Thế nào niệm một câu danh hiệu Phật phải súc miệng 3 ngày?

13/08/2014 3:41
Hỏi: Thế nào niệm một câu danh hiệu Phật phải súc miệng 3 ngày?

Đáp:
Đó là công án của Triệu Châu, phàm chấp cái gì thật thì không được, lời nói của Tổ, Phật cũng không được. Lời nói của Tổ là mục đích để cho người ta phát nghi, chứ không phải để cho người ta chấp thật. Nếu chấp thật thì sẽ tẩu hỏa nhập ma. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả do tâm tạo”, và cũng nói: “Nhân quả, thế giới, vi trần nhân thành thể”, vì tâm mới có các thứ đó.

Tiểu thừa thì duy vật, Trung thừa thì duy tâm. Đại thừa thì tâm và vật hợp một, Tối Thượng thừa thì chẳng phải tâm chẳng phải vật, mới siêu việt,  không trụ ở tâm, không trụ ở vật.
Chư Tổ dạy mình chuyên tu 1 pháp môn, đi sâu vào, đừng có như dùng 2 chân đi trên 2 chiếc thuyền.

“Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, như tay dụ cho tâm hoạt bát vạn năng, lấy trái cây, lấy cuốn kinh,… lấy cái gì cũng được, vì không có sở trụ. Tham thiền khởi lên nghi tình là cây chổi tự động quét “biết và không biết” của bộ óc thì khôi phục lại hoạt bát vạn năng bản thể vô trụ cùng khắp không gian và thời gian. 

Lục Tổ nói: “Lấy vô trụ làm gốc”. Duy Ma Cật nói: “Từ gốc vô trụ lập tất cả pháp”, lập tất cả pháp là cái dụng. Dụng là sanh kỳ tâm, vô sở trụ mới được cái dụng của tâm, nếu có sở trụ thì bị mắc kẹt. 
Nếu trụ nơi có thì mắc kẹt nên không hiện ra cái dụng, trụ nơi không cũng bị mắc kẹt cái dụng. Cho nên, có và không đều phải quét thì khôi phục bản năng của bản thể. Lục Tổ vừa nghe đến câu này liền đại ngộ, không phải ai cho, tức là hồi nào vốn như vậy. Tại mình chấp thì bị  chướng ngại nên không được ngộ.

Vô sở trụ thì không trụ nơi có, không trụ nơi không, không trụ nơi cũng có cũng không, không trụ nơi chẳng có chẳng không. Tức là không trụ nơi nào thì cái dụng mới hoạt bát vạn năng, ứng dụng việc gì đều được. Nếu trụ bất cứ chỗ nào một chút thì cũng bị chướng ngại cái dụng.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Do giác minh thành lỗi lầm”, là trụ nơi minh (sáng). Tâm mình vốn sáng, khỏi cần sáng nữa. Do chấp cái sáng thì mất cái sáng của bản thể, cho nên tin tâm mình tất cả sẵn sàng, khỏi cần lấy vô.

Như Bàng Uẩn nói với Ông quan: “Phàm cái nào mình đã có đều đổ ra hết, cái nào mình không có đừng lấy vô”. Người thế gian cho mình còn thiếu, nghèo rồi đi khất thực các nơi, không biết trong áo của mình có hạt châu như ý mà không lấy dùng (kinh Pháp Hoa). 

Cho nên, người học đạo phải tin tự tâm mình có tất cả đầy đủ thần thông diệu dụng khắp không gian thời gian, siêu việt số lượng. Nếu nổi lên một niệm thì có số lượng (tâm lượng). Kinh Lăng Già nói: “Tự tâm hiện lượng”, cũng gọi là vọng tưởng.

Cái không sẵn sàng, vì do con người tạo ra sự phân biệt, mới sanh có đủ thứ phiền não, thế giới hiện tượng. Nên Phật muốn chúng ta đừng tạo thì được bình yên vô sự. Như tạo cái tách, nếu cái tách bể thì sanh ra phiền não.

Tất cả đều là vọng, nhưng là Như Lai Tạng. Phá trước tưởng, chứ không phải không có thế lưu bố tưởng! Tức là không hoại pháp thế gian, tất cả y như cũ; như cái tách vẫn là cái tách, trái bôm vẫn là trái bôm,… không thêm ý mình vô, không cho là phải như vầy mới đúng hay không đúng. Chỉ theo thế lưu bố tưởng không sanh ra trước tưởng.

Tại thói quen con người giải thích cái này, cái kia, nên Trung Quán Luận phá cái “không” thì phá hết tất cả. Tại sao phá 27 thứ, như phá Phật, phá Như Lai, phá Nhân Duyên,…? Vì con người có đủ thứ tâm chấp, chấp nhân duyên thì phải phá nhân duyên, chấp không thì phải phá không, chấp Phật thì phải phá Phật, chấp ma thì phải phá ma,… là phá tâm chấp. Vì vậy, phải phá đủ thứ, không phải chỉ phá một thứù.

Nếu tất cả thứ đều ở trong hư không, phá được hư không thì tất cả thứ đều phá. Nhưng không làm được như vậy, phá hư không rồi người ta vẫn còn chấp mấy cái khác nữa, cho nên tùy theo sự chấp mà phá. Người này chấp Bồ Tát thì phá Bồ Tát, người kia chấp Phật thì phá Phật,... Tùy theo cái chấp của chỗ nào thì phá chỗ đó, chứ không được phá chung.

Giải nghĩa của Phật chỉ là phá chấp, nhưng lời nói đủ thứ sai biệt. Đối với người này nói vậy. Thành ra người trí thức đọc kinh Phật thấy mâu thuẫn, nhưng sự thật không có mâu thuẫn, mà Phật không thể nói. Cũng như món ăn, thích hợp người này, không thích hợp người kia, không thích hợp cho nhiều người được.

Vô trụ là không có chỗ nào để trụ được, nói cái gì cũng không trụ, tại người đó muốn trụ thì đâu có cách nào? Căn bản là vô trụ, như cái tay vô trụ thì hiện ra cái dụng hoạt bát vạn năng. Có sở trụ, bất cứ trụ nơi Phật, tuy Phật cao nhất cũng là chướng ngại cái dụng tự tánh, huống là còn trụ dưới Phật. Nghe tôi giảng rất có lý, không được trụ lời nói của tôi và Phật.

Phật rất sợ người ta trụ vào lời nói của Phật. Lời nói không thể thay thế cho thực tế. Như diễn tả ông Trương cho người khác biết thì không thể được. Theo lời nói mà nhận biết ông Trương càng không được. Có hình tướng số lượng còn không diễn tả được, huống chi Phật tánh không hình tướng, số lượng, làm sao dùng lời nói mà diễn tả? Hiểu lầm là tất nhiên rồi, chứ không thể không hiểu lầm! 
Nên Phật mới thuyết 84.000 pháp môn. Chư Phật chư Tổ muốn người ta phát nghi để tự ngộ, tới ngộ rồi mới không hiểu lầm. Chưa ngộ thì phải có sự hiểu lầm, nên gọi là tự tâm hiện lượng. Từ chỗ hiểu lầm tiến tới chỗ ngộ thì không còn hiểu lầm, vì thực tế đã hiện lên rồi.

Tôi thường nói không dùng 2 chữ “cho là”, “cho là” là ý của mình xen vô thì làm hoại pháp thế gian, không phải pháp xuất thế gian phá hoại pháp thế gian! Cho nên, trên thế giới vì bảo thủ tư tưởng của mình, thường xảy ra xung đột chiến tranh. Tại mình cho cái này đúng thì mới sanh ra đủ thứ tai họa.

Trong Phật pháp phân biệt là thức, không phân biệt là trí. Vậy làm sao không phân biệt? Pháp Bảo Đàn nói: “Dù có phân biệt, nhưng không đụng đệ nhất nghĩa”. Nếu dùng lời nói để bao gồm không thể được. Phật nói: “Phàm có lời nói đều không có nghĩa thật”. Phật rất sợ người ta hiểu lầm nên nói câu này, Phật còn nói: “Ai nói Phật có thuyết pháp, người ấy phỉ báng Phật”.

Mặc dầu, sợ người ta hiểu lầm, nhưng người ta vẫn hiểu lầm, cho đến bây giờ Phật Giáo đồ hiểu lầm hơn 90%. Việc này rất là khó! Cho nên, hợp với người này thì không hợp với người kia. Nếu có hợp, đối với sự thật có ích gì! Phật muốn mọi người tự tu giải thoát, chứ theo cái hiểu cho là đúng và sai thì không có ích lợi. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chơn và vọng là 2 thứ vọng”.

Tôi thường khuyên các hành giả tự lo cho mình để tu, đừng lấy kiến giải của mình phải như vậy đúng hay sai; mặc dầu ý tốt, nhưng đối sự giải thoát không có ích lợi.

Trích Lược Giảng Kinh Lăng Nghiêm - HT. Thích Duy Lực

Các tin tức khác

Back to top