Phải nhẫn nhục như thế nào mới đúng chánh pháp?

1/02/2016 4:18
1. Nhẫn nhục có chấp tướng.

Nhẫn nhục vì sợ quyền thế; Nhẫn nhục vì đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được; Nhẫn nhục để mong cầu được người khen, hay được chức trọng, quyền cao; Nhẫn nhục vì khinh bỉ đối thủ, hay tự cho mình cao hơn người, không thèm chấp nê, phản đối. Nhẫn nhục như thế là Nhẫn nhục chấp tướng vì còn do dục vọng tham, sân, si, mạn thúc đẩy, chưa phải là Nhẫn nhục Ba la mật.

2. Nhẫn nhục không chấp tướng. Người tu hạnh Nhẫn nhục ba la mật, trước hết phải do ý muốn diệt trừ lòng sân hận, kiêu mạn, tất đố, tự ái, tham lam…Nếu có người chửi mắng, mình phải bình tĩnh tự nghĩ rằng: “Ta có làm điều gì sái quấy không? Nếu có, thì ta bị sỉ nhục là phải, ta nên cảm ơn người. Nếu ta trong trắng, thì những lời sỉ nhục ấy có dính líu gì đến ta đâu, mà phải khổ tâm nghĩ đến?”

Hơn nữa, người tu Nhẫn nhục còn nhắm much đích trao dồi lòng từ bi và hỷ xả, ta Nhẫn nhục không oán giận, không trả thù là vì ta thương người, ta muốn xem mọi người như thân thuộc anh em. ta Nhẫn nhục vì ta không muốn cuộc đời là một đấu trường, một bãi chiến, một lò lửa của sân hận, đốt thiêu tất cả.

Chúng ta hãy tập cho được Nhẫn nhục như ông Purna trong câu chuyện sau đây: “Khi Phật còn tại thế, một Ðệ tử của Phật, ông Purna xin Phật đi qua truyền đạo tại xứ Chronaparanta, là một xứ có tiếng rất hung ác. Phật hỏi ông Purna:

Ông đã phát nguyện đem đạo pháp của ta đến truyền bá cho dân xứ ấy, nhưng nếu họ không nghe, lại còn dùng lời hung ác mắng chửi ông, thì ông nghĩ sao?

Bạch Thế tôn, con nghĩa: Họ là người tốt, vì họ không dùng cây đánh đập con, hay lấy đá ném con.

Phật hỏi tiếp:

Nếu họ lấy cây đánh ông, hay dùng đá ném ông, thì ông nghĩ sao?

Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ vẫn còn lòng nhân, vì họ không chém giết hay đập con đến chết.

Phật lại hỏi:

Nếu họ chém giết hoặc đánh chết ông thì ông nghĩ sao?

Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ là ân nhân của con, vì nhờ họ mà con thoát được thân đau khổ, bỏ được bọc thúi tha, từ biệt đời sống khốn nạn này.

Ðức Phật khen:

Hay lắm ! Ông nhẫn nhục được như vậy thì mới có thể qua xứ ấy truyền đạo được !

Ông Purna qua xứ Chronaparanta truyền đạo không bao lâu, dân chúng xứ ấy đeù qui đầu Phật pháp cả.

Nhẫn nhục như ông Purna mới thật đúng là Nhẫn nhục Ba la mật, nghĩa là nhẫn từ ngoài thân đến trong tâm, nhẫn mà không thấy mình nhẫn và cảnh nhục để nhẫn.

 

HT. Thích Thiện Hoa

Các tin tức khác

Back to top