Trong cuộc đời này chúng ta có quyền chọn lựa gì không?

11/12/2014 11:47
Hỏi: Trong cuộc đời này chúng ta có quyền chọn lựa gì không?

Đáp: Thường thì những gì xảy đến cho ta trong đời này là do ở nhân chúng ta đã gieo trong quá khứ. Nghiệp quả thì không tránh được, nhưng phản ứng, cách đối phó của ta là hoàn toàn tùy thuộc chính mình. Ở điểm này chúng ta hoàn toàn tự do. Chúng ta có thể có chánh niệm hay không, tùy ở ta. Không có gì bắt ta phải đối phó với nghiệp quả bằng một cách này hay cách khác. Tự do nằm ở chỗ ta chọn cách phản ứng nào với những sự việc xảy đến trong giây phút hiện tại.

Hỏi: Nhưng lúc nào cũng phải giữ chánh niệm trong hiện tại, điều đó có làm ta mất đi sự tự nhiên hay không?

Đáp: Sống không có chánh niệm không phải là sống tự nhiên. Nếu chúng ta phản ứng một cách máy móc, tức là chúng ta bị cai quản, lệ thuộc vào những việc xảy ra quanh ta. Đó không phải là sống tự nhiên, mà là máy móc. Nhận được một tin gì đó chúng ta lật đật phản ứng một cách vô ý thức, không chánh niệm, tâm đó không phải là một tâm tự nhiên mà là một tâm máy móc. Sự tự nhiên chỉ đến với ta khi tâm ta yên lặng, khi tâm ta tỉnh thức, nhận biết được mọi việc rõ ràng trong từng giây phút. Khi chánh niệm tiến triển, nó sẽ không làm sinh hoạt của bạn bị đứt đoạn, nó không làm bạn mất tự nhiên. Trong giai đoạn đầu thì ta cần phải chú ý từng cử động một, đến khi ta đạt được một ý thức đơn thuần rồi thì mọi sinh hoạt sẽ trôi chảy rất thư thái.

Hỏi: Khi nãy ông có thí dụ về người tập đánh đàn và người tập thiền. Có nhiều người tập đàn nhưng không phải ai cũng trở thành một nhạc sĩ giỏi. Cũng vậy, có phải mặc dù ta tập thiền nhưng không phải ai cũng sẽ thành công và có chánh niệm, có đúng không?

Đáp: Sự tiến bộ của mỗi người khác nhau. Có người tiến bộ một cách chậm chạp và khó nhọc. Có người tuy tiến chậm nhưng rất thoải mái và an lạc. Một số khác tiến bộ nhanh chóng nhưng khổ cực. Và cũng có người tiến nhanh chóng với sự an lạc. Sự tiến bộ cũng tùy thuộc vào nghiệp quả của mình, định lực và chánh niệm của mình đã phát triển đến đâu. Nhưng nếu chúng ta đi đúng hướng, không chóng thì chầy ta cũng sẽ đến nơi. Điều cần thiết là hãy cứ bước tới (tức là tinh tấn và cố gắng). Có thể là một năm, sáu mươi năm hay nhiều kiếp nữa cũng chẳng sao, miễn là ta đi về phía ánh sáng là đủ. Chúng ta muốn đi về hướng giải thoát, tự do, chứ không phải lùi lại mà đi về bóng tối. Cho nên bất cứ nghiệp quả của ta ra sao cũng vậy, hãy bắt đầu bằng những gì ta đang có.

BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN - Phần 2
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008

Các tin tức khác

Back to top