3/08/2016 6:23
Chớ nói đến sau khi chết, nay ông còn sống, đang ngồi ở đây, sở thấy rõ ràng trước mắt, nhưng tánh thấy của ông ở đâu? Ông hãy chỉ ra xem! Lúc sống còn tự chỉ không được, nói chi sau khi chết, tôi làm sao chỉ ra? Chính Phật Thích Ca cũng chỉ không được. Tại sao? Vì tánh thấy chẳng phải vật, vốn không lay động biến đổi, làm sao có sanh diệt? Đã chẳng phải vật thì làm sao chỉ?
Do tánh con người ham tìm hiểu, muốn biết tất cả, nhưng chính cái cơ thể của mình còn không biết, những gì trước mắt mình cũng không biết. Ví như tôi nhìn vào móng tay của tôi, đâu thấy nó dài ra? Nhưng hiện đã chứng tỏ cho biết có dài hơn so với ba ngày trước,vậy nói “móng tay của tôi ba ngày dài một lần, đúng không? Không, tại sao? Móng tay tôi giây phút nào cũng đang dài, sự sinh trưởng đâu có lúc nào ngưng? Chính ngay hiện nay cũng đang dài, chỉ là tôi không biết thôi. Tóc, tế bào của cơ thể, có cái đang sanh, có cái đang diệt, mặt mũi của tôi cũng đang thay đổi, nhưng tôi có biết đâu! Ấy gọi là cuộc sống hàng ngày đang thay đổi mà chẳng tự biết, còn muốn biết tới những gì ngoài cơ thể? Có ích lợi gì.
Cái biết của bộ não là tướng bệnh, cái biết của Phật tánh là tướng mạnh. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đang ứng dụng cái biết của bộ não thì cái biết của Phật tánh phải ẩn thôi. Nay chúng ta tham thiền(*), dùng nghi tình (**) dẹp cái biết của bộ não, tức dẹp tướng bệnh; khi nào hết bệnh, tướng mạnh mới hiện ra.
Cái biết của Phật tánh khắp không gian thời gian, chẳng chỗ nào không biết, chẳng lúc nào không biết, còn cái biết của bộ não rất hạn chế, lại không đúng với sự thật. Nay nói đến không gian, thời gian, nếu phân tích nhỏ lại thì bộ não không biết.
Ví dụ một ngày đêm có 24 giờ, một giờ chia thành 60 phút, một phút chia thành 60 giây, theo nhà Phật một giây phía thanh 60 sát na. Nói “một sát na” thì bộ não còn có thể tưởng tượng được, nếu đem chia thêm ba lần nữa: một sát na chia làm 60A, 1A chia làm 60B, 1B chia làm 60C. Khi tôi nói đến “1C” trong hiện tại, đã trôi mất mấy mươi C rồi. Hiện tại đã không thành lập được thì bộ não làm sao biết?
Nếu tôi đem chia thêm 30 lần, theo toán học, con số vẫn còn, nhưng bộ não đâu còn biết được thời gian thực tế nữa! Tóm lại, hễ còn con số thì thời gian vẫn có, mà bộ nào không biết được. Ấy là nói về thời gian.
Bây giờ nói về không gian: Tôi từng xem một quyển toán học xuất bản ở Hồng Kông, trong đó nói đến một loại vi khuẩn dạng như chiếc dép cỏ, nay tạm gọi là “Con sâu dép cỏ”, loại vi khuẩn này thuộc đơn bào, phải dùng kính hiển vi mới thấy rõ. Về sự trưởng thành của nó, cứ cách một ngày đêm là nứt thành hai con, ngày sau nữa thành bốn con, rồi thành tám con... Từ đời thứ nhất đến đời thứ 90 thì thể tích của nó là 1m3, đến đời thứ 130 thì thể tích bằng quả đất! Chỉ cần trải qua 130 ngày, nếu chỉ có sanh mà không có sự diệt, thì thể tích của con sâu này bằng một quả đất, đến đời thứ 131 bằng hai quả đất!
Căn cứ theo lý này, nay thử đem con sâu có khối thể tích bằng quả đất này xẻ làm hai, rồi mỗi bên lại xẻ làm hai, cứ như thế xẻ đến lần thứ 130 thì thể tích của nó trở lại thành một đơn bào. Như vậy, theo toán học, đem con sâu ấy xẻ thêm 130 lần; con số vẫn còn, nhưng cơ thể của nó bộ não mình còn biết được không? Con số có thể tiếp tục thu nhỏ, nhỏ đến vô cực, còn việc không gian thời gian trước mắt đã hoàn toàn không biết được rồi.
Cho nên, có người hỏi: “Kiến tánh (***) rồi đi về đâu?” Nếu có chỗ về thì chưa phải kiến tánh, vì không cùng khắp vậy. Bây giờ ai muốn đạt đến tự do tự tại, làm chủ cho chính mình, chỉ có thực hành tham thoại đầu chứ đừng tìm hiểu và hỏi ở ngoài nữa. vì hỏi cũng vô ích. Tại sao vô ích? Như trong Kinh nói: Người mù hỏi người mắt sáng: Mặt trời như thế nào? Người mắt sáng diễn tả mặt trời có tròn có nóng, vậy là đúng rồi, nhưng nếu người mù cho “tròn và nóng là mặt trời” thì sai, bởi vì đâu phải cái nào có tròn có nóng tức là mặt trời! Nếu người mù căn cứ theo lời của người mắt sáng mà nhận biết thì không đúng. (Người mù dụ cho người chưa kiến tánh, người mắt sáng dụ cho người đã kiến tánh).
Chớ nói là người mù, nay người mắt sáng với người mắt sáng cũng vậy, tôi thường lấy thí dụ về mặt mũi của ông Trương: Tôi quen biết ông Trương, còn quý vị thì chưa gặp qua lần nào, chưa biết mặt mũi ông ấy ra sao. Tôi diễn tả mặt mũi của ông Trương như thế nào, cao thấp ra sao... mặc dù tôi nói rất giống, nhưng quý vị dẫu có gặp ở ngoài đường cũng đâu biết người đó là ông Trương? Vì lời nói và thực tế có khác. Chẳng phải đó tôi diễn tả không đúng! Nhưng muốn dựa vào lời nói của tôi để nhận biết thì không được.
Nay chưa kiến tánh, đối với sở thấy của mình rõ ràng, mà năng thấy còn chỉ không được, dẫu cho tôi nói được, quí vị theo lời nói của tôi cũng đâu thể nhận biết được! Vì thế cho nên, mục đích của chư Phật là muốn chúng ta trị hết bệnh mù, đích thân thấy, chứ đừng nghe lời người mắt sáng, bị người mắt sáng lừa.
Sự thật, người mắt sáng đâu muốn lừa chúng ta, chỉ tại mình cứ đuổi theo lời nói để nhận biết sự chân thật. Nay chúng ta cũng như người mù, thấy cũng như không thấy, Đức Phật chỉ hướng dẫn cách tu, để chúng ta tự trị hết bệnh mù, rồi tự thấy.
Thiền sư Thích Duy Lực
Chú thích:
(*) Tham Thiền: 參禪
Tham thiền chẳng phải ngồi thiền, ngồi thiền chẳng phải tham thiền. Tham thiền ở nơi tâm ngộ mà chẳng ở nơi ngồi. Trước đời nhà Tống Trung Quốc (cách đây 600 năm), các Tổ sư mỗi mỗi dùng cơ xảo khiến thiền giả tự khởi nghi tình mà chẳng biết mình đã tham thiền, nên kẻ ngộ nhiều, lại mau ngộ. Từ khi Truyền Đăng Lục (Lịch sử Thiền tông) ra đời, thiền giả đã biết cơ xảo của Tổ sư nên chẳng thể tự khởi nghi tình, Tổ sư bất đắc dĩ phải dạy tham thoại đầu, nên sau này kẻ ngộ ít mà lại chậm ngộ.
(**) Nghi tình: 疑情
Ở trong tâm đề câu thoại đầu hoặc công án, tự hỏi mà tự sanh khởi cái cảm giác không hiểu, muốn hiểu mà hiểu không nổi, cũng chẳng lọt vào tư duy, Thiền tông gọi là nghi tình.
(***) Kiến tánh: 見性
Tham thiền đến chỗ cùng tột, “Ồ” lên một tiếng, trong sát na tự tánh bỗng hiện, liễu chứng các pháp vô sanh, chẳng phải có năng kiến sở kiến.
Theo GHPGVN
Các tin tức khác
- Có phải trong quả dự lưu, hoài nghi là chưa tin vào bản chất giác ngộ có sẵn để trở về với chính mình? ( 3/08/2016 6:20)
- 9 điều không được học ở trường nhưng cần phải biết để đối nhân xử thế ( 2/08/2016 1:31)
- Bị đổ nghiệp? ( 1/08/2016 1:00)
- Tu thiền tham công án, thoại đầu có thể trị bệnh tâm thần? (31/07/2016 2:38)
- Giải phóng cơn giận? (30/07/2016 12:57)
- Tại sao nên bái lạy Phật, thượng sư, tổ tiên? (30/07/2016 12:10)
- Chiếc chai (29/07/2016 12:48)
- Tông chỉ Thiền tông bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nhưng tại sao Phật thuyết nhiều kinh điển? (27/07/2016 1:19)
- Thế nào là nghĩa ba câu trong Kinh Kim Cang? (26/07/2016 1:03)
- Những câu chuyện giản dị tại Nhật Bản nhưng lay động triệu con tim (26/07/2016 12:29)