Nhận biết một số bệnh cột sống thường gặp

24/04/2020 8:21
Cột sống được xem như trụ cột chống đỡ sức nặng của trọng lượng cơ thể. Bệnh xương khớp, nhất là bệnh lý liên quan cột sống, tuy không chết người nhưng lại gây tàn phế rất cao.

Các nghiên cứu trên bệnh nhân khớp cho thấy chỉ sau 5 năm phát bệnh (với triệu chứng âm thầm hoặc chỉ là những cơn đau, mỏi ngắn), số bệnh nhân khớp còn chức năng lao động bình thường chỉ khoảng 40%; 16% mất chức năng đi lại nghiêm trọng và số này đều do thoái hóa cột sống.

Cột sống là một chuỗi nhiều đốt xương sống riêng lẻ. Các đốt này kết nối với nhau thành một trục nhờ hệ thống dây chằng và cơ. Dọc theo chiều dài cột sống có chứa tủy sống và dây thần kinh đi từ trên não xuống. Đây chính là trụ cột chống đỡ sức nặng của trọng lượng cơ thể. Khi cấu trúc này thay đổi sẽ gây ra những bệnh về cột sống.

Khi bị các bệnh lý về cột sống, triệu chứng dễ nhận biết nhất là đau, mỏi lưng.

Khi bị các bệnh lý về cột sống, triệu chứng dễ nhận biết nhất là đau, mỏi lưng.

Những bệnh lý thường gặp

Loãng xương và thoái hóa cột sống: Đây là bệnh thường gây ra đau lưng, hay gặp ở người lớn tuổi do khối lượng xương sụt giảm, làm cho xương giòn, xốp và dễ gãy. Ở người lớn tuổi, các đốt xương sống hay bị biến dạng như: xẹp, lún và gai cột sống.

Vẹo cột sống: Bệnh vẹo cột sống là hình dạng và độ cong của xương sống không theo một trục thẳng vốn có làm cho hai vai cao thấp không đều nhau. Khi cột sống vẹo nhiều, xương sườn và lồng ngực nhô về phía trước, gây khó khăn cho sự thở và cũng gây ra đau lưng.

Viêm cứng khớp cột sống: Là trường hợp viêm của đốt xương sống. Bệnh này gây đau lưng âm ỉ, kéo dài, hay đau về đêm. Bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gặp ở nam giới. Ngoài ra, còn có chứng viêm dây chằng, viêm phần gân kết nối các đốt sống với nhau, các đốt sống cùng - chậu là phần dễ bị viêm nhất.

Thoái hóa và thoát vị đĩa đệm: Ðĩa đệm là một cấu trúc sụn - xơ nằm giữa hai đốt sống. Đĩa đệm hoạt động như một bộ phận giảm sốc để bảo vệ não và dây thần kinh não tủy khi cơ thể vận động mạnh. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân của đĩa nhô ra qua màng xơ bao chung quanh đĩa và ép lên các rễ thần kinh, dây chằng kế cận, gây đau. Ða số các trường hợp thoát vị đĩa đệm thường thấy ở tuổi 30-50 (độ tuổi lao động nhiều nhất, nặng nhất). Đôi khi thoát vị còn xảy ra do bất chợt vặn hoặc cong cột sống quá mức khiến phần đĩa đệm lòi ra, đè lên dây thần kinh cột sống.

Đau lưng cơ năng: Thường gặp ở những người mang vác, lao động nặng hoặc ngồi lâu ở tư thế không thích hợp gây ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống, dây chằng và cơ cạnh cột sống làm cho những cơ này phản ứng bằng cách co rút lại gây đau lưng.

Chấn thương cột sống: Những trường hợp té ngã từ trên cao hay những chấn thương do va đập mạnh trực tiếp vào cột sống gây gãy cột sống, xẹp lún đốt sống, tổn thương dây chằng hay trượt đốt sống đều gây ra chứng đau lưng dữ dội. Có những trường hợp bị liệt do dây thần kinh và tủy sống bị tổn thương.

Lời khuyên của thầy thuốc 

Khi bị các bệnh lý về cột sống, triệu chứng dễ nhận biết nhất là đau, mỏi lưng. Đôi lúc có những cơn đau xé. Những trường hợp đau lưng cơ năng hay ở mức độ bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi tại giường, kết hợp vật lý trị liệu như: massage, xoa bóp, tập dưỡng sinh, chiếu đèn hồng ngoại hay dùng thuốc hỗ trợ như: giảm đau, giãn cơ... Thông thường, một số bệnh có thể tự khỏi sau ít ngày.

Tuy nhiên, với những trường hợp nặng hơn như: chấn thương, đau lưng kéo dài do loãng xương, thoái hóa cột sống, người bệnh cần phải đến bệnh viện chuyên khoa khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp, nếu cần có thể phải phẫu thuật.

BS. Hoàng Văn Thuận



Các tin tức khác

Back to top