa bao giờ ba má viết cái gì cả. Hồi cậu còn ở nhà, mỗi khi cần viết thư về quê hay viết đơn từ đều là do Dũng viết giúp cha.
Khi thầy quay lại thì Dũng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng hoe đỏ.
Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và gửi gắm của một người cha vốn chỉ quen với cày cuốc lần đầu cầm bút viết thư cho con. Có lẽ tôi, cả lớp và cả thầy giáo đều hiểu:
Bức thư tuy chỉ vỏn vẹn có 45 chữ nhưng chứa cả tấm lòng của người làm cha. Tấm lòng Cha Mẹ là thứ mà người làm con sẽ mang theo suốt đời mình.
Theo Một Thế Giới
Các tin tức khác
- Quy tắc cân bằng “hoàn hảo” tồn tại trong sinh mệnh con người (29/01/2016 3:24)
- Phật tử Sri Lanka tổ chức lễ hằng thuận tại chùa (28/01/2016 9:39)
- Những loại tín ngưỡng nhân gian không phải là đạo Phật (24/01/2016 3:34)
- Đồng tiền kẹp trong sách và bài học thấm thía suốt cuộc đời (22/01/2016 3:20)
- 3 doanh nhân phá sản say rượu và lời nói khiến họ bừng tỉnh (21/01/2016 3:23)
- Trên đời này cái gì quý giá nhất? (20/01/2016 3:17)
- Thử sống đời của người khác (19/01/2016 3:31)
- Cựu Tăng Ni sinh trường TCPG Bình Dương KII họp mặt cuối năm (18/01/2016 10:17)
- Trí tuệ của kẻ ngốc (17/01/2016 4:46)
- Sự giác ngộ (17/01/2016 4:27)